“Thợ săn tình yêu”: Nghề "hot" ở Trung Quốc

“Thợ săn tình yêu” là những “bà mai ông mối” đi “săn” những cô gái trẻ và nhất là phải còn trinh trắng để đáp ứng nhu cầu tìm vợ của các đại gia.

Nghề này đang “hot” ở Trung Quốc khi số người cô đơn ngày càng tăng, nhất là phụ nữ, do áp lực của công việc và cuộc sống khiến họ không có thời gian cho việc yêu đương, hẹn hò.

Nghề “thợ săn” độc đáo

Tại siêu thị Thành phố hạnh phúc ở Bắc Kinh, Yang Jing liên tục đảo mắt tìm những cô gái trẻ đang lùng mua “hàng hiệu”. Yang, 28 tuổi là một “thợ săn” của Công ty Tình yêu và hôn nhân kim cương (DLM), một trong các công ty “săn tình yêu” lớn của Trung Quốc và nhiệm vụ của cô là tìm bạn đời lý tưởng cho một số anh, chị nhà giàu độc thân. Yang nói Thành phố hạnh phúc là “bãi săn” tốt nơi cô luôn gặp may mắn. Yang cho biết: “Các anh nhà giàu rất kén chọn”. Dù vất vả hơn những đối tượng khác nhưng họ khá hào hứng vì phần thưởng khá béo bở, có khi lên tới hơn 30.000USD.

“Thợ săn tình yêu”: Nghề "hot" ở Trung Quốc - 1

Nam-nữ thanh niên TQ tham dự một sự kiện hẹn hò

Yang từng làm “thợ săn” bán thời gian khi là sinh viên đại học cách đây 8 năm. Sau thời gian ngắn làm nữ y tá, cô dành hết thời gian cho DLM và nay lên hàng cố vấn (làm việc trực tiếp với khách hàng khó tính) nhưng cô vẫn được giao việc trong các vụ lớn. Trong 3 năm qua, các khách “sộp” của DLM luôn chọn người mà Yang tự tìm được. Phần thưởng lớn nhất cô từng nhận được là 27.000USD và nổi tiếng là “thợ săn” thành công nhất TQ.

Cô cho biết, có lần cô trải qua một giờ căng thẳng với một nữ doanh nhân giàu có sắp qua tuổi 40. Bà sẵn sàng chi 100.000USD để tìm một người chồng theo các tiêu chí của bà. Yang phải khéo léo từ chối, vì “Chẳng ông nhà giàu nào chịu lấy bà ấy. Họ chỉ ưng các cô trẻ tuổi hơn, ít quyền lực hơn. Thật tội nghiệp những người phụ nữ bị bỏ rơi ấy”.

Chủ của DLM - là Fei Yang - cho biết bà thành lập công ty từ năm 2005 tại Thượng Hải, hiện có 6 chi nhánh, 200 tư vấn viên, 200 “thợ săn” làm việc toàn thời gian và hàng trăm “thợ săn” khác làm việc bán thời gian. Họ gọi Fei là “Sư tỷ Fei”, người cũng mở các lớp dạy nữ công gia chánh, “đọc” được tư tưởng của chồng và “hiểu tầm quan trọng của quan hệ tình dục”, cho các chị em phụ nữ muốn quản lý một gia đình giàu có.

Nhưng khách hàng chính của DLM là đàn ông, càng giàu càng tốt. 4 triệu khách hàng của công ty hầu hết là nam giới từ trả vài USD/tháng để tự tìm một người vợ, cho đến trả 15.000USD mua độc quyền tiếp cận dữ liệu bạn đời tương lai, với sự hỗ trợ của một tư vấn viên tình yêu chuyên nghiệp. Nhưng 90% các “khách sộp” chẳng quan tâm đến các dữ liệu. Họ chỉ muốn “làm chủ độc quyền nguồn nguyên liệu tươi”, đó là các thiếu nữ trẻ chưa bị ông khách trên mạng “mai mối” nào đó biết đến. Và nhiệm vụ của “thợ săn” là tìm ra các cô gái ấy.

“Thợ săn tình yêu”: Nghề "hot" ở Trung Quốc - 2

Một cặp vợ chồng già rao tìm chồng cho con gái

Bên cạnh việc cung cấp nhiều triển vọng hôn nhân cho khách hàng, DLM còn cung cấp sự an toàn: Các cuộc kiểm tra “lý lịch” ráo riết diễn ra để loại bỏ những kẻ đào mỏ, gian dối và vô đạo đức. Tùy theo tầm cỡ “cuộc săn”, DLM tính phí từ 50.000USD đến hơn 1 triệu USD. Fei nói: “Tôi lấy giá cao vì họ cần tìm người vợ hoàn hảo. Đây là cuộc đầu tư quan trọng nhất đời họ”.

Không nhà, đừng mong có vợ

Không xa nơi công ty DLM làm việc, bà góa Yu Jia 67 tuổi cũng trưng một tấm bảng giúp con trai Zhao Yong: “Tìm vợ". "Nam độc thân sinh năm 1972. Cao 172cm, tốt nghiệp trung học. Có việc làm ở Bắc Kinh”. Bà Yu cũng là “thợ săn”, nhưng đấy là một người mẹ tìm vợ cho con trai tại một trong các “chợ mai mối” nở rộ khắp thủ đô TQ. Tại các “chợ” này, những ông bà bạc tóc ngồi trước các tấm bảng rao những phẩm chất của con cái. Bà đã tìm vợ cho con từ 4 năm qua, nhưng cơ hội không nhiều. Lần nọ, một bà ghé nhìn tấm biển, bà khoe con đẹp trai, tốt tính nhưng người mẹ kia hỏi lại: “Cậu ấy có căn hộ ở Bắc Kinh hả?”. Bà lắc đầu và người mẹ ấy bước đi ngay.

Ba người con của bà đều đã có vợ (nhờ bà mai hoặc nhờ bạn bè giới thiệu), còn cậu út Zhao vẫn “ế”. Anh mất việc làm ở một xí nghiệp điện tử ở Hắc Long Giang, nên đã theo người yêu đến Bắc Kinh. Họ tính cưới nhưng gia đình cô đòi của hồi môn 15.000USD. Gia đình anh không thể đáp ứng và thế là họ tan vỡ. Ngày nọ, bà Yu quyết định: “Sẽ không về nhà đến khi nào tìm vợ được cho con.

“Thợ săn tình yêu”: Nghề "hot" ở Trung Quốc - 3

Lời rao ở “chợ mai mối”

Đó là điều duy nhất tôi chưa làm được trong đời”. Ở “chợ mai mối”, bà tìm được sự an ủi khi gặp những người đồng cảnh ngộ. Bà nhận ra nhiều ông bố bà mẹ còn khổ hơn mình: họ chỉ có một con do chủ trương “mỗi nhà chỉ có một con” của Nhà nước TQ. Bà Yu là nông dân nên được phép có nhiều con. Tại “chợ”, bà khám phá có hai nhóm tận đáy xã hội là “shengnu” (“gái ế chồng”) và “shengnan” (“trai ế vợ”). Các “shengnan” chủ yếu là nam nông dân bị ế vì phụ nữ bỏ quê ra tỉnh kiếm việc làm và cơ hội thăng tiến trong xã hội.

Zhao nổi giận khi biết mẹ tìm vợ cho mình, nhưng sau đó anh chấp nhận: “Tôi đã chứng kiến mẹ nỗ lực thế nào, nên tôi không thể từ chối”. Người mẹ không dám kể con nghe chuyện thiên hạ bỏ đi khi biết con bà là dân tạm cư, chẳng có nhà riêng. Các cô gái trẻ mà bà thuyết phục gặp Zhao thì chẳng muốn gặp lại anh lần thứ hai khi biết anh nghèo. Nay 39 tuổi, Zhao làm hai việc cùng lúc ở Bắc Kinh để có tiền lấy vợ. Anh kiếm được khoảng 1.000USD/tháng.

Đó là một khoản tiền đáng tôn trọng, nhưng chưa đủ để thu hút một cô dâu ở Bắc Kinh. Ngay cả ở nông thôn, bà Yu từng phải “cúng” 3.500USD khi anh cả của Zhao lấy vợ 10 năm trước, nay nhà gái đòi 30.000, thậm chí 50.000USD. Một căn hộ ở thành phố (tương đương của hồi môn) cũng ngoài tầm tay với của các anh “ế vợ”. Với thu nhập của Zhao, anh phải mất từ 10 - 20 năm mới có thể mua được một căn hộ nhỏ giá 100.000USD ở Bắc Kinh. “Lúc đó tôi già khú đế rồi”. Zhao tỏ rõ sự thất vọng.

Câu chuyện của Zhao chỉ là một trong vô vàn chuyện của các chàng trai nghèo khó khăn trong việc lấy vợ, là hệ quả việc mất cân bằng giới tính đáng báo động tại TQ hiện nay (cứ 118 bé trai ra đời mới có 100 bé gái). Các nhà nghiên cứu dự báo: đến cuối thập niên này, TQ sẽ có khoảng 24 triệu nam thanh niên bị “ế” vợ.

Các chuyên gia nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng các công ty dịch vụ mai mối đang ăn nên làm ra và ngày càng phát đạt là do họ đề cao các giá trị của sự giàu có, coi trọng đồng tiền, bỏ qua các giá trị trung thực, nhân ái và đẹp đẽ. Hôn nhân phải được xây dựng trên cơ sở của tình yêu mới thực sự là hôn nhân lý tưởng và bền vững.

Những công ty mai mối, những “thợ săn tình yêu” một phần do nhu cầu có thực của cuộc sống nhưng phần nhiều chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Vô tình họ đang cổ súy cho một phong cách sống mới, lấy vợ lấy chồng vì nhu cầu chứ không phải vì tình yêu. Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, cuộc sống của những cặp vợ chồng chỉ toàn là sự trao đổi, mua bán?

Truyền thống “bà mai ông mối” đã có hơn 2.000 năm ở Trung Hoa, thiên về chuyện dàn xếp sao cho “môn đăng hộ đối”. Nhưng ngày nay, sự mai mối trở thành “cơ hội cho tất cả”, khi hôn nhân luôn được xem là cơ hội để leo lên một bậc thang xã hội hoặc là một trong các tiêu chí thành đạt của một con người. Nhưng các nam thanh niên độc thân “khó có cửa” lấy được vợ nếu họ không có nhà hoặc căn hộ và dù mất cân bằng giới tính, phụ nữ TQ vẫn phải chịu sức ép phải lấy chồng trước 28 tuổi, nếu không thì họ sẽ bị mang tiếng “gái ế”. Các nhà phân tích dự báo các mạng “mai mối” này sẽ nhanh chóng đạt doanh số 300 triệu USD/năm, do các mạng chủ yếu phục vụ giới nhân viên văn phòng. Nhưng cuộc cạnh tranh khốc liệt, bên cạnh sự không tin tưởng về những lời khoe mẽ của các “bạn đời tương lai” trên mạng, đã khiến nhiều người độc thân giàu-nghèo phải nhờ đến các dịch vụ mai mối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diên Hy (Dòng Đời/New York Times)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN