Mùa dịch, tiết canh vẫn đắt hàng

Sự kiện: Cúm A/H5N1

Giữa lúc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực đối phó với dịch cúm gia cầm bùng phát thì ở nhiều nơi, người dân vẫn vô tư chế biến, sử dụng tiết canh.

Sáng 16/2, Hà Nội tê tái trong tiết trời chỉ khoảng 10 độ C. Cậu em ở cùng xóm xởi lởi: “Gần một tuần rồi em không đi ăn tiết canh vì bận quá. Mọi khi cứ phải 3 lần/tuần đấy anh ạ. Nhiều lúc thèm, em còn đi mua tiết ở chợ về tự đánh”.

Vẫn bán đều đều

Chúng tôi phải đi qua 3 quán cháo lòng, tiết canh ở huyện Từ Liêm, TP Hà Nội mới tìm được bát tiết canh bởi chủ quán nào cũng lắc đầu bảo đã hết hàng dù lúc này mới chỉ hơn 8 giờ.

Quán lòng lợn - tiết canh mà chúng tôi ghé nằm ở một hẻm nhỏ gần khu đô thị Mỹ Đình 2. Trong quán có khoảng hơn chục khách đang đánh chén. Già, trẻ, trai, gái đều có. Chúng tôi chưa kịp ngồi, chủ quán đã đon đả: “Còn mấy bát, hai anh em ăn nốt kẻo hết. Hôm nay đông khách quá, hết sớm”.

Chúng tôi hỏi chủ quán: “Dạo này bán được không chú. Nghe nói có dịch cúm gia cầm không biết ăn tiết canh có sao không?”. Chủ quán nhanh nhảu: “Quán chú làm sạch sẽ. Lợn, vịt mua từ gốc thì cứ yên tâm mà chén, lo gì. Chú vẫn bán đều đều mỗi ngày khoảng 50 bát. Dịch bệnh ở chỗ khác chứ có ở Hà Nội đâu mà lo”.

Mùa dịch, tiết canh vẫn đắt hàng - 1

Cảnh vô tư ăn tiết canh không khó gặp tại nhiều địa phương trong mùa dịch cúm gia cầm. Ảnh chụp tại một quán ăn ở TP Hải Phòng sáng 17-2. Ảnh: Trọng Đức

Dạo quanh một vòng TP Hà Nội, những quán lòng lợn - tiết canh hay những quán bán cháo gà, vịt, tiết canh vịt vẫn rất đông khách. Từ những quán ở khu vực nội thành cho đến quận, huyện xa trung tâm đều nườm nượp khách ra vào. Riêng ở làng Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, có ít nhất khoảng gần 10 quán lòng lợn - tiết canh và luôn tấp nập khách.

Tiết canh được hầu hết các quán chế biến sẵn, đựng trong đĩa hoặc bát nhỏ. Khách đến gọi, quán chỉ bưng trong tủ ra. Quán nào cũng khẳng định lợn sạch, vịt sạch, bảo đảm an toàn và “thượng đế” thì vô tư ăn, không cần biết tiết lợn, tiết vịt quán mua ở đâu, chế biến thế nào.

Phố Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng lâu nay vẫn được gọi là phố ẩm thực buổi sáng, nổi tiếng với món tiết canh ngan. Gặp chúng tôi tại phố này vào ngày 17-2, anh Nguyễn Văn Hưng, lái xe container, hồn nhiên: “Tiết canh có rượu là khử trùng rồi, sao phải lo!”.

Các quán “ngan chậm” tại phố Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, vẫn kín khách vào các buổi sáng. Món ăn được lựa chọn nhiều nhất vẫn là tiết canh ngan. Theo một chủ hàng tại đây, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt khách tới ăn, trong đó, vào thời điểm thời tiết ẩm, tiết canh ngan luôn là món “khoái khẩu” được đông thực khách lựa chọn.

Quá bẩn!

Anh Hiển, nhà ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, làm nghề mổ heo đã lâu. Anh bảo chưa bao giờ đụng đến bát tiết canh bởi chẳng ai trước khi thịt lợn mà tắm rửa sạch sẽ cho nó, cùng lắm chỉ dội nước sơ sơ cho sạch phân. Khi chọc tiết, cái chậu bẩn lưu cữu dùng từ ngày này qua ngày khác; khi chọc tiết, máu chảy ra thấm qua lớp lông bẩn ở cổ. Rồi cũng bàn tay mình vừa sờ vào con lợn, lại bốc nắm muối hòa vào chậu tiết để hãm rồi cung cấp cho các quán cháo lòng - tiết canh hay quầy hàng thịt lợn ở chợ. “Nhiều lúc trong chậu tiết còn đầy cả lông lợn đấy” - anh Hiển khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết mặc dù sở đã ráo riết tổ chức chỉ đạo việc tuyên truyền về dịch cúm gia cầm nhưng tình trạng người dân ăn tiết canh vẫn không hề giảm. Vào đầu năm, đầu tháng, nhiều người vẫn tìm đến món tiết canh với tâm lý “lấy may”. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vì lợi nhuận nên vẫn ngang nhiên bán tiết canh.

Rất nhiều mầm bệnh

Ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã khuyến cáo người dân: “Kinh nghiệm cho thấy ăn tiết canh là một trong những con đường mà dịch bệnh như liên cầu khuẩn, nhiệt thán... dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Thời gian ủ bệnh thường từ 5-7 ngày”. Thực tế rất nhiều người đã tử vong chỉ vì ăn một bát tiết canh lợn hoặc tiết canh vịt.

Mới đây nhất là vào mùng 1 Tết Giáp Ngọ 2014, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nam (48 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) trong tình trạng tụt huyết áp, sốc. Dù bệnh viện đã dùng thuốc vận mạch nhưng huyết áp không hồi phục nên bệnh nhân tử vong vào chiều cùng ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu của bệnh viện này, bệnh nhân tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân ăn món tiết canh lợn vào ngày 28 Tết. Bác sĩ Cấp cho biết dịp Tết Giáp Ngọ 2014, bệnh viện này tiếp nhận để điều trị gần 10 bệnh nhân là “tín đồ” của món tiết canh, nhập viện vì nghi ngờ nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh.

Nhiều chuyên gia y tế khẳng định trong máu của gia súc, gia cầm, kể cả những con khỏe mạnh, đều chứa nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Tiết canh heo, dê, vịt... đều chứa rất nhiều mầm bệnh. Khi ăn, chúng ta trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn vào người. Tiết canh cũng không hề bổ hay mát như mọi người lầm tưởng.

Quảng Ngãi, Khánh Hòa: Người dân còn thờ ơ!

Chiều 17-2, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết đơn vị này vừa tiêu hủy bắt buộc đàn gà 400 con của ổ dịch cúm A/H5N1mới phát hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Việt (thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành). Như vậy, đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã phát hiện 5 ổ dịch cúm gia cầm với số lượng hàng ngàn con gà, vịt bị chết.

Dù dịch cúm gia cầm đang bùng phát nhưng vùng trung tâm ổ dịch ở các xã Phổ Cường, Phổ Văn, Phổ Châu… (huyện Đức Phổ) và chợ đầu mối của thị trấn Đức Phổ, người dân vẫn buôn bán, giết mổ gia cầm công khai. Rất nhiều hộ nuôi gia cầm lớn ở những vùng có dịch của 2 xã Phổ Văn và Phổ Cường khi được hỏi về công tác phòng chống dịch thì đều lắc đầu. Thậm chí ở những hộ có gà, vịt chết rải rác nhưng vẫn cho đó là bình thường.

l Tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố dịch cúm gia cầm tại thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng chống dịch. Tình hình giết mổ, buôn bán gia cầm xung quanh các chợ: Vĩnh Hải, Xóm Mới… vẫn diễn ra bình thường. Tại các sạp bán thịt heo vẫn bán các chai đựng tiết canh heo hãm sẵn cho thực khách với giá 18.000 đồng/chai kèm cách pha chế. Nhiều hàng quán vẫn vô tư bán tiết canh.

Mùa dịch, tiết canh vẫn đắt hàng - 2

Việc buôn bán gà, vịt vẫn diễn ra bình thường tại chợ thị trấn Đức Phổ, ngày 17-2 Ảnh: Tử Trực

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, cho biết lực lượng thú y chỉ có thể khuyến cáo chứ chưa có lệnh cấm và chế tài xử phạt trong việc mua bán, ăn món tiết canh. Theo ông Phạm Thúc Hàn, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Nha Trang, gà, vịt ở TP này chủ yếu được cung cấp từ thị xã Ninh Hòa, các huyện Diên Khánh và Cam Lâm. Đây là những địa phương đều có ổ dịch cúm gia cầm nên việc phòng chống dịch hết sức căng thẳng. Nhiều hộ buôn bán, giết mổ ngay trong nhà, khi thấy lực lượng kiểm tra là khóa cửa nên rất khó kiểm soát.

* Ngày 17-2, Cơ quan Thú y Vùng 4 (Đà Nẵng) đã về tỉnh Phú Yên phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y Phú Yên đã cấp 200.000 liều vắc xin và 120 lít thuốc tiêu độc sát trùng cho Trạm Thú y huyện Đông Hòa để kịp tiêm phòng bao vây, tiêu độc môi trường dập dịch. T.Trực - K.Nam - H.Ánh

Đã có ổ dịch ở 11 tỉnh

Tính đến cuối ngày 17-2, Cục Thú y cho biết cả nước đang  có 24  ổ dịch tại 11 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai và Bà Rịa-Vũng Tàu; tổng số gia cầm mắc bệnh là 23.819 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 30.777 con. Hôm nay (18-2), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm với các địa phương để thống nhất các biện pháp xử lý khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trong nước và xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Cùng ngày, một đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu, sẽ đi Quảng Ninh và sau đó là Lạng Sơn để kiểm tra và làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Cục Thú y cũng đã lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn - Trọng Đức - Ngọc Dung (Người lao động)
Cúm A/H5N1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN