Tai nạn giao thông: Còn lại những gì?

Hậu quả của tai nạn giao thông nặng nề và kéo dài, biến hàng loạt lao động chính thành những người tàn phế, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi phải vất vả mưu sinh…

“Hiếm có gia đình nào mà tai nạn giao thông (TNGT) cứ bám riết như nhà ông Ngọc. Giờ đây, cả gia đình chỉ còn biết trông cậy vào sự đùm bọc, cưu mang của họ hàng, chòm xóm” - ông Võ Thành An, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa - Phú Yên, chua xót kể về gia cảnh ông Nguyễn Văn Ngọc, SN 1960, ngụ thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2.

Gia đình lụn bại

Vụ TNGT đầu tiên ập đến gia đình ông Ngọc vào đầu tháng 8/2003. Hôm ấy, người con đầu của ông là Nguyễn Hữu Thạch (SN 1986) chở 2 em Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1989) và Nguyễn Hữu Đức (SN 1991) bằng xe máy thì va chạm với một mô tô chạy ngược chiều. Ba anh em ngã xuống đường vừa lúc xe tải chở lúa trờ đến, Nghĩa và Đức tử vong tại chỗ, Thạch bị gãy nát chân trái. Ông Ngọc phải bán sạch 6 sào ruộng để lấy tiền cho Thạch vào TPHCM sắp lại xương.

Cùng một lúc mất 2 con trai, cả một năm sau, ông Ngọc luôn ôm bàn thờ than khóc. Để anh mình nguôi ngoai nỗi đau, người em rể rủ ông đi phụ hồ. Thế nhưng, chỉ sau một tuần làm phụ hồ, trên đường về nhà, ông lại bị TNGT. “Hôm ấy là vào tháng 10/2004, tôi đi xe máy trên Quốc lộ 1. Trời tối, 2 chiếc xe tải chạy ngược chiều tranh nhau qua mặt, tôi bị pha đèn không thấy gì phải né sát lề, tông thẳng vào đống cát” - ông Ngọc nhớ lại. Vụ TNGT làm ông vỡ bàng quang, tổn thương 3 đốt sống cổ, liệt 2 chân, tay thì co quắp. Giờ đây, ông phải sống với túi nước tiểu kè kè bên mình; ăn uống, vệ sinh phải có người lo.

Trước cảnh gia đình túng quẫn, tháng 3/2011, bà Đặng Thị Nhiên, vợ ông Ngọc, đành cắn răng gửi ông cho mẹ chồng đã 82 tuổi và con gái út học lớp 12 chăm sóc để vào TPHCM bán vé số. Vậy mà cũng như chồng, sau hơn 10 ngày bán vé số, một lần băng qua đường, bà bị một xe máy tông gãy chân trái.

Ông Ngọc cho biết để lo phẫu thuật cho 2 vợ chồng, hiện gia đình vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng không có khả năng trả. Căn nhà ông Ngọc xây khá bề thế từ năm 1978 giờ trống hoác, bên trong có một chiếc quạt máy nhỏ xíu nhưng chỉ dùng đến mỗi khi ông lên cơn sốt. “Mấy hôm nay chúng tôi phải ăn cháo. Bà con cho khoảng 25 kg lúa nhưng phải nhín nhịn, phòng lúc trái gió trở trời” - bà Nhiên rầu rĩ.

Sau vụ TNGT, anh Thạch gãy chân, không làm được việc nặng nên đến ở nhờ nhà người cậu để phụ sửa xe đạp. Cô con gái út thi đậu vào một trường cao đẳng cũng đành ở nhà vì không có tiền theo học. Bà Nhiên từ khi về nhà đến nay chưa một lần tái khám, cũng không thể vào lại TPHCM để bác sĩ tháo nẹp xương chân dù đã quá hạn 3 tháng. Còn ông Ngọc, theo chỉ định của bác sĩ, mỗi tháng phải 2 lần thay ống dẫn nước tiểu và uống thuốc mỗi ngày để chống viêm nhiễm đường tiết niệu. Tuy nhiên, vì không có tiền, nhiều năm nay, ông đành dùng lại ống dẫn tiểu cũ bằng cách đun nước sôi và cũng chẳng uống thuốc.

Những đứa trẻ bơ vơ

Nửa năm sau đêm xảy ra vụ TNGT thảm khốc bên dòng sông Sêrêpốk - Đắk Lắk làm 34 người chết và hơn 20 người bị thương hôm 17/5, chúng tôi lại đến thăm gia đình 2 nạn nhân - anh Ven Gia Lập và vợ là chị Hồ Thị Thủy ở xã Ea Lai, huyện M’Đrắk. Khi chúng tôi tới, 3 đứa con của họ (sinh các năm 2000, 2003 và 2007) đang chơi đùa trước sân nhà. Bà Hồ Thị Hạnh, mẹ chị Thủy, cho biết từ khi con gái và con rể mất, bà đã chuyển về đây ở để chăm sóc các cháu.

Tai nạn giao thông: Còn lại những gì? - 1

Ba đứa trẻ bơ vơ sau khi cha mẹ - anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy - mất đi trong vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk (Ảnh: CAO NGUYÊN)

Nghe tôi hỏi thăm cha mẹ, bé gái 5 tuổi hồn nhiên: “Bà ngoại nói ba mẹ cháu chưa chết mà đang nằm ngoài nghĩa địa…”. Bà Hạnh ôm cháu, nghẹn ngào: “Chiều hôm trước ngày xảy ra tai nạn, Lập gọi điện nhờ tôi sang nhà trông cháu để vợ chồng nó xuống TPHCM khám bệnh. Lúc đi, nó hứa đúng 2 ngày sẽ về, nào ngờ... Nhiều đêm nhìn các cháu ngủ say vì còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát này, lòng tôi lại quặn thắt. Rồi đây, các cháu biết dựa dẫm vào ai?”.

Trong chuyến xe định mệnh ấy, vợ chồng anh Lê Công Bằng, 1 trong 2 tài xế, ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk - Đắk Lắk, cũng vĩnh viễn ra đi, để lại 2 con đang tuổi ăn học. Hôm đó, chị Trần Thị Thanh Trúc đi theo xe chồng đưa con gái (SN 2007) xuống TPHCM thăm con trai học đại học. Tai nạn xảy ra, con gái họ may mắn sống sót nhưng trở thành trẻ mồ côi, sống nương nhờ bà ngoại đã già yếu.

Cũng cùng cảnh cha mẹ chết vì TNGT vào năm 2009, chị em Nguyễn Lê Gia Linh (SN 1994) và Nguyễn Lê Gia Bảo (SN 1995) phải về sống với bà ngoại, vừa học vừa làm để kiếm sống. Căn nhà nhỏ của gia đình nằm dọc Quốc lộ 1 đoạn qua phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn - Bình Định để trống. Thỉnh thoảng, các em mới về mở cửa thắp nhang, không dám ở lại vì nỗi ám ảnh khủng khiếp từ cái chết của cha mẹ do xe tải đâm thẳng vào nhà…

Tai họa ập xuống

Tiếp chúng tôi với tinh thần vẫn còn suy sụp, anh Lý Nhân Quốc kể sáng 11/8, anh dùng xe máy chở vợ đi làm tại một xí nghiệp ở quận Bình Tân - TPHCM. Hai vợ chồng vừa rời khỏi nhà khoảng 500 m, đang băng qua vòng xoay Tạ Uyên - Hồng Bàng (quận 5 - TPHCM) bỗng bị một chiếc xe tải từ phía sau đâm sầm vào. “Tôi bị kéo đi gần 10 m, khi định thần quay lại thì không thấy vợ đâu cả. Tôi quát hỏi tài xế, anh ta bủn rủn chỉ xuống gầm xe. Khi bò vào gần bên, tôi thấy vết bánh xe cán ngang qua vùng cổ, đầu cô ấy, máu tuôn lênh láng...” - anh Quốc bàng hoàng.

Trước đây, anh Quốc theo cha làm bốc xếp trong một nhà máy phân bón, vợ anh ở nhà lo việc nội trợ. Năm 2004, một căn bệnh khiến anh phải mổ chân đến 4 lần, cắt mất nửa bàn chân phải vì nhiễm trùng. Lúc này, vợ anh phải đi làm để nuôi chồng và 3 con nhỏ, còn anh khập khiễng chạy xe ôm phụ thêm. “Vụ TNGT đã đổ họa lên gia đình tôi” - anh Quốc buồn bã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh - Cao Nguyên - Anh Tú - Q.Lâm (Người lao động)
Tai nạn giao thông - Nỗi đau để lại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN