Tăng giá điện: Không phải lúc thích hợp!
Nhiều chuyên gia khẳng định như vậy về quyết định mới đây của Bộ Công thương cho phép tăng giá bán điện thêm 5%. Các doanh nghiệp thì hoang mang và phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.
Liên quan việc tăng giá điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết hôm nay (1-7) sẽ tiến hành chốt chỉ số điện kế cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM để làm cơ sở tính tiền điện theo giá mới. Q.Khải |
TS Ngô Trí Long - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - cho biết lý do để tăng giá điện là ngành điện đang lỗ trong khi giá than tăng. Tháng 6/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,26% so với tháng 5. Có thể nhân cơ hội này Bộ Công thương đã đồng ý cho tăng giá bán điện thêm 5%. Nhìn vào đó thấy việc tăng giá điện có vẻ hợp lý nhưng thực tế không phù hợp ở thời điểm hiện nay.
Tháng 6/2012, chỉ số CPI giảm thực chất không phải là năng suất sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, chi phí đầu vào giảm để giảm giá bán hay do chất lượng hàng hóa giảm... mà do hàng tồn kho quá nhiều, sức mua quá yếu khiến các nhà sản xuất kinh doanh phải giảm giá bán để giải phóng hàng, chấp nhận lỗ thay vì để vốn nằm chết một chỗ. Bức tranh kinh tế còn rất u ám, doanh nghiệp vẫn đang gặp quá nhiều khó khăn. Sản xuất đã đình đốn từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, việc tăng giá điện trong thời điểm này càng làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thêm khó khăn hơn. “Xét các vấn đề trên thì hiện không phải là thời điểm thích hợp để tăng giá điện” - ông Long nói.
Việc tăng giá điện không chỉ khiến các gia đình phải trả thêm tiền điện hằng tháng mà giá điện tăng sẽ tác động vào giá cả dịch vụ hàng hóa - Ảnh: N.C.T
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng hàng loạt chi phí đầu vào quá cao như lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... đứng ở mức quá cao suốt từ đầu năm đến nay đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn. Nay giá điện tăng sẽ giáng thêm một đòn nữa vào đời sống doanh nghiệp khiến tình hình càng khó khăn hơn. Giá xăng dầu vừa hạ thì giá điện tăng. Lãi suất ngân hàng công bố giảm nhưng thực tế không mấy doanh nghiệp tiếp cận được mà họ vẫn phải trả lãi suất cao. Thực chất vẫn không có nhiều yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi ở thời điểm này. Chưa kể giá thành hàng hóa đầu ra sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng giá điện và sẽ tác động vào chỉ số CPI trong thời gian tới.
Theo ông Phong, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Không chỉ khiến các gia đình phải trả thêm tiền điện hằng tháng mà giá điện tăng sẽ tác động vào giá cả dịch vụ hàng hóa. Nghĩa là tăng giá điện sẽ “đánh” cả trực tiếp và gián tiếp vào túi tiền của người dân vốn đã rất eo hẹp. Hơn nữa, từ trước đến nay giá điện chỉ có một chiều tăng mà không giảm, mặc dù các chi phí như giá dầu, nước có giảm đi chăng nữa.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng giá điện ở thời điểm hiện nay “hại nhiều hơn lợi”. Để giải tỏa thắc mắc trong dư luận, ngành điện cần công khai các chi phí đầu vào, cơ cấu giá thành và lỗ lãi song song với mỗi lần điều chỉnh giá điện.
Ngậm đắng nuốt cay Ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn, cho biết: “Tôi đã rất sốc khi điện đột ngột tăng giá”. Là ngành sử dụng lượng điện rất lớn, chi phí điện cho ngành sản xuất nhựa gia dụng hiện chiếm 10-15% giá thành sản xuất. Theo tính toán của ông Bảy, với mức giá cũ bình quân mỗi tháng công ty ông phải trả khoảng 336 triệu đồng. “Giờ giá điện tăng thêm 5%, hằng tháng công ty phải trả thêm hơn 16 triệu đồng, một chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay” - ông Bảy than. Cũng theo ông Bảy, phương án tăng giá bán chắc sẽ không có doanh nghiệp nào mạo hiểm lựa chọn trong bối cảnh hàng hóa xếp hàng “dài cổ” chờ người mua. Theo ông Nguyễn Phúc Tiến - phó tổng giám đốc Công ty nệm Vạn Thành, việc giá điện điều chỉnh tăng 5% khiến “doanh nghiệp chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà chịu đựng”. Áp lực càng đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa phải bảo tồn được đồng vốn, vừa duy trì việc làm cho người lao động, nhưng đầu ra của sản phẩm lại không được tăng giá. Ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), cho rằng khi giá đầu vào liên tục tăng như hiện nay thì doanh nghiệp sản xuất trong nước không chỉ mất lợi thế ở thị trường nội địa, mà còn có nguy cơ mất hẳn thị trường ở nước ngoài. |