Tổng giám đốc SAWACO bị tố “mê” đi nước ngoài

Đi công tác nước ngoài “dày đặc” tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM đã bị nhân viên tố cáo.

Tổng giám đốc SAWACO bị tố “mê” đi nước ngoài - 1

Trong năm 2015, tổng giám đốc SAWACO giao quyền cho cấp phó đến 4 lần để đi công tác nước ngoài

Một số CB-CNV thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc ông Hồ Văn Lâm, Tổng Giám đốc SAWACO, đi nước ngoài nhiều lần trong năm 2015.

Được cho phép (!?)

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng của một số CB-CNV SAWACO nêu rõ: “Trong năm 2015, ông Hồ Văn Lâm đã đi nước ngoài 4 lần. Cụ thể, từ ngày 3 đến ngày 13-4-2015, ông Hồ Văn Lâm có giấy ủy quyền cho cấp phó để đi nước ngoài 10 ngày. Tiếp đó, ông Hồ Văn Lâm tiếp tục ủy quyền cho cấp phó để đi công tác nước ngoài 9 ngày từ ngày 5 đến 14-9-2015. Hai tháng sau, ông Lâm tiếp tục ủy quyền cho cấp phó để đi nước ngoài 7 ngày từ ngày 7 đến 14-11-2015. Một tháng sau, ông Lâm tiếp tục ủy quyền cho cấp phó đi nước ngoài 7 ngày từ ngày 16 đến 23-12-2015. Và năm 2016, ông Lâm đi nước ngoài 4 ngày từ ngày 13 đến 17-6-2016”.

Những người tố cáo cho rằng việc đi nước ngoài “dày đặc” của ông Lâm đã gây bức xúc cho CB-CNV của công ty.

Lý giải về “lịch” đi nước ngoài dày đặc của ông Lâm, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết SAWACO có ban hành quy định đi công tác nước ngoài. Trường hợp của ông Hồ Văn Lâm muốn đi nước ngoài phải thông qua Ban Thường vụ Thành ủy, sau đó UBND TP ban hành quyết định cho phép đi công tác nước ngoài.

“Tất cả chuyến đi công tác nước ngoài của ông Hồ Văn Lâm đều có quyết định cho phép của UBND TP” - ông Sử khẳng định.

Trước thắc mắc về chi phí đi công tác nước ngoài của ông Hồ Văn Lâm, ông Nguyễn Thanh Sử cũng khẳng định: Chi phí đi nước ngoài không phải từ ngân sách TP mà từ ngân sách của đơn vị và đối tác. Khi ông Hồ Văn Lâm đi công tác sẽ ủy quyền lại cho một phó tổng giám đốc điều hành nên mọi hoạt động của tổng công ty trong thời gian ông Hồ Văn Lâm đi công tác nước ngoài vẫn diễn ra bình thường.

Chỉ được đi công tác 2 lần/năm

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM, việc đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm có thể được xem là một cơ hội “vàng” cho tham nhũng và lãng phí tăng cao.

Theo đó, tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21-7-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Bộ Chính trị quy định các cơ quan, tổ chức, địa phương phải xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động đối ngoại hằng năm (nếu có), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, trong đó có mục riêng về kinh phí đi công tác nước ngoài.

Kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm phải cụ thể, bảo đảm sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của cơ quan, tổ chức, địa phương. Hạn chế tối đa việc cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực... bằng ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ: Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải gương mẫu, cân nhắc kỹ việc đi công tác nước ngoài; thực hiện đúng quy định đi công tác nước ngoài không quá 2 lần trong một năm (trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất hoặc do công việc thật cần thiết).

“Như vậy, có thể thấy việc đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm sẽ ảnh hưởng một phần không nhỏ đến công việc đang đảm nhiệm, mặt khác gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước và lãng phí thời gian” - luật sư Hậu khẳng định.

Thiếu trách nhiệm, gây thất thoát?

Ngoài đề nghị làm rõ việc đi công tác nước ngoài nhiều của tổng giám đốc SAWACO, CB-CNV công ty còn phản ánh gói thầu thi công xây lắp tuyến ống nước D710PE đoạn qua sông Soài Rạp và Tắc Sông Chà của SAWACO để cấp nước sạch cho người dân huyện Cần Giờ xảy ra sự cố về kỹ thuật, gây thất thoát chi phí đầu tư và chi phí khắc phục sự cố.

Cụ thể, toàn bộ 2 tuyến ống chôn ngầm đều bị nổi và đường ống liên tục gãy. “Nguyên do chính là do ông Hồ Văn Lâm thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thiết kế cũng như trong quá trình thi công để đơn vị thi công không tuân thủ theo thiết kế và thi công không đúng theo biện pháp thi công của hồ sơ mời thầu,...”, đơn tố cáo nêu.

Tổng giám đốc SAWACO bị tố “mê” đi nước ngoài - 2

Hai tuyến ống chôn ngầm đều bị nổi

Liên quan đến gói thầu thi công này, ông Nguyễn Văn Toàn Châu, Giám đốc Ban Quản lý dự án cấp nước Cần Giờ thuộc SAWACO, thừa nhận tuyến ống nước D710PE sau khi lắp đặt ngầm dưới lòng sông bị nổi lên là có thật. Tuy nhiên, sự cố đã được khắc phục xong. Hơn nữa, trong quá trình khắc phục sự cố vẫn bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân ở huyện Cần Giờ.

Theo ông Châu, nguyên nhân là do cảng Hiệp Phước nạo vét lòng sông, đáy sông sâu nên xảy ra hiện tượng đất từ chỗ cao chảy vào chỗ trũng làm bung một số vị trí cố định tuyến ống nước dưới lòng sông khiến ống nước bị nổi lên mặt nước. Ngoài ra, tại khu vực ngầm ống nước, dòng chảy bị xáo trộn nên cũng là nguyên nhân khiến ống nước bị nổi. Thời gian tới, đơn vị sẽ trình SAWACO phương án ngầm ống nước xuống sâu hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Nghi (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN