Sống ở đáy sông: Chuyện của ngư phủ già

Cuộc đời anh hùng sông nước của ông là dãy dài những sự kiện oai hùng mà ghê rợn. Nay, dù đã ngót nghét 70 tuổi, người đàn ông ấy vẫn tiếp tục giúp người sống được thanh thản và người mất được nhắm mắt xuôi tay...

Một góc làng chài Phúc Tân

Một góc làng chài Phúc Tân

Sức vóc, lì lợm hơn người

Hiện nay, rất khó để tìm những người dân chài còn làm công việc vớt xác người trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Cuộc sống hiện đại hóa, dân chài ít dần và dân chài làm cái việc trân quý nhưng cũng kỳ dị ấy cũng trở nên hiếm. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông ngày càng phát triển và họ cũng dần đảm nhận cái việc đó của các ngư phủ. Vậy nên, phần nhiều “anh hùng sông nước” thời xưa đều đã rửa tay gác kiếm. Hỏi qua nhiều cấp chính quyền, người dân ven sông Hồng qua Hà Nội, chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Văn Hùng sống tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người hiếm hoi còn làm việc lặn sông tìm xác người.

Ông Hùng sinh năm 1957, hiện đang sống tại ngôi nhà số 54 tại ngõ 3 phố Phúc Tân, chỉ cách cầu Long Biên vài bước chân. Ông là dân chài sông Hồng chính gốc, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên thuyền để đi đánh bắt tôm, cá. Khi ấy, sông Hồng còn nhiều nước, mỗi khi lũ về, nước sông dâng lên mấp mé bờ đê, nhấn chìm những khu Phúc Xá, Phúc Tân trong biển nước. Ông Hùng nổi tiếng ở cả làng chài Phúc Xá lẫn Phúc Tân vì có sức khoẻ hơn người. Ông có thể uống nửa lít rượu rồi nhảy ùm xuống sông lặn “vo” (lặn không cần phương tiện hỗ trợ nào) gần hai phút mà không có vấn đề gì. Nếu có mũ lặn, ông có thể lặn xuống độ sâu khoảng 25-30 mét. Không chỉ vậy, trời còn phú cho ông Hùng cái sự gan lì hiếm có. Ông bảo, người lặn giỏi thì nhiều, nhưng người dám lặn để tìm tử thi chỉ có vài “mống” thôi!

“Nhiều người cho rằng đây là một “nghề” tay trái của dân chài sông Hồng nhưng chúng tôi chưa bao giờ coi đây là nghề kiếm sống. Tôi làm vì muốn giúp những người còn sống thôi. Nhìn họ bỏ hết công việc đi khắp nơi để tìm thi thể người thân, xót lòng lắm. Công việc này còn giúp cả người chết nữa. Họ cũng mong được chôn cất đàng hoàng, chứ đâu phải bị vùi dưới đáy sông như thế…”, ông Hùng tâm sự.

Khu vực làng chài Phúc Tân, nơi ông Hùng neo thuyền, đánh bắt cá

Khu vực làng chài Phúc Tân, nơi ông Hùng neo thuyền, đánh bắt cá

Những kỹ năng không dành cho người yếu tim

Thường thì người chết trôi sẽ nổi sau 3 ngày, nhưng vì một số lý do nào đó như bị đất cát vùi lấp, hoặc bị vật gì đó giữ lại, xác sẽ không nổi lên ngay. Để tìm những người không may nằm dưới đáy sông, các ngư phủ hoặc đội cứu hộ phải quăng các chùm lưỡi câu rà dưới đáy sông, nhất là các vị trí đáy sông trũng.

Theo ông Hùng, khi xác định được vị trí của tử thi, người ta sẽ thả một đoạn dây xích nặng, dài từ trên thuyền xuống đến khi đầu dây chạm đáy sông. Sau khi đội mũ lặn, tay cầm một đoạn dây thừng, ông Hùng sẽ bám vào sợi xích đó để tụt xuống đáy sông. Khi tới đáy, ông sẽ dùng bàn tay để do thám, đào chỗ này, bới chỗ kia để tìm tử thi. Lòng sông tối đen như mực, hai bàn tay chính là đôi mắt của ông. Khi phát hiện tử thi, ông sẽ buộc dây thừng vào thân tử thi rồi kéo nhẹ dây, ra tín hiệu cho người trên thuyền kéo lên. Cuối cùng, ông lại men theo đường dây xích ban đầu để leo lên thuyền. Thời gian của mỗi lần vớt tử thi vào khoảng 30 phút tới 1 tiếng. “Phải lên từ từ chứ không được ngoi lên thật nhanh. Nếu không, các mạch máu trong cơ thể sẽ vỡ, chết ngay lập tức. Người ta còn gọi là bệnh giảm áp do áp suất thay đổi đột ngột”, ông Hùng nói.

Lần vớt tử thi ám ảnh nhất của ông Hùng là vào năm 1995, trong một vụ đắm đò kinh hoàng khiến hơn 30 người chết trên đoạn sông Hồng qua phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông kể, khi đang tìm điểm buộc dây cáp để máy cẩu kéo đò lên, bỗng dưng ông thấy nhồn nhột ở mặt do bị những sợi gì đó mềm, mỏng cọ vào. Thì ra ông đang ở khoang hành khách, và những sợi đó chính là tóc của các nạn nhân! Tóc rất nhiều, vướng cả vào tay và chân ông. Ông biết mình đang bị vây quanh bởi rất nhiều phụ nữ xấu số đang trôi nổi. “Nói thật, lúc đó tôi cũng thấy hoảng vì chưa bao giờ thấy nhiều người chết như thế. Sờ đâu cũng thấy người chết. Phải một lúc sau, tôi mới trấn tĩnh lại rồi tìm được đường thoát ra ngoài để buộc dây cáp kéo đò lên”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng bên bờ sông Hồng

Ông Nguyễn Văn Hùng bên bờ sông Hồng

“Tôi mang ơn những người đã khuất”

Không phải cứ đưa được tử thi lên bờ là xong việc. Ông Hùng trầm ngâm nói: “Con người luôn có hai phần là phần xác và phần hồn, phải lo chu toàn cả hai phần thì mới gọi là tròn trách nhiệm”. Thì ra, có một số quy tắc về mặt tâm linh mà những người như ông Hùng phải tuân theo. Đầu tiên, cấm kỵ việc buộc dây thừng vào cổ để kéo tử thi lên. Thứ hai, tuyệt đối không nổi lòng tham lấy đi bất cứ vật gì trên người xấu số. Người chết nơi sông nước thường chân tay sẽ dang rộng, rất khó để đặt vào quan tài. Để làm cái nghĩa tận cùng cho họ, ông Hùng lấy rượu trắng ngâm với gừng tươi giã nhỏ thoa đều lên các khớp. Một lúc sau chân tay họ sẽ mềm ra, có thể khép lại để thay quần áo và nhập quan được.

Trước khi nhập quan, ông Hùng phải đọc một bài văn khấn cầu cho vong linh người mất được siêu thoát.

Sau mỗi lần vớt tử thi, ông Hùng thường được gia đình nạn nhân cảm ơn bằng một khoản tiền. Ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu, và cũng có gia đình không cảm ơn gì cả. Nhưng, ông coi đó cũng là chuyện thường.

Trong dân gian vẫn có người coi việc ông Hùng làm là chẳng khác nào đi “cướp cơm” của hà bá, sớm muộn cũng gặp quả báo. Nhưng sau hàng chục năm, quả báo đâu chẳng thấy, chỉ thấy hai lần ông đã thoát chết trong gang tấc. Lần đầu tiên là hơn chục năm trước, khi ông hỗ trợ trục vớt một đoạn cầu phao bị chìm dưới đáy sông Hồng. Hôm ấy, ông Hùng lặn xuống, chui vào cầu phao qua lỗ thủng, đặt đầu ống nối với một máy bơm hút cát. Khi cát và nước được hút hết ra, cầu phao sẽ nổi lên. Nhưng chưa hút được bao nhiêu, một đợt cát không biết từ đâu tới ập xuống, bịt kín đường thoát duy nhất của ông Hùng, giam lỏng ông dưới độ sâu khoảng hai chục mét. Chẳng còn cách nào ngoài việc dùng tay bới cát để chui ra ngoài. Ông Hùng bới, bới mãi, bới trong vô vọng, đến khi gần như ngất đi vì kiệt sức, ông mới thoát được ra ngoài. Ông bảo, chỉ cần thêm 2 phút nữa thôi, là ông cùng cái cầu phao nằm lại dưới đáy sông rồi. Và lần thứ hai là vài năm trước, khi ông đã tạm chiến thắng căn bệnh ung thư dạ dày sau nhiều năm chống chọi.

Giờ đây, mỗi khi được nhờ, ông Hùng vẫn lặn tìm tử thi dưới đáy sông Hồng, dù đã ngót nghét 70.

Nguồn: [Link nguồn]

Vừa vào quán vỉa hè gọi đĩa cơm rang để ăn tối, anh Đồng nghe tiếng tri hô có cô gái bị đuối nước nên đã lao mình xuống sông cứu người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Khôi ([Tên nguồn])
Sống ở đáy sông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN