Thăm nhà máy in tiền đầu tiên của VN
Tại đây, những đồng tiền cách mạng đã được phát hành, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong những ngày đầu giữ nước…
Địa điểm nhà máy in tiền đầu tiên của Chính phủ kháng chiến tại đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 - 1947 ), thuộc địa phận xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; di tích đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng cấp Quốc gia năm 2007.
Nhà tư sản yêu nước
Nằm ven bờ sông Bôi hiền hòa, thơ mộng, đồn điền Chi Nê được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 của nhà tỷ phú người Pháp Bô-Ren. Đây là dải đất màu mỡ rộng tới 7.331ha với chiều dài 13 km, rộng hơn 9km. Tại đây, chủ đồn điền Bô- Ren đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, khu chuồng trại trâu bò. Cho đến năm 1943, Bô-Ren bán lại đồn điền cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản Việt Nam yêu nước với giá hai nghìn lượng vàng.
Khu di tích nhà máy in tiền trở thành điểm tham quan của nhiều người
Trong những năm đầu độc lập, nước ta trong tình trạng khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Việc tổ chức in và phát hành giấy bạc tài chính Việt Nam là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng đối với nền tài chính nước nhà trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trước khó khăn của chính quyền cách mạng non trẻ không có nhà in riêng để in tiền, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô - Panh của Pháp và hiến cho Chính phủ ta để lập nhà máy in tiền. Từ đó ta có nhà máy in tiền sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu hành trên toàn quốc.
Trước tình hình quân Tưởng và thực dân Pháp tìm mọi cách bao vây, cướp phá cơ sở vật chất của ta, để đảm bảo an toàn bí mật phục vụ cho kháng chiến trường kỳ, vào tháng 3 năm 1946 đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện đã được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tin chọn làm nơi sơ tán Nhà máy in tiền, có thời điểm đồn điền đón trên 100 công nhân nhà in vào làm việc.
Những đồng bạc cách mạng
Nhà máy in tiền, trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng Việt Nam còn hết sức đơn giản. Máy móc chưa hiện đại nên cách thức in tiền cũng rất thô sơ: In lần lượt từng màu, số sê-ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp-xét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti pô. Lúc đó còn in cả các mệnh giá tiền 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào.
Tại đây đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là “tờ bạc trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh; in, cắt, đóng, đếm xong, tiền được cho vào hòm gỗ chất lên xe bò hoặc xe ngựa chuyển vào xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa cất giữ rồi mới tỏa đi ra Bắc vào Nam.
Ngày 21/2/1947, trong chuyến về thăm, Bác Hồ đã động viên cán bộ, công nhân nhà máy in tiền: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân”. Tháng 4/1947, Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình, đồn điền Chi Nê bị bom tàn phá nghiêm trọng, Bộ Tài chính cho di chuyển toàn bộ nhà máy in tiền và Kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử và do tác động của thiên nhiên, một phần Khu di tích Nhà máy in tiền đã thay đổi, xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Nhằm phục dựng lại hình ảnh của đồn điền Chi Nê gắn với sự kiện lịch sử nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời tôn vinh những đóng góp của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, năm 2010 Nhà nước đã thành lập Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền và cho tiến hành đầu tư trùng tu, nâng cấp công trình.Tổng diện tích khu di tích rộng 15,5 ha với tổng mức đầu tư khoảng trên 270 tỷ đồng.
Bà Đinh Thanh Bình - Phó Ban Quản lý khu di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Đến nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành các hạng mục đầu tư mới như nhà đón tiếp, đường giao thông, trùng tu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 11.500 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu tại khu di tích.