Thăm nhà nghỉ bí ẩn của lãnh đạo Triều Tiên

Giữa lúc Triều Tiên đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới bởi vụ xử tử, nhân vật số hai của Triều Tiên Jang Song Thaek, phóng viên Tiền Phong đến thăm ngôi biệt thự bí ẩn là nơi ông và cha của nhà lãnh đạo Kim Jong - un từng sống.

Tiết trời vùng biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc lạnh thấu xương cộng thêm những cơn gió từ biển khơi khiến ngôi biệt thự đá 2 tầng Hwajinpo càng thêm lạnh lẽo.

Khác với các danh thắng khác ở Hàn Quốc luôn chật cứng du khách, biệt thự của gia đình họ Kim thường chỉ đón khoảng trăm khách mỗi ngày vì nằm cách biệt, không có trong các tour du lịch thông thường và đơn giản là nhiều người dân miền Nam không thích tới nhà của những nhà lãnh đạo phương Bắc. Tuy nhiên, vào mùa hè nơi đây khá đông đúc vì nằm cạnh một trong những bãi biển đẹp nhất Hàn Quốc.

Cách thủ đô Seoul chừng 300 km, gần cảng cá Geojin, biệt thự Hwajinpo, theo các tài liệu lịch sử và những người bán hàng ở đây kể lại, là ngôi nhà mà gia đình người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung) dùng làm nơi nghỉ. Biệt thự được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Đức, hoàn thành xây dựng vào năm 1937.

Thăm nhà nghỉ bí ẩn của lãnh đạo Triều Tiên - 1

 Ngôi biệt thự nhìn từ bên ngoài, mặt trước nhìn ra biển về phương Bắc với rất nhiều cửa sổ

Để vào ngôi biệt thự nằm giữa lưng chừng núi, chúng tôi leo bộ lên khoảng 50 bậc thang đá. Biệt thự Hwajinpo đặt theo tên của vùng bờ biển phía Đông thuộc tỉnh Gangwon-do của Hàn Quốc, vốn là lãnh thổ của Triều Tiên, nằm ở vị trí tuyệt đẹp, lưng tựa vào núi và mặt nhìn ra biển, hướng về phương Bắc.

Toàn bộ mặt ngoài của biệt thự hình chữ nhật rộng khoảng 180 m2 này được ốp đá, mỗi tầng đều được bố trí một căn phòng hình tròn nằm chính giữa làm nơi để tiếp khách và lưu trữ các tài liệu. Mặt tiền biệt thự là căn phòng hình bán nguyệt ở cả 2 tầng với rất nhiều cửa sổ nhìn ra biển.

Vị trí tuyệt đẹp, cùng phong cách kiến trúc hòa quyện giữa phương Tây và phương Đông của ngôi biệt thự đá lý giải lý do vì sao người sáng lập CHDCND Triều Tiên chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng.

Ngay sau Thế chiến II, khi bán đảo này giành được độc lập từ Nhật Bản, vùng bờ biển Hwajinpo thuộc về phần lãnh thổ Triều Tiên và biệt thự trở thành nhà nghỉ của gia đình nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Sau chiến tranh liên Triều 1953, theo đường biên giới mới do Liên Hợp Quốc vẽ lại, vùng đất ven biển này (bao gồm cả ngôi biệt thự) bỗng nhiên thuộc về phần lãnh thổ Hàn Quốc.

Sau nhiều thập kỷ bỏ không, biệt thự một thời trở thành nhà nghỉ của các sĩ quan quân đội Hàn Quốc và từng gây tranh cãi từ năm 1999 khi chính phủ chính thức mở cửa đón khách du lịch. Hôm chúng tôi ghé thăm, biệt thự gần như bị bỏ hoang vì mặc dù có bố trí một người trông coi và đón khách ngay tầng một, nhưng suốt buổi người đó không có mặt.

Dường như để tránh sự chỉ trích, Chính phủ Hàn Quốc đã biến ngôi biệt thự thành bảo tàng, nhà văn hóa’ trưng bày những hình ảnh về cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 cùng những hậu quả của nó, khát khao thống nhất và những nét chấm phá về đời sống của hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Dấu tích gia đình chủ tịch Kim

Khi leo bộ từ bờ biển lên biệt thự theo các bậc thang đá, đập vào mắt chúng tôi là bức ảnh chụp 5 em bé đang ngồi trên chính các bậc thang đá giữa lưng chừng lối đi vào tháng 8/1948 và một trong số đó là cố lãnh đạo Kim Jeong-il (cha của Kim Jong – un) lúc mới 6 tuổi.

Theo tài liệu phía Hàn Quốc, tuổi thơ của cố lãnh đạo Kim Jeong-il từng một thời gắn bó với ngôi biệt thự cũng như vùng đất này và trong một lần hiếm hoi gặp một quan chức ngoại giao Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ông cũng từng đề cập đến điều này.

Kiến trúc của biệt thự dù đã qua vài lần sửa chữa, nhưng hầu như vẫn được giữ nguyên trạng. Ngoài bức ảnh ở bậc thang đá, những dấu tích còn lại của gia đình Chủ tịch Kim không nhiều.

Thăm nhà nghỉ bí ẩn của lãnh đạo Triều Tiên - 2

Tượng đài Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Trên tầng 2 của ngôi nhà vẫn lưu giữ căn phòng được cho là nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành cùng phu nhân mỗi khi về đây. Căn phòng khá đơn sơ với bộ bàn ghế gỗ, kệ gỗ cũ kỹ để sách cùng các vật dụng, một chiếc giường nhỏ, đài hiệu Zenith, gương, chậu đồng, đèn dầu treo trên trần và có cả lò sưởi giúp vượt qua cái lạnh mùa đông…

Trong phòng vẫn còn treo một bộ quần áo theo kiểu mà nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành thường mặc, bên cạnh đó là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Triều Tiên những năm 1940.

Chúng tôi cố nán lại tới trận trưa, lùng sục khắp các phòng, lên cả sân thượng với hi vọng tìm thêm dấu tích hay những câu chuyện kể về gia đình Chủ tịch Kim khi khách du lịch người Hàn Quốc bắt đầu lác đác đến thăm ngôi biệt thự. Trong lúc rảnh rỗi vì vắng khách, những người bán hàng ở dưới chân núi vẫn thường kể cho khách du lịch câu chuyện về những năm tháng gia đình Chủ tịch Kim sống ở đây. Tuy nhiên, chẳng có tài liệu nào chứng minh những câu chuyện của họ là có thật nên ngôi biệt thự ngày càng trở nên huyền bí.

Người Triều Tiên ở Hàn Quốc

Điều đặc biệt, những người bán hàng, láng giềng xưa của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đều là người Triều Tiên. Họ cùng với hàng ngàn gia đình khác ở vùng biển Hwajinpo và cảng cá Sokcho …cách đó không xa đều có họ hàng ở Triều Tiên, nhưng kể từ năm 1953 đến nay khi đường biên giới giữa hai miền được vẽ lại, họ chưa có cơ hội để trở về quê hương hay gặp mặt người thân. Nhiều người Hàn Quốc có quê hương ở Triều Tiên vì thế đã chuyển đến vùng đất gần biệt thự gia đình Chủ tịch Kim sinh sống như để gần hơn và tưởng nhớ về phương Bắc.

Nhà nghỉ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

Điều đặc biệt, cũng nằm trong vùng biển Hwajinpo cách biệt thự gia đình Chủ tịch Kim gần 2km là nhà nghỉ của Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc Rhee Syngman được xây dựng ngay sau chiến tranh liên Triều 1953. Nhà nghỉ của Tổng thống Rhee Syngman chỉ có một tầng, kiến trúc khá đơn sơ, mặc dù nằm trên núi và nhìn ra hồ, nhưng về tổng thể thua xa vị trí ngôi biệt thự đá của gia đình Chủ tịch Kim. Tuy nhiên, nhà nghỉ của Tổng thống Hàn Quốc được chăm sóc khá kỹ, luôn có nhân viên túc trực để giới thiệu; mọi vật dụng liên quan đều được lưu giữ cẩn thận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Đường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN