“Sát thủ cá ngát” U.90

85 tuổi, hơn 50 năm xuôi ngược sông nước từ Chợ Lách (Bến Tre) đến Năm Căn (Cà Mau), khúc sông nào con người này cũng xuất hiện với cái nghề “săn” cá ngát. Đó là ông Nguyễn Văn Chấn (thường gọi là Năm Câu), là một trong những người kỳ cựu nhất trong nghề câu cá ở Đồng bằng châu thổ Cửu Long.

Vua của các loài cá đồng bằng

Được sự hướng dẫn của anh Nguyễn Văn Lành (cháu ruột của ông Chấn), chúng tôi tìm về xóm câu Gạch Cái - ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) để gặp ông Năm Câu - một ngư dân lão luyện trong nghề săn cá ngát - để tìm hiểu về loài cá đặc sản ở miền Tây.

Theo lời ông Năm, xóm câu Gạch Cái này đã có hơn nửa thế kỷ nay, từ lúc chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Ông Năm nói, ông mới “gác kiếm” vài năm nay sau khi đã truyền nghề lại cho con cháu, nhưng ký ức về nghề chài lưới và những ngày tháng đầu đi săn cá ngát vẫn còn mãi trong tâm trí.

15 tuổi ông đã theo cha lặn lội trên sông, được một năm ông đã một mình một xuồng ngược xuôi trên sông Tiền: “Ban đầu, tôi chài lưới như người ta thôi, vùng vẫy ở sông, xung quanh toàn là cồn. Một lần lặn xuống gỡ lưới, tình cờ bắt gặp hang cá ngát. Không biết làm sao bắt, tôi bèn đem chài lưới phủ bên trên, chọc cây vào hang rượt đuổi, nhưng chúng phóng ra theo các ngách. Tiếc quá, tôi đưa tay chộp không ngờ đụng ngạnh cá, đau nhức đến phát sốt mấy ngày”.

“Sát thủ cá ngát” U.90 - 1

 Lão ngư Năm Câu.

Qua cơn nguy kịch, ông đâm ra để ý đến cá ngát và quyết tâm bắt cho bằng được. Ông Năm chuẩn bị nhiều “vũ khí” để đối phó với cá ngát. Đó là những cái vợt lưới miệng tròn, có đường kính 0,5m, dài 1,2 - 1,5m. Ông Năm nói: “Con cá ngát rất khôn, chúng đào một hang để ở, nhưng có 2 hoặc 3 ngách để tránh kẻ thù, mỗi khi có động, nó thập thò trước cửa ngách rồi phóng ra như tên bắn để tẩu thoát”.

Qua hơn 1 tháng tìm hiểu đặc tính kẻ thù, ông lặn tìm được hang liền nhẹ nhàng dùng vợt lưới bịt các miệng hang, ngách. Rồi dùng cây đâm lia lịa vào các ngách phía trên, hai chân động loạn xạ vào miệng ngách. Vậy là cá ngát ở trong hang hoảng loạn vọt chạy và nhảy luôn vào vợt. Con cá đầu tiên ông bắt được khoảng 1kg. Từ những dụng cụ đơn giản ấy, với tài lặn tìm hang cá ngát trên những dòng sông rộng mênh mông, một mình một xuồng trải qua hơn nửa thế kỷ, trọn đời ông Năm gắn bó với cái nghề mà chưa mấy ai “bắt chước” được.

Năm 1975, ông Năm chuyển về Năm Căn (Cà Mau) sinh sống và tiếp tục cái nghề bắt cá ngát nước mặn. Nhưng ở Năm Căn nước mặn ông không thể lặn như vùng nước ngọt được nên chuyển sang bắt cá ngát bằng giềng câu.

Ông giải thích: “Dụng cụ làm giềng câu rất đơn giản, chỉ cần một cuộn chỉ dây milon cỡ 24 để làm dây cái và cuộn chỉ milon cỡ 16 dùng để làm dây nhợ đôm lưỡi câu. Giềng câu dài hay ngắn và số lượng lưỡi câu ít hay nhiều tùy ở người làm, nhưng thông thường khoảng 1.500m với 80 lưỡi câu. Làm giềng câu không phải ai cũng làm được, vì nó rất dễ bị rối dây lại, nhưng cũng rất đơn giản nếu ai có sự đam mê và tinh ý”.

Mồi câu cá ngát đơn giản chỉ là ốc lác. Khi đã chuẩn bị xong dụng cụ, người câu đợi con nước nhửng lớn thì dùng cây tre dài làm trụ để cột một đầu của giềng câu lại rồi thả giềng câu. Câu bằng giềng không chỉ riêng cá ngát mà còn rất nhiều loại cá khác bị mắc lưới như cá sửu, cá cóc, cá bông lau... Qua 12 tiếng, người câu có thể kéo lưới lên.

“Trong thời gian đợi cuốn lưới, mình phải tranh thủ tìm những đoạn sông cho là có nhiều cá để chuẩn bị cho chuyến câu tiếp theo. Thấy tui tối ngày lủi thủi trên sông nên bà con thường gọi tui là Năm Câu” - ông bộc bạch.

Sinh nghề tử nghiệp

Hơn 50 năm vật lộn với nghề, ông đã “săn” về hàng trăm tấn cá ngát bán cho các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây và TPHCM và loài cá này cũng đã để lại cho ông Năm những vết sẹo nhớ đời.

“Sát thủ cá ngát” U.90 - 2

Anh Lành khoe mình vừa câu được con cá ngát.

Kể về chiến tích của mình, ông Năm khoe: “Nhiều hôm tôi bắt được gần 50kg cá ngát. Tôi nhớ rất rõ cái ngày mà tôi bắt được con cá nặng 30kg, vòng thân cỡ 3 tấc, bán con cá mua được cả chỉ vàng”. Theo kinh nghiệm ông Năm, bãi cá ngát thường nằm sau một bờ đất sâu hoắm mà phía dưới là bãi bùn chạy dài, sâu chừng 6-8m. Con cá ngát sống ở nước mặn miệng lớn nhưng đầu dẹp, da vàng. Còn con cá ngát sống ở nước ngọt, mình trơn bóng, da đen mun, đầu tròn hơn cá nước mặn.

Hiện nay giá cá ngát rất cao, từ 110.000-150.000 đồng/kg, tùy cá lớn nhỏ. Nhà không đất vườn, nhờ săn cá ngát ông nuôi 11 đứa con khôn lớn. Hiện các con của ông đã có gia đình. Chỉ có cháu ruột của ông là anh Nguyễn Văn Lành (17 tuổi) đã theo ông bắt cá ngát trên sông và nhiều lần lao đao vì gai cá ngát.

Ông Năm chìa đôi bàn tay đầy vết thẹo cắt, đâm cho tôi xem rồi bảo: “Bị cá ngát đâm đấy. Đâm nhiều riết mà tôi quên đau luôn, mỗi lần nhìn nó là tôi nhớ thời oanh liệt trên sông của mình”. Sờ vào bàn tay ông, tôi chợt rùng mình khi tưởng tượng mỗi lần bị đâm, ông phải nằm đến mấy ngày. Để cho ngạnh cá ngát đâm không còn gây cảm giác đau thì ông đã trải qua những cơn đau nhức tới tận cùng, nỗi đau ấy giờ biến thành những cục chai sạn trên bàn tay. Đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, để bắt loài cá ngát thơm ngon có giá trị này, người ta có khi đánh đổi cả sinh mạng của mình.

“Năm tháng bồng bềnh theo con nước mưu sinh từ nguồn thủy sản do thiên nhiên hào phóng ban tặng, tôi đã tạo ra dụng cụ bắt cá từ thô sơ đến hiện đại. Cá thiên nhiên cũng đã đến hồi cạn kiệt. Một đời tung hoành sông nước cũng đến lúc nhường lại cho lớp trẻ” - ông Năm chia sẻ. Do số cá ngát trên sông ngày càng khan hiếm, cộng thêm với chính sách ngăn cấm đánh bắt của Nhà nước, nhiều người thế hệ ông Năm đã lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Nhưng lão ngư Năm Câu vẫn nhớ về những ngày săn cá ngát ngày xưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lý Kiều (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN