Sức khỏe phi công người Anh mắc COVID-19 đã có “ánh sáng cuối đường hầm”

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tiểu ban Điều trị cho biết, tỷ lệ đông đặc phổi của nam phi công người Anh mắc COVID-19 nặng giảm xuống gần 80%.

Phổi của phi công đã giảm đông đặc

Tối 19/5, Bộ Y tế cho biết, chiều cùng ngày, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế cùng các chuyên gia đã hội chẩn về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại bệnh nhân không sốt, đã sử dụng ECMO ngày 43.

Các chuyên gia tại buổi hội chẩn bệnh nhân nặng. (Ảnh: Lê Hảo)

Các chuyên gia tại buổi hội chẩn bệnh nhân nặng. (Ảnh: Lê Hảo)

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bệnh nhân hiện nay tất cả đều âm tính, xét nghiệm lại tại Viện Pasteur  TP.HCM cũng cho kết quả tương tự. Đến nay, bệnh nhân 91 đã có 5 lần liên tiếp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi.  Tuy nhiên kết quả nuôi cấy virus bất hoạt của bệnh nhân vẫn đang đợi.

Tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân tương đối khống chế được tạm ổn bằng kháng sinh. Hiện tại phổi của bệnh nhân tương đối cải thiện, phổi đã giảm đông đặc, tỷ lệ còn gần 80% so với trước đó là 90%.

Chia sẻ thêm thông tin về sức khoẻ của bệnh nhân này, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng tràn dịch màng phổi của bệnh nhân hiện vẫn còn, so với các lần trước không thay đổi nhiều. Kết quả chụp CT não không thấy tổn thương nghi ngờ nhồi máu, xuất huyết não.

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Trường Sơn khi họp tại Bệnh viện Chợ Rẫy có kết luận là nếu kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân âm tính hoàn toàn thì Bệnh viện Chợ Rẫy nhận bệnh nhân sang theo dõi, điều trị để có thể tiến hành ghép phổi khi đủ điều kiện. Hiện bệnh viện Chợ Rẫy đang sửa lại khu điều trị cho đảm bảo an toàn khi bệnh nhân chuyển sang.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, cho đến hôm nay, bệnh nhân 91 đã có những dấu hiệu cải thiện. Như vậy, là sự nỗ lực của không chỉ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn là trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành. Các thầy đã hội chẩn hàng ngày để điều trị cho bệnh nhân. Chúng ta cố gắng giữ bệnh nhân đến ngày hôm nay, góp phần giữ vững chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam, hiện chưa có bệnh nhân tử vong.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đã cùng bàn bạc và thống nhất cho rằng, tình trạng đông đặc phổi của bệnh nhân 91 cải thiện và kết quả xét nghiệm tại 2 đơn vị đều âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2 như vậy cho thấy mặc dù bệnh nhân còn nặng, tiên lượng dè dặt nhưng đã có những dấu hiệu cải thiện.

Các chuyên gia truyền nhiễm đã hoàn thành sứ mệnh điều trị cho bệnh nhân này. Có “ánh sáng cuối đường hầm”, dung tích đông đặc phổi của bệnh nhân đã giảm. Tuy nhiên tiên lượng còn dè dặt.

Do đó, các thành viên tham gia hội chẩn thống nhất chuyển bệnh nhân về trung tâm điều trị chuyên sâu về hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ủng hộ phương án này để tiếp tục điều trị cho người bệnh.

Việc ghép phổi chỉ thực hiện khi bệnh nhân 91 đảm bảo các yêu cầu về cả sức khoẻ và các điều kiện liên quan

Nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, sau điều trị tích cực nội khoa, phương án đặt ra là chúng ta ghép phổi và/hoặc các tạng khác cho bệnh nhân này nếu không có khả năng phục hồi, lúc đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ xây dựng nhóm/ hội đồng để cùng nhau tiếp tục xây dựng phương án, kế hoạch điều trị cho bệnh nhân này theo các bước phục hồi nội khoa và ngoại khoa.

“Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia sẽ tiếp tục cùng hội chẩn về trường hợp bệnh nhân này khi cần thiết. Với tinh thần “còn nước còn tát” và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều trị, cứu chữa bệnh nhân này”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh

Liên quan đến kinh phí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Hội Doanh nhân trẻ và nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi cho bệnh nhân này.

"Đặc biệt là phải có chỉ định ghép tạng, phải đúng chỉ định chuyên môn chứ chúng ta cũng không được phép vượt qua chỉ định chuyên môn và phải theo đúng các quy định của Việt Nam"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.

Nguồn: [Link nguồn]

WHO chỉ điểm nhiều sai lầm trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19

Phun thuốc khử khuẩn mà không lau chùi trực tiếp bề mặt, sử dụng buồng kháng khuẩn toàn thân,… là những sai lầm vừa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN