Tin tức 24h qua: CSGT sững sờ khi phát hiện 15 người trong thùng xe đông lạnh định “thông chốt”

CSGT sững sờ khi phát hiện 15 người trong thùng xe đông lạnh định “thông chốt”; Tài xế "quên" đổi bằng lái xe có thể bị phạt tới 12 triệu đồng... là những tin nóng nhất 24h qua.

CSGT sững sờ khi phát hiện 15 người trong thùng xe đông lạnh định “thông chốt”

22h ngày 12/9, Tổ tuần tra Trạm CSGT Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) tuần tra trên QL1A phát hiện xe đông lạnh  do Lê Văn Tuấn điều khiển đang đậu trong sân một quán cơm thuộc xã Tân Đức, Hàm Tân có dấu hiệu nghi vấn.

CSGT yêu cầu tài xế mở khóa thùng xe đông lạnh và tất cả đều sững sờ khi trong thùng xe có đến 15 người trong đó có 1 trẻ em. Một số người trong thùng xe vã mồ hơi, có dấu hiệu khó thở.

Tài xế Lê Văn Tuấn khai đón 15 người trên từ một xe khách chở từ Bến xe Long Khánh (Đồng Nai) qua Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận với giá 700 ngàn đồng/người.

CSGT phát hiện 15 người trong thùng xe

CSGT phát hiện 15 người trong thùng xe

Từ lời khai này, Trạm CSGT Hàm Tân lập tức triển khai truy tìm và tạm giữ 2 xe 7 chỗ. Hai lái xe này thừa nhận cả 2 xe 7 chỗ chở 15 người từ Đồng Nai về Huế và Quảng Trị. Khi đến Long Khánh, cả 2 đã móc nối thuê lái xe đông lạnh chở từ Long Khánh ‘thông chốt’ qua Bình Thuận để tiếp tục đón số người trên tiếp tục đưa về quê...

Trưa 13/9, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND huyện Hàm Tân bố trí một cơ sở cách ly để tất cả những người này được ăn, nghỉ miễn phí. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ có văn bản gởi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Quảng Trị đề nghị phối hợp đón công dân về quê.

Tài xế "quên" đổi bằng lái xe có thể bị phạt tới 12 triệu đồng

Hiện nay chỉ quy định một mức xử phạt hành vi người có GPLX ô tô để quá hạn 6 tháng với mức phạt 4 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100, hành vi này được chia nhỏ thành 2 mức: GPLX quá hạn dưới 3 tháng và quá hạn trên 3 tháng với các mức xử phạt khác nhau.

Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng.

Hành vi để GPLX quá hạn được đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt so với hiện nay

Hành vi để GPLX quá hạn được đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt so với hiện nay

Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Theo Bộ GTVT, việc tăng mức xử phạt trên nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước GPLX.

Truy tố ông Tất Thành Cang và 19 bị can liên quan sai phạm tại Sadeco

Ngày 13/9, VKSND TP.HCM đã tiến hành tống đạt cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các đồng phạm trong vụ tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại SADECO.

Cáo trạng vừa hoàn tất sẽ được tống đạt cho 20 bị can trong vụ án và chuyển cùng hồ sơ án sang TAND TP.HCM để đưa ra xét xử.

Ông Cang khi nhận quyết định khởi tố. Ảnhh: CACC

Ông Cang khi nhận quyết định khởi tố. Ảnhh: CACC

Nội dung vụ án thể hiện ông Cang và các bị can sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phiếu SADECO cho công ty Nguyễn Kim với giá 40.000đồng/cổ phần gây thiệt hại 1.103 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do ông Cang chỉ quyết định đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy, chưa có tài liệu thể hiện ông Cang chỉ đạo đối với phần vốn còn lại. Do đó, về trách nhiệm dân sự, ông Cang phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco (16,7%) là hơn 184,2 tỉ đồng.

Về việc tham ô tài sản, từ tháng 1-2017 - 2-2018, ông Dũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT Sadeco, với sự giúp sức của  bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc Sadeco) và các cá nhân liên quan tham ô, chiếm đoạt hơn 2,2 tỉ đồng từ nguồn thù lao, quỹ khen thưởng HĐQT, BKS của Sadeco nhằm sử dụng cá nhân, không nộp lại IPC, Văn phòng Thành ủy…

TPHCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9

Ngày 13/9, Bộ Y tế công bố 11.168 ca mắc COVID-19 trong nước. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 620.165 ca, trong đó có 383.004 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Sở Y tế TP HCM đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca, từ 8 đến 12 tuần xuống còn tối thiểu 6 tuần.

Tại TPHCM: Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn, TP.HCM quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.

Tại Hà Nội: Các quận, huyện ở Hà Nội được yêu cầu thống kê người lao động có nguyện vọng về quê gửi cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước ngày 14/9.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cho biết, với trẻ em dưới 12 tuổi không bắt buộc xét nghiệm, trừ trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID-19 hoặc ở khu phong tỏa.

Tại Bạc Liêu: từ 19h ngày 13/9, áp dụng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với toàn huyện Hòa Bình.

Nguồn: [Link nguồn]

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9-2021

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn, TP.HCM quyết định tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Quân ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN