Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống

Đúng 16h35 ngày 19.12, nạn nhân đầu tiên đã chạy ra khỏi đường hầm. Thanh niên đó hét vang hai tiếng “ra rồi!”. Chỉ hai tiếng thôi nhưng nó đã phá tan không khí lạnh lẽo, buồn bã suốt nhiều ngày qua ở dưới chân núi Păng Tiêng.

Ra rồi!

Đúng 16h35, chúng tôi thấy một thanh niên chạy rất nhanh từ phía đường hầm về lán trại của các công nhân. Lên đến bờ đất cao, chúng tôi chỉ thấy anh hét lên một tiếng “ra rồi” và sau đó ngồi bệt xuống đất.

Một vài người  phụ nữ gần đó hỏi: “thật không?”. “Ra rồi!”, thanh niên này hổn hển nói. Sau này, chúng tôi mới biết đó chính là anh Phạm Viết Nam (1973- Nghệ An), một trong số 12 nạn nhân. Lúc đó không thể tả được khuôn mặt của anh đang thể hiện điều gì? Chỉ trong giây lát ngồi nghỉ, anh Nam chạy về phía hiện trường đón những người khác đi ra rồi lẫn trong đám đông.

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 1

Các nạn nhân được chuyển về lán trại

Ở phía cửa hầm, chúng tôi nhận thấy một dấu hiệu rất khác thường, lực lượng cảnh sát cơ động chạy rất nhanh đến cửa hầm phong tỏa. Chỉ trong giây lát, phía cửa hầm, các nhân viên cứu hộ khiêng chiếc cáng chạy rất nhanh để đưa một nạn nhân vào lán trại của các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dọc đường đi, các lực lượng cứu hộ nhanh chóng dọn dẹp chướng ngại vật để đưa người này vào. Tất cả diễn ra quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp nhận thấy đó phụ nữ. Chắc rồi! Đó là chị Đặng Thị Hồng Ngọc, quê ở Nghệ An, người mà suốt 4 ngày qua được nhiều người nhắc đến nhất.

Liền sau đó, những nạn nhân khác, người được cáng, người được bồng, người được dìu nhanh về các lán trại. Trên khu vực đó, không chỉ các phóng viênmà hàng trăm người cũng liền bật điện thoại để ghi lại cái khoảnh khắc vô cùng đặc biệt đó.

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 2 

Các công nhân được chăm sóc đặc biệt tại lán trại dã chiến

Do quá bất ngờ nên dường như công tác chuẩn bị để đưa các nạn nhân ra ngoài không được thực hiện đúng như các phương án đưa ra ban đầu.

Các cán bộ, chiến sĩ lập tức cởi áo để để giữ ấm cho các nạn nhân. Khi anh Trương Tuấn Việt (1984, Hà Nội), được dìu ra, tất cả những người có mặt ở hiện trường vỗ tay hét vang sung sướng. Nhưng trong lúc hàng trăm tiếng cười xé tan cái không khí buồn bã đến nghẹt thở suốt mấy ngày qua dưới chân đồi lạnh lẽo này thì cũng không ít nước mắt đang rơi.

Ngay phía sau chúng tôi, hai phụ nữ, một già một trẻ khóc vật vã. Họ đang cố lao vào thăm người thân của mình nhưng bị ngăn lại. Chúng tôi hiểu tâm trạng của họ nhưng tôi cũng hiểu việc ngăn họ lại là hết sức cần thiết ngay lúc này. Không vào trong được, họ liền bật điện thoại lên gọi cho người nhà, thông báo tình hình.

Không chỉ 2 phụ nữ này mà anh Nam, nạn nhân chạy ra ngoài trong tình trạng rất khỏe mạnh cũng như muốn bật khóc. 

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 3 
 Chuyển công nhân đến bệnh viện

 

Mặc dù rất bất ngờ nhưng do đã chuẩn bị từ đầu để đối phó với  những tình huống bất ngờ nhất nên việc sơ cứu các nạn nhân đã được thực hiện một cách nhanh chóng. Chỉ vài phút sau, đã có hai nạn nhân ổn định trở lại và được đưa ra bệnh viện. Chừng hơn 10 phút sau, 9 nạn nhân khác cũng được đưa đi. Chỉ còn lại mỗi chị Ngọc, do sức khỏe yếu hơn nên đến khoảng hơn nửa giờ sau mới được đưa ra bệnh viện để tiếp tục chăm sóc sức khỏe.

Sống rồi!

Có mặt tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nói như khóc: “Tôi thực sự sung sướng! Không có hạnh phúc nào lớn hơn lúc này!”. Ông Đặng Hồng Chiến, người nhà của chị Ngọc và các anh Phạm Viết Lành (1994), Phạm Viết Nam (1973) (đều ở Nghệ An) thét lên: “Sống rồi!”. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, người mà chúng tôi đã nhắc đến trong những bản tin trước, người đã may mắn thoát nạn thì như ngơ ngác. Chúng tôi không thể đoán được anh đang vui hay buồn. Chỉ đến khi anh nói: “Gần 4 ngày nay, tôi chưa một giờ ngơi nghỉ…Niềm vui đến quá bất ngờ khiến tim tôi như muốn vỡ ra”, chúng tôi mới biết những giọt nước mắt của anh rơi vì hạnh phúc.

 “Cảm giác sung sướng vỡ òa anh à. Vợ, anh trai và cháu trai tôi đã được cứu sống. Tôi vui lắm. Lực lượng cứu hộ lần lượt cứu vợ tôi  Đặng Thị Hồng Ngọc, anh trai Phạm Viết Nam và cháu trai Phạm Viết Lành cùng 9 đồng nghiệp của tôi”, anh Phạm Viết Bắc, quản lý lán trại trộn bê tông trong công trình thủy điện Đạ Dâng ở gần đó cũng chia sẻ niềm hạnh phúc với chúng tôi. Trong khi đó, phía ngoài hiện trường sập hầm, nhiều tốp công nhân, lực lượng cứu hộ tung hô, vỗ tay vui mừng.

 

Nhóm công nhân đang nấu thức ăn tiếp tế cho lực lượng cứu hộ, khi hay tin 12 nạn nhân được đưa ra ngoài vui mừng chạy nhanh ra bên ngoài ôm lấy nhau.

Ông Phạm Đình Hiếu, chỉ huy trưởng công trình, kể lại giây phút gặp anh Nam: “Nó chạy ra gặp tôi chỉ nói một câu: “Em chào sếp!”.

Binh nhất Hoàng Văn Thảo, lữ đoàn Công binh 293, Bộ Tư lệnh công binh C3, người đầu tiên, cho biết: “Khi đang đào thì tôi phát hiện phía bên kia lóe lên ánh sáng. Liền sau đó tôi hô vang: “Thấy rồi” và chúng tôi học tốc đào tới. Chỉ vài nhát đào nữa thì một lỗ hổng lớn xuất hiện. Nhìn qua bên kia, tôi thấy rất nhiều người. Bên trong tất cả đồng thanh: “Được cứu rồi”.

Theo dự tính, sớm nhất thì phải đến rạng sáng 20.12, các đơn vị cứu hộ mới có thể tiếp cận được các nạn nhân. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra! Nó xảy ra quá nhanh đến mức mọi điều chuẩn bị một cách rất kỹ càng trước đó đều trở nên ngớ ngẩn. Nhưng cũng chính cái bất ngờ ấy đã lập tức phá tan cái không khí lạnh lẽo, buồn bã suốt mấy ngày qua dưới chân núi Păng Tiêng.  

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 4

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 5

 
Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 6 

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 7

Sập hầm 12 người mắc kẹt: Khoảnh khắc tìm thấy sự sống - 8 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Hậu- Dương Thanh- Hoài Thu ([Tên nguồn])
Sập hầm thủy điện, 12 người mắc kẹt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN