Thủ tướng: Cần đặt mình vào địa vị người chưa có nhà để lo nhà ở xã hội cho dân

Sự kiện: Thời sự

Tại hội nghị về nhà ở xã hội, Thủ tướng đã đề nghị các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chủ thể liên quan cần đặt mình vào vị trí của người chưa có chỗ ở để phát huy hết năng lực, trách nhiệm để phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân…

Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chăm lo nhà ở là chính sách trụ cột

Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản (BĐS).

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, ngày 3-4-2023, Thủ tướng đã phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ, cùng với đó là ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, mở rộng điều kiện, đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, qua 1 năm thực hiện, đến nay việc phát triển nhà ở xã hội đã bước đầu có kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của người dân và mục tiêu đề ra. Theo đó Thủ tướng đề nghị hội nghị chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và hiến kế để Chính phủ làm tốt việc chăm lo nhà ở cho người dân.

"Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì” - Thủ tướng nói và đề nghị cơ quản quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần phát huy hết khả năng để thực hiện trách nhiệm này.

Trong đó, mỗi chủ thể cần đặt mình vào địa vị của người chưa có nhà ở để hành động. Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp đã làm thì phải có lãi, nhưng vấn đề là lãi ở mức nào vì nếu lãi nhiều thì người dân không mua được, lãi ít thì doanh nghiệp không vui? Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương vận dụng các nguồn lực, kinh nghiệm… để tập trung hoàn thành chỉ tiêu về NƠXH đã được giao.

Tiến độ phát triển nhà ở xã hội còn chậm

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay đến nay, nhiều cơ chế chính sách phát triển đã được thông qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Về kết quả cụ thể, hiện cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.252 ha so với 2020 là 3.359ha.

Trong đó, một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063ha, TP.HCM 608 ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.

Từ năm 2021-2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó có 72 dự án với quy mô 38.128 căn đã hoàn thành; 129 dự án với quy mô 114.934 căn khởi công xây dựng và 298 dự án với quy mô 258.188 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Đặc biệt, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 05 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 07 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 07 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 08 dự án, 9.074 căn; Bình dương 07 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 09 dự án, 4.948 căn...

Tuy nhiên, theo ông Sinh, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Cụ thể như: Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.HCM 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;....

Nhiều địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Trong khi đó việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cũng khá chậm, hiện mới có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ. Hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của đề án.

Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Nhiều TP lớn có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhưng đăng ký hình thành nhà ở xã hội trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...

Nguồn: [Link nguồn]

Khi bàn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH đề xuất hỗ trợ nhà ở cho nhân tài muốn cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Phú ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN