Thầy giáo... nuôi ruồi
Ruồi lính đen - có thể ứng dụng trong việc xử lý chất thải hữu cơ - không nằm trong danh mục được phép nuôi và cũng chẳng có trong danh mục cấm nuôi nên người dân chỉ dám nuôi cầm chừng.
Anh Phan Văn Bé và chiếc mùng nuôi ruồi lính đen
Chúng tôi bước vào bên trong chiếc mùng. Những con ruồi lính đen bay tung tóe. Chúng không bu lấy tôi mà bay tản ra xa. Giữ yên lặng trong khoảnh khắc, một số con đậu lại trên lá cây, vách mùng. Tôi cố gắng lấy cho được tấm ảnh rõ nét hình thù con ruồi. Khi chúng tôi vừa bước ra ngoài, chủ nhân của đám ruồi ấy đóng mùng lại rồi cho biết: “Nếu 2, 3 ngày nữa anh trở lại, trong mùng sẽ đặc ruồi”.
Cơ duyên với ruồi
Chủ nhân của những con ruồi ấy là anh Phan Văn Bé. Ruồi được nuôi tại nhà anh ở ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
“Trước đây, tôi sản xuất sâu Superworm để cung cấp cho các cơ sở buôn bán cá kiểng. Đến tháng 4-2014, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra văn bản cấm sản xuất, tiêu thụ loại sâu này khiến công việc làm ăn gặp khó khăn. Sau đó, tôi chuyển sang nuôi bồ câu” - anh Bé nhớ lại.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Bé càng lúc càng cởi mở hơn. Anh vốn là một giáo viên tiểu học. Không an phận làm một anh giáo làng, anh Bé luôn tìm kiếm những công việc phù hợp với sở thích của mình để khỏa lấp thời gian rảnh rỗi.
“Nuôi 2.000 con bồ câu không phải là chuyện nhỏ” - anh Bé cho biết - “Không đơn giản từ khâu thức ăn đến chăm sóc. Vậy mà một điều bất ngờ không lường tới là lượng phân chúng thải ra hằng ngày, giải quyết được chuyện này là cả một vấn đề nan giải”.
Anh Bé đã lên mạng tìm kiếm giải pháp thì gặp loài ruồi lính đen này. Theo tài liệu, chúng có khả năng tiêu thụ một cách đáng kể các loại chất thải từ bồ câu. Ngoài việc xử lý chất thải hữu cơ, ruồi lính đen còn cung cấp nguồn thức ăn cho gia cầm, gia súc.
“Quan sát kỹ con ruồi, tôi sực nhớ đây là loài không cần phải nhập mà có sẵn trong thiên nhiên. Có thể nhiều người đã từng gặp ruồi lính đen nhưng không nghĩ đến những lợi ích từ chúng. Trước đây, vẫn cứ thói quen cũ nghĩ ruồi là loại côn trùng có hại nhưng khi đọc kỹ các tài liệu, tôi mới biết ruồi lính đen không mang đặc tính của ruồi và loài lằn xanh thường gặp. Chúng được xác định là loài thiên địch có lợi và có nhiều trong thiên nhiên ở nước ta” - anh Bé hào hứng.
Từ đó, anh Bé tìm kiếm bắt cho được vài con nhưng cứ hết lớp này đến lớp khác, anh vẫn chưa phát hiện được quy trình vòng đời của chúng. Anh cho biết: “Thế là tôi cứ mày mò cho đến 6 tháng sau, trong một phút tình cờ, tôi mới phát hiện chúng đẻ trứng... Từ sự tình cờ này, tôi tiếp tục nghiên cứu thêm và không lâu sau đã nắm bắt được các yếu tố cần thiết để thực hiện vòng đời của giống ruồi lính đen”.
Hiện nay, ngoài công dụng chính là giải quyết chất thải của 2.000 con bồ câu trong chuồng, đám ruồi lính đen của anh Bé còn cho một lượng trứng và ấu trùng để anh cung cấp đến các cơ sở chăn nuôi trên toàn quốc. “Nhờ vậy, thu nhập của gia đình được cải thiện hơn trước. Tôi đang nghĩ đến một phương cách sản xuất lớn hơn, quy mô hơn từ loài ruồi lính đen này. Tuy nhiên...” - anh Bé ngập ngừng.
Không dám “đánh bạc”
Anh Phan Văn Bé hướng dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh cơ sở của mình. Ở một góc sân, 2 chiếc mùng thật lớn được giăng lên. Bên trong mùng, 4 khay nhựa xếp chồng lên so le với nhau. Thỉnh thoảng, vài con ruồi lính đen từ đó bay ra hòa chung với đám ruồi có sẵn. Trong những chiếc khay đó chứa nhộng đang trong giai đoạn thành ruồi. Từ khi thành ruồi, chúng bắt đầu sinh sản...
Anh Bé cho biết: “Trong quá trình tìm hiểu, tôi không hề biết ruồi sinh sản như thế nào. Một lần, vô tình bên trong mùng sót lại một thùng carton. Nắp thùng mở bật ra, lộ những lỗ nhỏ trên mép. Ruồi đậu vào đó và đẻ trứng. Từ đó, tôi bắt đầu cắt những chiếc thùng giấy này thành những miếng nhỏ có kích thước khoảng 2x10 cm treo khắp nơi bên trong mùng. Quả nhiên, ruồi đậu vào và đẻ trứng. Cứ lấy trung bình một trứng giá 10.000 đồng thì miếng giấy carton cắt nhỏ ra như thế chứa bình quân mỗi miếng 10 trứng với giá 100.000 đồng”.
Trứng ruồi sau 4 ngày nở thì thành ấu trùng. Lúc này, ấu trùng sẽ được cung cấp thực phẩm là những loại chất thải hữu cơ để chúng trưởng thành. Anh Bé cho chúng tôi xem những khay nhựa có phân bồ câu. Anh dùng chiếc bay đảo nhẹ lớp phân bên trên, đám ấu trùng lúc nhúc liền lộ ra.
Theo anh Bé, giai đoạn ấu trùng của ruồi, nếu tách mỡ ra rồi đem sấy khô xay thành bột nhuyễn sẽ là thức ăn cho gia súc, cho cá rất tốt vì giàu đạm. Nếu không chế biến, ở dạng thô, ấu trùng là thức ăn khoái khẩu của gia cầm.
Đưa chúng tôi vào bên trong, anh Bé mở ra nhiều chồng khay rồi giải thích: “Trứng ruồi được để vào khay chứa các loại chất thải hữu cơ ẩm ướt như xác khoai mì, phân chim, phân gà, xác động vật..., chừng 3 - 4 ngày sẽ nở thành ấu trùng. Lúc này, chúng tiêu thụ rất nhanh các loại chất thải hữu cơ để trưởng thành. Các chất thải hữu cơ này sẽ được ấu trùng “xơi sạch” trước khi lên men để phân hủy nên không kịp phát ra mùi hôi thối. Sau gần 20 ngày, ấu trùng lớn lên chuyển giai đoạn thành nhộng. Sau đó, nhộng nở thành ruồi rồi tiếp tục đẻ trứng. Ruồi đẻ trứng sống trong khoảng 6-7 ngày không ăn rồi chết, kết thúc vòng đời khoảng 1 tháng”.
Anh Bé tin rằng lợi ích của ruồi lính đen mang lại cho chúng ta rất lớn. “Nếu làm ở quy mô lớn, ấu trùng ruồi lính đen sẽ giúp chúng ta xử lý một lượng rác thải hữu cơ đáng kể. Hằng ngày ở các chợ, lượng rau củ quả hư thối, đầu tôm, xương cá... khá nhiều có thể lên đến hàng tấn. Nếu loại chất thải này được tập trung lại để ấu trùng ruồi lính đen “làm việc” thì chúng sẽ xử lý một cách rốt ráo đến 90%. Thế nhưng, hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thừa nhận mà cũng không phủ nhận giá trị và hiệu quả mà chúng mang lại” - anh băn khoăn.
Anh Bé đưa cho chúng tôi xem một bài báo đăng ngày 18-2, trong đó ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An, tuyên bố: “Đến nay, các cơ quan quản lý, tầm soát sinh vật vẫn chưa có một nghiên cứu chi tiết nào liên quan đến ruồi lính đen. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Long An không ngăn ngừa và tiếp tục theo dõi việc nuôi ruồi lính đen ở người dân”. Anh Bé bày tỏ: “Trước thái độ của cơ quan chức năng như thế, người dân chúng tôi chỉ dừng lại ở việc duy trì con giống, bán trứng và ấu trùng. Chúng tôi không thể “đánh bạc” khi cơ quan chức năng vẫn còn mập mờ, chưa xác định được giá trị của ruồi lính đen”.
Dự án “Thức ăn chăn nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen” của anh Phan Văn Bé đã đạt giải 3 tiềm năng cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2015. |
Nhà đầu tư gặp khó Năm 2000, TS Trần Tấn Việt, Trưởng Bộ phận Công nghệ sinh học và Giải pháp đô thị Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí, từng đứng đầu nhóm nghiên cứu về ứng dụng ruồi lính đen trong việc phân hủy rác thải hữu cơ của Trường Đại học Nông Lâm (TP HCM). Theo ông Việt, tình trạng rác thải ở Việt Nam rất đáng quan ngại, xử lý được không phải chuyện ngày một ngày hai. Thêm vào đó, nhiều nước trên thế giới đang chú ý nhiều đến protein từ ruồi lính đen như là nguồn bổ sung rất hữu hiệu khi protein từ bột cá cạn kiệt dần. Ấu trùng ruồi lính đen sau khi được tách mỡ sấy khô xay thành bột sẽ thay thế bột cá rất tốt nên đã có nhiều nước đầu tư. Trên thế giới đã có 2 nhà máy quy mô lớn và hiện đại là Công ty Agroprotein ở Nam Phi và Kataz Biotech ở Đức. Ấu trùng ruồi lính đen đang “xơi” các chất thải hữu cơ “Nhiều nhà đầu tư trong nước đã kiên trì theo đuổi các dự án liên quan đến ruồi lính đen. Một công ty của Bỉ muốn đầu tư nhà máy ở nước ta nên sứ quán Bỉ tại Việt Nam có mời chúng tôi đến trình bày về công nghệ này. Vị tham tán thương mại nhận định các dự án về ruồi lính đen và công nghệ chế biến phù hợp với hiện tượng nóng lên của trái đất và cải thiện được môi trường trong khâu xử lý rác thải. Tuy nhiên, điều khó khăn cho các nhà đầu tư hiện nay là ruồi lính đen không nằm trong danh mục được phép nuôi và cũng không có trong danh mục cấm nuôi, trách nhiệm xác định cứ liên tục bị các cơ quan chức năng đùn đẩy. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, nhà đầu tư sẽ e ngại và có thể chúng ta sẽ mất đi cơ hội tốt” - TS Việt nhìn nhận. |