Toàn bộ diễn biến vụ tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Vụ tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị phanh phui vào cuối tháng 10/2022, khi lực lượng CSGT Công an TPHCM phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cho đến nay, CQĐT Công an thành phố đã khởi tố 84 bị can, trong đó có Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam.

"Ngòi nổ" từ những xe cơi nới thành thùng được hợp thức

Cụ thể, theo thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM, ngày 26/10, đơn vị nhận được nguồn tin tố giác dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kiểm định phương tiện.

Cùng với đó, quá trình kiểm tra xe tải mang BKS 50H-100.20 đang lưu thông trên đường phát hiện, thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với giấy kiểm định đều cho thấy phương tiện này khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 62-03D cấp.

Công an khám xét trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè, TPHCM)

Công an khám xét trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè, TPHCM)

Tuy nhiên, rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm lưu, CSGT phát hiện có sự sai số. Điều này chứng minh thùng xe đã được Trung tâm đăng kiểm hợp thức hóa cơi nới 71 cm.

Đồng thời, CSGT còn phát hiện thêm xe mang BKS 51D-325.89 cũng được cấp giấy kiểm định thay đổi thông số kỹ thuật tương tự như xe 50H-100.20.

Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, PC08 Công an TPHCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đã lấy lời khai tài xế, chủ phương tiện và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu sai phạm.

Vạch trần 'thủ thuật'

Mở rộng điều tra, Công an TPHCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM (8 trung tâm) và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Quá trình khám xét, cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Cơ quan điều tra xác định, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng và do tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hàng chục nghìn phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm thu lợi bất chính.

Công an thực hiện khám xét và lấy thông tin lời khai những người có liên quan tại một Trung tâm đăng kiểm

Công an thực hiện khám xét và lấy thông tin lời khai những người có liên quan tại một Trung tâm đăng kiểm

Theo quy định, mỗi dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, các trung tâm có vi phạm đã sử dụng những nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên rồi mặc trang phục đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Ba nhân viên mặc trang phục đăng kiểm đi dạo quanh các camera do Cục Đăng kiểm giám sát.

Với những xe không đủ điều kiện đăng kiểm về độ khói, khí thải, các đối tượng đã sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Đối với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, đối tượng đã đạp phanh nhiều lần để hợp thức hóa, in ra giấy kiểm định. Riêng những xe đã cơi nới thành xe, thùng xe, các trung tâm đăng kiểm này đã lập giấy, hồ sơ bằng với kích thước cơi nới.

Đáng chú ý, tại 5 trung tâm đăng kiểm do đối tượng Trần Lập Nghĩa làm giám đốc (cụ thể là các Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D ở tỉnh Long An, 71-02D ở tỉnh Bến Tre, 83-02D ở tỉnh Sóc Trăng, 66-02D ở tỉnh Đồng Tháp và 63-03D ở tỉnh Tiền Giang), Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phát hiện nhóm hành vi “Giả mạo công tác” với thủ đoạn lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ.

Bị can Trần Lập Nghĩa. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Tháp

Bị can Trần Lập Nghĩa. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Tháp

"Phù phép" hàng trăm xe cho trung tâm đào tạo lái xe

Trong vụ tiêu cực tại Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè, TPHCM), nổi cộm lên câu chuyện bị can Hồ Hữu Tài – giám đốc, đã khai nhận với cơ quan chức năng rằng bản thân không viết được và không đọc được. Thông tin giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D bị “mù chữ” khiến dư luận xôn xao.

Theo cơ quan điều tra, vào năm 2019, Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát) thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D. Sau đó, do dịch COVID-19, trung tâm này hoạt động trì trệ dẫn đến nợ nần, trong số các chủ nợ có Hồ Hữu Tài.

Do nợ tiền Hồ Hữu Tài nên Nguyễn Thanh Phong đã gán cổ phần của Trung tâm đăng kiểm 50-17D và đưa Tài lên làm giám đốc.

Cơ quan chức năng xác định, trước khi làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D, Hồ Hữu Tài kinh doanh thi công san lấp mặt bằng các công trình.

Công an đọc lệnh bắt tạm giam bị can Hồ Hữu Tài. Ảnh: Công an cung cấp

Công an đọc lệnh bắt tạm giam bị can Hồ Hữu Tài. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng Phong và Tài đã thông đồng, cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện Trung tâm Đăng kiểm này đã kiểm định cho khoảng 120 xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn để Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Thành Công đưa vào hoạt động dạy lái xe.

"Chung chi" để được cấp phép

Đến nay, liên quan vụ việc tiêu cực ở các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Công an TPHCM đã khởi tố 84 bị can về các tội “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.

Trong đó, gồm có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và các đối tượng môi giới. 3 bị can là cán bộ thuộc Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng Kiểm bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” là Trần Anh Quân - Quyền trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh - Phó Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc - Chuyên viên Phòng kiểm định xe cơ giới.

Gần đây nhất, ngày 11/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm về tội “Nhận hối lộ.

Tống đạt lệnh bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà. Ảnh: Công an cung cấp

Tống đạt lệnh bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cơ quan điều tra, ngay từ đầu để thành lập các trung tâm đăng kiểm này, các đối tượng đã 'chung chi' hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới và cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định, hàng tháng, hàng quý các trạm đăng kiểm đều 'chung chi' cho cán bộ, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới và ông Đặng Việt Hà.

Nguồn: [Link nguồn]

Đưa ”vụ án đăng kiểm” vào diện theo dõi, chỉ đạo

Vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm "không phải là tham...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Huy ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN