Thuế TNCN: Bất hợp lý của biểu thuế lũy tiến

Theo lịch trình dự kiến, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá lạc hậu dẫn đến bức xúc cho người nộp thuế.

Thực tế thời gian qua không chỉ người dân “kêu” thuế cao mà ngay cả Bộ Tài chính cũng thừa nhận điều này. Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho thấy so với một số quốc gia lân cận, trong đó có Trung Quốc - nơi mỗi tháng người nộp thuế được giảm trừ khoảng 13 triệu - thì mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc theo đề xuất sửa đổi lần này chưa phải là cao.

Không quá lo sụt giảm nguồn thu

Nếu đề xuất trên của Chính phủ được Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính ước tính so với thời điểm cuối năm 2011, sẽ có khoảng 70% số người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công và kinh doanh sẽ không phải nộp thuế nữa, tức là có khoảng 2,6 triệu người trong 3,8 triệu người đang nộp thuế TNCN hiện nay tới đây sẽ không phải nộp thuế. Số thuế giảm so với chính sách hiện hành của năm 2013 khoảng 5.200 tỉ đồng và năm 2014 giảm khoảng 13.350 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc nâng mức giảm trừ theo đề xuất sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu vì theo thống kê của Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách từ thuế TNCN không ngừng tăng. Năm 2009 mới thu được trên 14.000 tỉ thì năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi, tới 26.200 tỉ và năm 2011 ước khoảng 38.500 tỉ đồng. Đóng góp lớn nhất là thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Hơn nữa, thực chất người nộp thuế ở bậc 1 chiếm gần 75% số người nộp thuế nhưng góp trong tổng nguồn thu cao nhất cũng chỉ khoảng 10%. Số người nộp thuế từ bậc 2 trở lên ba năm qua cũng ở khoảng 26%, nhưng ba năm qua đã nộp từ 90-93% tổng thu.

Thuế TNCN: Bất hợp lý của biểu thuế lũy tiến - 1

Nhiều người làm công ăn lương đang hi vọng Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi theo hướng hợp lý hơn

Ngoài bất cập do duy trì biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý còn “siết” quá đáng các khoản giảm trừ chính đáng của người lao động như xăng xe, đồng phục và “làm lơ” với các khoản chi hợp lý khác như y tế, giáo dục. Trong khi đó tại nhiều quốc gia, khi xây dựng mức giảm trừ rất chú trọng đến điểm này.

Tại Anh, Malaysia người cao tuổi, người tàn tật được giảm trừ ở mức cao hơn so với người bình thường, người có gia đình cũng được giảm trừ cao hơn so với người độc thân. Ở Trung Quốc, mức giảm trừ còn có sự phân biệt, theo đó người trong nước có mức giảm trừ thấp hơn người nước ngoài. Một số quốc gia không quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế, song trong biểu thuế quy định mức thuế suất 0% cho thu nhập chịu thuế dưới một ngưỡng nhất định. Thái Lan, Malaysia vừa quy định mức thuế suất 0% vừa quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế và coi đây là biện pháp để hỗ trợ người có thu nhập thấp. Ngoài ra còn có các khoản giảm trừ đặc thù như khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí giáo dục của con hoặc khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp...

Trao đổi với PV, ông Cao Sỹ Kiêm - chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN - cũng đồng tình quan điểm cho rằng nên tính toán giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay để thúc đẩy chi tiêu, sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế dù ngân sách nhà nước có thiệt một ít. Ông Kiêm tính toán nếu cộng chung các sắc thuế lại thì mức huy động vào ngân sách trên GDP hiện nay ở mức 26,3% là quá cao bởi nhiều nước chỉ ở mức 16-17% GDP, mà 1% GDP đã là trên 1 tỉ USD rồi. “Đã có nhiều đề nghị nên giảm xuống để doanh nghiệp có thể tích lũy, đầu tư nhưng vẫn chưa được thực hiện” - ông Kiêm nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cải cách thuế TNCN lần này cần đặt trong bối cảnh hiện nay của nước ta, trong đó lưu ý đến nhu cầu dân sinh. Từ nửa cuối năm 2007 đến nay, nền kinh tế nước ta liên tục phải đối phó với tình trạng lạm phát cao và những bất ổn vĩ mô. Giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước liên tục tăng cao, ngay cả khi lạm phát đỡ căng thẳng thì giá cả cũng đã lên một mặt bằng cao mới, khiến thu nhập thực tế của người dân bị giảm mạnh.

Thực tế đó đòi hỏi phải xem xét lại cách tính ngưỡng nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh để vừa giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, nhất là đối với những người nộp thuế ở các bậc thấp, vừa đảm bảo khả năng điều chỉnh thuế linh hoạt hơn theo diễn biến thực tế của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Trong khi đó Luật thuế TNCN sửa đổi vẫn theo những con số tuyệt đối cứng nhắc sẽ không thể đáp ứng đòi hỏi này.

Nên kéo giãn biểu thuế lũy tiến từng phần


Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần kéo giãn các bậc thuế do biểu thuế lũy tiến từng phần để giảm mức điều tiết thuế. Đây là điều mà dự thảo sửa đổi Luật thuế TNCN lần trước đã đề cập. Ông Lê Khánh Lâm, phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán DTL, cho biết làm dịch vụ khai thuế cho các chuyên gia nước ngoài, ông Lâm nhận thấy hiện nay số người nộp thuế TNCN vài trăm triệu đến vài tỉ đồng một năm không hiếm. Họ là những người có vị trí cao của các tập đoàn hoặc công tác trong khu vực đầu tư nước ngoài, nộp thuế phổ biến trong khung từ 25-35%.

Theo ông Lâm, nếu chỉ tăng mức khởi điểm chịu thuế mà không kéo giãn các bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần thì chỉ tác động đến những người có thu nhập thấp và đây không phải là lực lượng đóng góp nhiều cho số thu từ thuế TNCN. Ông Lâm cũng cho rằng xu thế chung là lương sẽ được cải cách tăng dần. Do vậy nếu Bộ Tài chính giữ biểu thuế lũy tiến theo hướng dày đặc như cũ, những người có tay nghề cao, lao động giỏi nước ngoài sẽ cân nhắc khi đến làm việc tại VN. Do vậy ông Lâm đề xuất giãn khoảng cách giữa các bậc thuế hoặc giảm số bậc thuế xuống ít hơn bảy bậc như quy định hiện hành.

Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, thu nhập thực tế của người dân thời gian qua suy giảm do tác động của lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao. Do vậy chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà không tính đến việc kéo giãn biểu thuế lũy tiến từng phần cũng như xem xét tăng thêm các khoản giảm trừ là không hợp lý. “Người lao động ngoài chuyện đóng thuế còn phải lo cho gia đình, bản thân và các khoản chi khác nhằm tái tạo sức lao động. Do vậy cơ quan thuế không nên tận thu” - ông Doanh nói.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng ở bản dự thảo sửa đổi Luật thuế TNCN lần trước, chính cơ quan thuế đã nhận thấy bất hợp lý ở thuế lũy tiến từng phần và đề nghị sửa nhưng đến bản dự thảo lần này Bộ Tài chính lại “quên”. Ông đề xuất nên cải tiến bậc thuế lũy tiến từng phần “thoáng” hơn, như hạ mức thuế suất, bỏ các bậc lẻ, chỉ giữ lại các bậc thuế 10%, 20%, 30% và tăng độ giãn giữa các bậc thuế suất. Ngoài ra, theo ông, cơ quan quản lý cũng nên tính đến các khoản chi hợp lý khác như giáo dục, y tế... Nếu chỉ khoán một mức “cứng” như hiện nay khiến người nộp thuế cảm thấy không thỏa đáng.

Chính Bộ Tài chính cũng công nhận biểu thuế lũy tiến từng phần của Luật thuế TNCN hiện tại là chưa phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước cũng như chiến lược cải cách thuế và cải cách thủ tục hành chính. Biểu thuế lũy tiến với bảy bậc, khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau nên không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi lao động. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đề xuất giảm biểu thuế lũy tiến từ mức cao nhất là 35% xuống 30% để tăng tính cạnh tranh và thu hút những chuyên gia nước ngoài có trình độ, kỹ thuật cao vào làm việc tại VN.

Mức giảm trừ gia cảnh phải hợp lý và “khoan sức dân”

Tại cuộc họp mới đây về dự án sửa đổi Luật thuế TNCN, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách (TC-NS) của Quốc hội cho rằng mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh mà Chính phủ đề xuất là cao và không phù hợp với bản chất thuế TNCN. Theo đó, cơ quan này đề xuất mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế TNCN là 7 triệu đồng/tháng thay vì 9 triệu như đề xuất của Chính phủ và người phụ thuộc là 2,8 triệu đồng/tháng thay vì 3,6 triệu đồng. Giải thích việc đề xuất giảm này, ông Lê Đình Khanh - ủy viên Ủy ban TC-NS - cho rằng đây là thuế TNCN, tức là anh có thu nhập tới ngưỡng nào đó thì nộp thuế, chứ đây không phải là thuế thu nhập cao.

Một số ý kiến trong Ủy ban TC-NS cũng cho rằng nếu mức Chính phủ đề xuất được áp dụng thì con số người nộp thuế TNCN tới đây sẽ giảm còn hơn 1,2 triệu người so với gần 4 triệu người hiện nay, không những làm sai lệch bản chất thuế TNCN mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. “Nguồn ngân sách nhà nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào khai thác dầu khí, đầu tư nước ngoài, đất đai. Đây là những nguồn thu không bền vững trong tương lai. Vì vậy, thuế TNCN cũng phải cân đối và tính toán cho tính bền vững của nguồn thu ngân sách. Ở nhiều nước trên thế giới, thuế TNCN là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia” - một ủy viên Ủy ban TC-NS nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bày tỏ “bất ngờ và ngạc nhiên” với đề xuất của Ủy ban TC-NS, khi cho rằng quan điểm này chưa tính đến những khó khăn của người làm công ăn lương mà chỉ nhắm đến việc tận thu. Bà Phạm Chi Lan, người đã tham gia tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật thuế TNCN do Ủy ban TC-NS tổ chức tại Đà Lạt giữa tháng 8-2012, cho biết hầu hết chuyên gia đều ủng hộ đề xuất của Chính phủ, khi cho rằng động thái này sẽ giúp người dân dễ thở hơn. “Tôi không hiểu nổi vì sao Ủy ban TC-NS lại đề xuất giảm mức giảm trừ cho người nộp thuế xuống mức 7 triệu/tháng” - bà Chi Lan nói.

Về đề xuất giới hạn số người phụ thuộc là hai người, bà Chi Lan cho rằng cực kỳ vô lý. Quy định chỉ được giảm trừ cho hai người vậy nếu trong trường hợp có ba con thì thế nào, chưa kể còn phải phụng dưỡng cha mẹ già. “Không phải ai cũng làm công chức, về già có thể sống dựa vào lương hưu. Nhiều người sống ở nông thôn về già phải dựa vào con cái. Luật thuế TNCN quy định điều kiện để được tính là người phụ thuộc vậy thì cứ dựa vào đó để tính giảm trừ cho người nộp thuế. Không nên đặt thêm quy định làm thiệt hại quyền lợi của người nộp thuế” - bà Lan nói.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, ủng hộ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 9 triệu vì đã tính đến yếu tố trượt giá thời gian qua. Theo TS Lê Đăng Doanh, hiện số người nộp thuế TNCN ở bậc 1 tuy đông đảo nhưng tỉ trọng đóng góp rất thấp. Do vậy cần có chính sách khoan sức dân cho các đối tượng này. “Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng của Bộ Tài chính làm lóe lên tia hi vọng cho người dân trong tình hình đời sống người dân khó khăn như hiện nay thì kiến nghị giảm mức giảm trừ gia cảnh xuống 7 triệu đồng của Ủy ban TC-NS lại dập tắt tia hi vọng nhỏ nhoi này” - ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét các đề xuất trên tinh thần cẩn trọng và cầu thị vì kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy nếu mức thuế hợp lý, thể hiện tinh thần khoan sức dân thì người dân sẽ nghiêm túc chấp hành. Ngược lại, họ sẽ tìm mọi cách để lách thuế. Một chuyên gia thuế TNCN tại TP.HCM cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng theo đề xuất của Bộ Tài chính dựa trên cơ sở trượt giá, tốc độ tăng tiền lương và GDP bình quân đầu người. Đề ra mức giảm trừ 7 triệu cho người nộp thuế và 2,8 triệu cho người phụ thuộc, Ủy ban TC-NS cần đưa ra cơ sở khoa học cụ thể. Mặt khác cũng không nên suy luận theo kiểu mỗi gia đình có hai con, hai vợ chồng bình quân mỗi người giảm trừ một người con, tương tự như vậy với ông bà nội ngoại. “Như vậy không đúng thực tế và truyền thống đạo lý của người VN” - vị chuyên gia này nói.

Lê Kiên - Ánh Hồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A.H.- C.V.Kình - L.Thanh (Tuổi Trẻ)
Miễn thuế TNCN dưới 9 triệu đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN