Tiệc cưới 50 mâm: Cán bộ thực hiện trước

Hà Nội sẽ sớm ban hành chỉ thị yêu cầu cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt tổ chức cưới văn minh với tiêu chí không quá 300 khách. Người dân sẽ giám sát việc thực hiện quy định này đặc biệt với lãnh đạo, cán bộ thành phố.

Trao đổi với PV chiều 2/10, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội, cho biết, trong tuần này Hà Nội sẽ chính thức ban hành Chỉ thị thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, yêu cầu cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt phải gương mẫu tổ chức cưới văn minh với tiêu chí không quá 300 khách. Và người dân sẽ giám sát việc thực hiện quy định này đối với lãnh đạo, cán bộ thành phố.

Theo ông Long, năm 1998, Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhưng do không quy định cụ thể nên kết quả còn hạn chế.

Cụ thể, thời gian qua việc tổ chức cưới xin của một bộ phận nhân dân, trong số có không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp thành phố vẫn không gương mẫu.

Tiệc cưới 50 mâm: Cán bộ thực hiện trước - 1

Ông Phan Đăng Long: “Hà Nội từng xử lý kỷ luật cán bộ tổ chức đám cưới gây phản cảm”

Tổ chức cưới linh đình, mang tính thương mại hoá, có biểu hiện lợi dụng việc cưới để vụ lợi. Một số cán bộ tổ chức đám cưới phô trương, xa hoa, lãng phí gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng. Do vậy, Hà Nội phải siết lại hoạt động cưới xin và đây là quy định của Đảng, buộc đảng viên phải thực hiện.

Quan hệ rộng cũng phải chấp nhận

Nhưng làm thế nào để kiểm soát, xử lý những trường hợp vi phạm quy định của chỉ thị này, thưa ông?

Chỉ thị này là của Thành ủy thì tất cả đảng viên của thành phố buộc phải thực hiện. Đối với công chức đã có pháp lệnh công chức, còn nhân dân thì tìm cách tuyên truyền vận động. Hơn nữa, chỉ thị lần này đã cố gắng đưa định lượng cụ thể như hạn chế khách mời.

Cụ thể, một đám chỉ mời tối đa 300 khách, nếu nhà trai, nhà gái cùng tổ chức chỉ được mời 600 người. Ngay cả những người quan hệ rộng cũng phải chấp nhận.

Theo kế hoạch, trong tuần này, chỉ thị sẽ được ban hành để thực hiện. Sau khi triển khai, tất cả các cấp ủy phải quán triệt đảng viên phải thực hiện trước. Quận, huyện giao cho các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… vận động thành viên trong đoàn thể của mình thực hiện.

Ban Tuyên giáo phối hợp với các sở ngành khác xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu nhân dân, đoàn thể nào phát hiện, đảng viên, cán bộ lãnh đạo làm sai thì sẽ có báo cáo đến nơi cán bộ đó công tác để xem xét hình thức xử lý tùy theo mức độ. Thực tế, trước đây, Hà Nội từng xử lý kỷ luật đối với cán bộ tổ chức đám cưới gây phản cảm cho xã hội.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quy định không tổ chức cưới quá 50 mâm sẽ bị lách bằng việc đám cưới sẽ được tổ chức nhiều ngày, ở nhiều nơi?

Trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo chỉ thị này, chúng tôi cũng đã tính đến những trường hợp như thế.

Chỉ thị lần này quy định rõ cán bộ, đảng viên không được tổ chức đám cưới ở nơi sang trọng, xa hoa, đắt tiền, không phù hợp với điều kiện chung của nhân dân như khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Phòng những trường hợp lách luật tổ chức đám cưới nhiều lần, chỉ thị quy định chỉ được tổ chức đám cưới một lần.

Tiệc cưới 50 mâm: Cán bộ thực hiện trước - 2

Cỗ cưới (Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh)

Lãnh đạo chủ chốt làm trước

Vậy sắp tới, Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo chủ chốt thành phố có thực hiện trước những quy định của chỉ thị này không?

Tinh thần đặt ra là cán bộ phải thực hiện trước. Tức là lãnh đạo thành phố, quận - huyện - người có vị trí, ảnh hưởng lớn đối với xã hội phải gương mẫu làm trước rồi đến cấp xã - phường.

Trong quá trình thực hiện chưa hẳn sẽ tuyệt đối nghiêm chỉnh nên vẫn phải kiểm tra giám sát, trong đó giám sát sâu sát nhất chính là quần chúng nhân dân ở địa bàn.

Ngoài cưới hỏi, lâu nay dư luận cũng bức xúc trước việc tổ chức tang lễ của người nhà một số lãnh đạo các sở ngành, quận huyện. Việc này Thành ủy có chỉ đạo gì không?

Việc tang không thực bức xúc như việc cưới. Việc tang là việc buồn, người ta sẽ ít xa hoa hơn việc cưới. Hơn nữa, việc tang ở Hà Nội đã có rất nhiều tiến bộ có những mô hình tốt.

Như huyện Đông Anh khuyến khích việc hỏa táng. Việc phúng viếng đây đó còn có thể còn rườm rà, nhưng nhìn chung việc tang có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Do vậy, Hà Nội chọn việc cưới bức xúc hơn, khó hơn, nếu thành công thì sẽ điều chỉnh những việc khác làm theo.

Trước đây, Hà Nội cũng có quy định về việc cưới xin như tổ chức tiệc ngọt, nhưng thực hiện “đầu voi đuôi chuột”. Ông có lo ngại chỉ thị mới lần này sẽ rơi vào tình trạng đó?

Thực ra khi chưa ban hành, chưa thực hiện một chỉ thị thì khó có thể nói trước điều gì. Nhưng chúng tôi cảm nhận được quyết tâm của lãnh đạo Thành ủy, thành phố trong việc thực hiện chỉ thị này.

Lớp lãnh đạo nòng cốt của TP hưởng ứng sẽ là tấm gương rất lớn. Đương nhiên quá trình triển khai có thể không thể suôn sẻ được ngay vì những phong tục tập quán, hay quan niệm của nhiều người còn khác nhau.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, dự thảo chỉ thị của Thành ủy trong việc cưới lần này đưa ra là hợp lý nhằm hạn chế việc cán bộ, lãnh đạo các cấp của Hà Nội tổ chức lễ cưới cho người trong gia đình ở những nơi quá sang trọng, gây tốn kém, lãng phí, không phù hợp với thu nhập chung của cán bộ, công chức.

Theo ông Nghị, việc thực hiện các nội dung trên không cần phải lập ban giám sát, vì khi đã có chỉ thị của Thành ủy thì các cấp, từng cán bộ và người dân sẽ cùng giám sát lẫn nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tú (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN