Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Ukraine trên bờ sụp đổ

Thỏa thuận ngừng bắn vừa hiệu lực ngày 15.2 ở Đông Ukraine có nguy cơ sụp đổ khi giao tranh giữa phe ly khai địa phương và quân đội Kiev vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt tại thành phố Debaltseve.

Phe ly khai đã đề nghị sẽ mở cho quân đội Kiev một con đường sống để rút lui an toàn khỏi Debaltseve nếu họ buông vũ khí đầu hàng.

Tuy nhiên, Ukraine nhanh chóng bác bỏ đề nghị này và tuyên bố, thành phố Debaltseve nằm trong phạm vi lãnh thổ họ kiểm soát theo thỏa thuận ngừng bắn mà tuần trước Tổng thống Petro Poroshenko đã đàm phán với các nhà lãnh đạo của Pháp, Nga, Đức.

"Theo các thỏa thuận tại Minsk, Debaltsevo thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bỏ thị trấn này”, người phát ngôn quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov khẳng định.

Lực lượng ly khai đã bao vây thành phố chiến lược Debaltseve, nơi có tuyến đường sắt trọng yếu nối liền các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Hàng nghìn binh lính Ukraine đang cố thủ bên trong thành phố. Có tin cho biết, nhiều đơn vị quân đội đã cạn kiệt lương thực lẫn đạn dược.

Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Ukraine trên bờ sụp đổ - 1
Các chiến binh ly khai Đông Ukraine bịt tai, tránh áp lực của một vụ nổ trong cuộc giao tranh với quân đội Ukraine bên ngoài làng Sanzharivka, phía đông bắc của thành phố Debaltseve

Trong khi đó, một viên chức thành phố tên là Natalia Karabuta cho hay, khoảng 5000 dân thường vẫn mắc kẹt bên trong, với ít thực phẩm và nước uống còn lại. 

Ngoài ra, hiện cả phe ly khai lẫn quân đội Kiev đều không khẳng định, họ sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến vào ngày hôm nay theo thỏa thuận ngừng bắn mới có hiệu lực từ ngày 15.2.

Phát ngôn viên quân đội Ukraine, ông Andriy Lysenko nói với các phóng viên ở thủ đô Kiev rằng lực lượng của họ đã bị quân ly khai tấn công 112 lần kể từ khi chính thức bắt đầu ngừng bắn sau nửa đêm ngày 14.2.

"Vào thời điểm này, chúng tôi chưa sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng", ông Lysenko tuyên bố.

Đại diện của nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng cũng khẳng định không rút vũ khí nếu quân đội Ukraine không ngừng nã pháo.

"Việc di chuyển các khí tài quân sự chỉ có thể diễn ra theo những điều kiện nhất định và một trong những số đó là ngừng bắn hoàn toàn. Nhưng các bạn có thể thấy điều gì đang diễn ra tại sân bay. Lực lượng vũ trang Ukraine lại đang nã pháo vào sân bay và các vùng phụ cận. Việc rút vũ khí hạng nạng chỉ diễn ra sau khi ngừng bắn. Và nếu các lực lượng vũ trang Ukraine không ngừng nã pháo, vốn vi phạm thỏa thuận Minks, dân quân Donetsk sẽ không rút vũ khí”, ông Eduard Basurin, người phát ngôn bộ quốc phòng của nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng tuyên bố.

Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Ukraine trên bờ sụp đổ - 2
Lực lượng ly khai tuyên bố chỉ rút vũ khí hạng nặng khi quân đội Kiev ngừng nã pháo. Trong ảnh là một chiến binh ly khai Đông Ukraine.

Trong khi đó, Chính quyền Lugansk  khẳng định thị trấn Zorinsk đã bị quân đội Kiev pháo kích trong sáng sớm 16.2, làm ít nhất một người thiệt mạng.

“Một đợt tấn công của hệ thống tên lửa liên hoàn đã dội xuống thành phố Zorinsk lúc 4h30.  Ít nhất một người chết và một người bị thương”, ông Sergey Ivanushkin, lãnh đạo Bộ các tình trạng khẩn cấp của nước cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng cho biết

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Ukraine Poroshenko đều đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về chiến sự ác liệt tiếp diễn ở thành phố Debaltseve. 

Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu vừa bổ sung hơn 19 cá nhân, bao  gồm hai thứ trưởng quốc phòng Nga là Anatoly Antonov và Arkady Bakhin và chín tổ chức khác vào danh sách trừng phạt mới nhất liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Lệnh trừng phạt bao gồm cấm du hành và phong tỏa tài sản vì vai trò của họ trong cuộc xung đột Ukraine.

Đáp trả, Nga tuyên bố sẽ đưa ra "phản ứng thích đáng" đối với những biện pháp trừng phạt. Moscow lên án những biện pháp này là "bất tương xứng và vô lý" bởi vì chúng được ban hành chỉ trong vài ngày sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov cảnh báo, những lệnh trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu sẽ không giúp gì trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột tại Đông Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng (theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN