Tòa án Thái Lan sẽ phế truất bà Yingluck trong hôm nay?

Nhiều khả năng Tòa án Hiến pháp sẽ ra phán quyết bất lợi đối với bà Yingluck.

Ngày 7/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết cuối cùng về cáo buộc lạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, và nhiều khả năng phán quyết này của tòa án sẽ khiến bà Yingluck mất chức, làm gia tăng nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình phản đối của phe Áo Đỏ.

Phán quyết này của Tòa án Hiến pháp có thể dẫn tới cuộc đối đầu giữa phe Áo Đỏ với các nhóm biểu tình chống chính phủ đã bám trụ ở thủ đô Bangkok suốt 6 tháng qua để tìm cách lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

Tòa án Thái Lan sẽ phế truất bà Yingluck trong hôm nay? - 1

Thủ tướng Yingluck có thể mất chức vì phán quyết của Tòa án Hiến pháp

Bà Yingluck bị tố cáo lạm quyền trong việc điều chuyển vị trí của ông Thawil Pliensri, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan nhằm trục lợi cho đảng Pheu Thai cầm quyền và gia đình bà. Bà Yingluck đã kịch liệt phản đối cáo buộc này.

Ông Thawil bị mất chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2011 khi bị chuyển sang vị trí cố vấn cho thủ tướng. Ông này cho rằng việc điều chuyển công tác này chỉ có lợi cho gia tộc Shinawatra và đảng cầm quyền.

Ông này bị thay thế bằng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Wichien Podposri, trong khi chức vụ đứng đầu lực lượng cảnh sát được trao lại cho Priewpan Damapong, em rể của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Thawil được phục chức vào hồi tháng Ba, và Tòa án Hiến pháp cho rằng có căn cứ để tổ chức phiên tòa xét xử cáo buộc tội lạm quyền của thủ tướng do 27 thượng nghị sĩ Thái Lan đề xuất. Nếu bị phán quyết là có tội, bà Yingluck sẽ bị cách chức và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Ra trước tòa án ngày hôm qua, bà Yingluck vẫn rất bình tĩnh và cho rằng một ủy ban gồm nhiều bộ trưởng trong chính phủ đã đưa ra quyết định điều chuyển ông Thawil chứ không phải là quyết định của cá nhân thủ tướng.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng nếu tòa án đưa ra phán quyết bất lợi, toàn bộ chính phủ của bà Yingluck cũng sẽ phải theo chân bà từ chức. Nhận định này bị những người ủng hộ bà Yingluck quyết liệt bác bỏ.

Ông Poppadon Pattama, cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thaksin nói: “Không có lý do gì để toàn bộ nội các phải từ chức cùng với thủ tướng. Điều đó giống như là một bản án kép.”

Phe Áo Đỏ cáo buộc Tòa án Hiến pháp thiên vị trong việc thường xuyên đưa ra các phán quyết bất lợi cho chính phủ. Hồi năm 2008, chính tòa án này đã buộc 2 thủ tướng có liên quan đến ông Thaksin phải từ chức.

Phe Áo Đỏ tuyên bố sẽ tổ chức những cuộc tuần hành lớn ở thủ đô Bangkok trong thời gian sắp tới nếu như Tòa án Hiến pháp phán quyết bất lợi cho bà Yingluck.

Việc bà Yingluck bị tòa án lật đổ có thể sẽ là một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, thổi bùng căng thẳng trong gần một thập kỷ đối đầu giữa những người ủng hộ ông Thaksin và tầng lớp bảo hoàng ở Bangkok vốn coi ông Thaksin là mối đe dọa với lợi ích của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN