Tiêu hoang, chính quyền xã “nợ như chúa Chổm”

Xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP Hà Nội đang phải gánh số nợ gần 40 tỷ đồng.

Tiêu hoang, chính quyền xã “nợ như chúa Chổm” - 1

Ông Phùng Trần Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái

Khoản nợ 3,5 tỷ đồng để lại từ nhiệm kỳ trước chủ yếu là những khoản chi hội nghị, ăn uống, lễ hội, du lịch và... chưa biết khi nào xã mới trả được (!)

Chủ nợ lên tận trụ sở xã đòi tiền

Xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP Hà Nội có 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%). Thế nhưng, ngày 10/7/2015, khi bàn giao chức danh Chủ tịch UBND xã Đồng Thái diễn ra thì người tiền nhiệm đã bàn giao thêm số nợlên đến gần 40 tỷ đồng! Đây là số nợ được ông Phùng Trần Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã bàn giao lại cho người kế nhiệm là ông Phùng Trần Ngọ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phùng Trần Ngọ thừa nhận hiện tại xã đang phải gánh số nợ trên. Tuy nhiên, gần 40 tỷ đồng này chủ yếu là nợ xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới. “Hiện chỉ còn 3,5 tỷ đồng vẫn đang treo lơ lửng, khoanh trong sổ kế toán”, ông Ngọ cho biết.

Trả lời câu hỏi số tiền nợ 3,5 tỷ đồng vẫn treo lơ lửng trên là từ đâu ra thì ông Ngọ cho biết, đây là số nợ từ nhiệm kỳ trước để lại chủ yếu là những khoản chi hội nghị, ăn uống, lễ hội, du lịch… và chỉ có chủ tịch và kế toán trưởng mới biết (?). Ông Ngọ cũng khẳng định việc chi tiêu của UBND xã nhiệm kỳ trước không có kế hoạch, dự toán gì, đến lúc bị chủ nhà hàng đến làm rùm beng ở trụ sở đòi tiền thì mọi người mới biết.

Ông Ngọ cho biết thêm, từ ngày nhận chức mới biết UBND xã đang phải gánh những khoản nợ lớn. “Tôi mới được bầu làm Chủ tịch UBND xã từ cuối tháng 6/2015, trước đó tôi là Phó Bí thư Đảng ủy nên những khoản nợ này tôi không hề hay biết. Quả thực, khi tiếp quản tôi rất lo lắng. Lúc đó, tôi chỉ có thể đảm bảo lương và chính sách xã hội để anh em yên tâm công tác, giúp mình và phục vụ nhân dân. Còn biện pháp trả nợ thì rất bí bách vì nhìn vào nguồn thu của xã không biết bấu víu vào đâu”, ông Ngọ trần tình.

Thanh tra vào cuộc, Chủ tịch xã bị cách chức

Để tìm hiểu về những món nợ khó hiểu của UBND xã Đồng Thái, PV tìm đến trụ sở UBND huyện Ba Vì làm việc với Thanh tra huyện về vấn đề này. Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Nguyệt Hoa, Chánh Thanh tra huyện Ba vì cho biết từ tháng 6/2015, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Thanh tra đã vào cuộc và có kết luận.

Cụ thể, kết quả thanh tra cho thấy, UBND xã sử dụng ngân sách năm 2014 chi cho năm 2013 là 411 triệu đồng, trong đó lương và bảo hiểm 169 triệu đồng, chi thường xuyên 242 triệu đồng; sử dụng ngân sách năm 2015 chi trả nợ năm 2014, gồm 384 triệu đồng lương và bảo hiểm và 136 triệu đồng chi thường xuyên. Hết năm 2014, UBND xã còn nợ 3.587.766.300 đồng, chủ yếu là nợ chi thường xuyên và các khoản thủ tục giấy tờ không đầy đủ từ năm 2014 và 2013 trở về trước.

Trao đổi nhanh với Báo Giao thông, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, vụ việc tại xã Đồng Thái là trường hợp duy nhất xảy ra trên địa bàn huyện. Ngay khi có thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Thanh tra xác minh, làm rõ.

Sau khi có kết luận thanh tra, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì đã nghiêm khắc xử lý kiểm điểm Chủ tịch xã Đồng Thái. Đồng thời, UBND huyện đã giao cho các ban, ngành lên phương án khắc phục hậu quả để ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Khi được hỏi về những khoản chi thường xuyên của UBND, bà Hoa khẳng định đó là những khoản nợ của Chủ tịch cũ; trong đó có cả những khoản chi hội nghị, ăn uống, lễ hội, du lịch… “Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi đã báo cáo lên Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện để xử lý. Kết quả, ông Phùng Trần Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Thái đã bị kỷ luật cảnh cáo, giáng chức xuống làm Trưởng Công an xã”, bà Hoa cho hay.

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin liên quan, PV đã cố gắng liên lạc với ông Phùng Trần Anh nhưng đều không được.

Nói về giải pháp trả nợ, Chủ tịch xã đương nhiệm Phùng Trần Ngọ cho hay, ngoài trông chờ vào cân đối ngân sáchhàng năm thì tiết kiệm chi tiêu là biện pháp trước mắt. “Còn các khoản thu khác trên địa bàn thì khó khăn lắm. Xã không có doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ thương mại kém, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp.

Năm 2012, cấp trên có chủ trương quy hoạch 2ha đất tại địa phương và giao cho một đơn vị khác thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng rồi chia lô bán nền. Qua mấy đợt bán đấu giá, đến nay cũng chỉ mới bán được 20 lô. Số tiền thu được may ra mới đủ kinh phí nhà đầu tư bỏ ra. Do đó, nếu họ có bán đấu giá hết thì xã mới được cấp trên điều tiết cho một ít. Xem ra đây cũng là viễn cảnh ngóng trông mà thôi…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Tuấn (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN