Thông tin mới về ngôi mộ cổ bí ẩn của danh tướng Phong trào Cần Vương

Sự kiện: Thời sự Quảng Bình

Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình sẽ phối hợp với ban ngành liên quan tiến hành khảo sát thực địa và có những đánh giá để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích ngôi mộ cổ được cho là của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - thủ lĩnh Phong trào Cần Vương.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Quảng Bình - xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 28-6.

Ngôi mộ cổ được cho là của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - thủ lĩnh Phong trào Cần Vương

Ngôi mộ cổ được cho là của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - thủ lĩnh Phong trào Cần Vương

Bà Thủy cho biết trước mắt, Sở VH-TT Quảng Bình sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đi khảo sát dấu hiệu di tích phần mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân ở khu mộ gia tộc họ Nguyễn tại thôn Di Luân, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch.

Đoàn do ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT Quảng Bình, làm trưởng đoàn cùng với cán bộ nghiệp vụ Phòng Văn hóa và Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và các chuyên gia lịch sử khảo sát, thẩm tra, xác minh và có những đánh giá khoa học ban đầu về tính pháp lý, lịch sử ngôi mộ này.

"Từ đó, Sở VH-TT Quảng Bình sẽ có căn cứ để tiến hành các bước tiếp theo, như lập hồ sơ  đề nghị xếp hạng di tích và các hạng mục để phù hợp với công trạng của cụ Nguyễn Phạm Tuân trong lịch sử Phong trào Cần Vương" - bà Thủy thông tin.

Tấm bia đã mờ, ghi tên họ Nguyễn Phạm Tuân và dòng chữ "Theo vua Hàm Nghi"

Tấm bia đã mờ, ghi tên họ Nguyễn Phạm Tuân và dòng chữ "Theo vua Hàm Nghi"

Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, ông đã chỉ đạo UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện trực tiếp ra mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân nắm bắt thông tin, tư liệu..., làm căn cứ khoa học phát huy lịch sử địa phương và truyền thống yêu nước của các bậc tiền nhân.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngôi mộ cổ được cho là của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - thủ lĩnh Phong trào Cần Vương - được các thành viên Chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Ba Đồn - Quảng Trạch phát hiện và công bố tìm thấy tại nghĩa trang gia tộc Nguyễn Phạm ở thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch.

Mộ phần nằm hiu quạnh trong nghĩa trang gia tộc họ Nguyễn Phạm

Mộ phần nằm hiu quạnh trong nghĩa trang gia tộc họ Nguyễn Phạm

Mộ phần danh tượng nằm hiu quạnh trong nghĩa trang. Tấm bia đá nhỏ trên phần mộ đã phai hết chữ, rất khó đọc, chỉ có vài dòng vắn tắt về tên họ Nguyễn Phạm Tuân và dòng chữ "Theo vua Hàm Nghi".

Trước đó, mộ phần những lãnh binh từng theo cụ Nguyễn Phạm Tuân như: Mai Lượng, Lê Mô Khởi, Lê Trực đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là ai?

Theo các tư liệu, Nguyễn Phạm Tuân (1842-1887) sinh ra ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là TP Đồng Hới) trong một gia đình nho học, nhiều đời cha con cùng thi đỗ đồng khoa, nhiều đời là công thần nhà Lê.

Ông đỗ cử nhân năm 1873; làm tri phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1883, khi được tin triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp, Nguyễn Phạm Tuân đã treo ấn từ quan.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông đã cùng với các tầng lớp sĩ phu yêu nước đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, tập hợp binh lính tìm gặp vua Hàm Nghi xin đi theo đánh Pháp; được nhà vua phong chức Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình.

Năm 1886, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, đã trao toàn quyền quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Ông lập căn cứ ở vùng Tuyên Hóa, nghĩa quân của ông chiến đấu rất dũng cảm và đã lập được nhiều chiến công, có lần đã đột nhập thành Đồng Hới giết Bố chánh Nguyễn Đình Dương.

Đầu năm 1887, quân Pháp do tên đại úy Mouteaux cầm đầu tổ chức hai đội biệt kích đánh vào căn cứ Yên Lương. Ông chống cự lại rất quyết liệt nhưng bị trúng đạn ở ngực, rồi bị giặc bắt giải về đồn Minh Cầm. Giặc tìm mọi cách mua chuộc để tìm chỗ ở của vua Hàm Nghi, nhưng trước sau ông không chịu khai và bị nhục hình. Sau đó, ông dũng cảm tự vẫn, khiến tướng Pháp giận giữ sai lính chặt đầu, quẳng xác xuống sông Gianh, cấm người dân an táng.

Tuy nhiên, lãnh binh Cần Vương đã vớt tìm thi thể danh tướng (không ra đầu), lén đưa di chôn cất trên núi Yên Phong.

Không chỉ giỏi cầm binh đánh giặc, Nguyễn Phạm Tuân còn được biết đến là nhà thơ yêu nước và để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm như: "Đề miếu Nguyễn Biểu"; "Câu đối làm khi bị bắt"; "Bị đãi thời tác"; "Đề nghĩa Vương miếu"....

Danh tướng Nguyễn Phạm Tuân được đặt tên cho đường phố tại nhiều nơi, như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Đồng Hới (Quảng Bình)...

Lăng mộ đắp tượng rái cá của danh tướng thuỷ quân nhà Nguyễn ở Sài Gòn

Ngoài những bức tượng truyền thống, khu mộ Quận công Võ Di Nguy ở quận Phú Nhuận, TP.HCM còn được đắp 2 con rái cá....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀNG PHÚC ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN