Sắm máy đo ma túy cho CSGT

Theo đánh giá, việc tổ chức kiểm tra ma túy đối với tài xế xe khách đường dài mà Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện là cần thiết và nên duy trì thường xuyên.

Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an cho biết cơ quan này đã có kế hoạch mua thiết bị kiểm tra ma túy cho lực lượng CSGT các địa phương.

Tài xế sử dụng ma túy, chủ xe cũng bị xử lý

Theo đánh giá, việc tổ chức kiểm tra ma túy đối với tài xế xe khách đường dài mà Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện là cần thiết và nên duy trì thường xuyên. Trong luật, nghiêm cấm tài xế sử dụng chất kích thích (rượu bia, ma túy…) nhưng hiện CSGT mới chủ yếu kiểm soát được việc tài xế vi phạm nồng độ cồn vì xác định vi phạm về sử dụng ma túy rất khó khăn, phải có sự phối hợp của ngành y tế để kiểm tra thông qua việc lấy mẫu nước tiểu hoặc máu. “Thiết bị C67 mua về sẽ kiểm tra nước tiểu của tài xế để có cơ sở kết luận nhanh chóng những trường hợp bị nghi ngờ sử dụng ma túy nhưng vẫn điều khiển xe trên đường” - vị đại diện C67 nói.

Sắm máy đo ma túy cho CSGT - 1

Một tài xế đang chích ma túy ngay trên xe khách. Ảnh do PV chụp vào ngày 9/2/2010. Ảnh: Thành Đồng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (thay thế Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012) do Bộ GTVT xây dựng chưa quy định rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải có tài xế vi phạm là thiếu sót. “Giao xe nát cho tài xế vận hành, ép người lái phải điều khiển phương tiện quá 10 giờ mỗi ngày hoặc quá 4 giờ liên tục hay tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy… thì doanh nghiệp cũng phải bị xử lý” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, quy định hiện hành bắt buộc 6 tháng một lần, tài xế phải đi kiểm tra sức khỏe. Vì vậy, việc tài xế nghiện hút nhưng vẫn có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe thì rõ ràng Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm.

Sắm máy đo ma túy cho CSGT - 2

Sắp tới CSGT sẽ kiểm tra ma túy đối với tài xế xe khách. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết năm 2013, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thực hiện các chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ trên Quốc lộ 1, đồng thời kiểm tra và xử lý dứt điểm việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe khách. “Các thiết bị giám sát hành trình trên xe phải cung cấp được thông tin, hình ảnh về số lần mở cửa dọc đường, thời gian lái xe liên tục của một tài xế, lịch trình đi…”- ông Hiệp nói.

Nên kiểm tra định kỳ


Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho rằng việc kiểm tra ma túy phải được luật quy định vì nếu làm đại trà, tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến tài xế, gây hoang mang cho hành khách và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Trung, nên đưa nội dung kiểm tra này vào việc khám sức khỏe định kỳ tại các doanh nghiệp vận tải nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của tài xế và chủ doanh nghiệp trong việc tuyển chọn đầu vào.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM, việc thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra ma túy đối với tài xế là cần thiết. Do đó, trong kỳ họp giao ban về tình hình trật tự an toàn giao thông 3 tháng đầu năm, Ban ATGT TP sẽ đặt vấn đề này với các sở, ngành liên quan. “Để hạn chế tai nạn giao thông, không chỉ cần ý thức của tài xế mà chủ doanh nghiệp cũng phải thường xuyên theo dõi và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp tài xế có sử dụng ma túy, nhất là tài xế chạy các tuyến đường dài” - ông Tường nhấn mạnh.

Khó khăn vì lực lượng mỏng

Theo ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, trước đây một số địa phương cũng từng đề xuất thành lập đội kiểm tra tài xế sử dụng ma túy. Sắp tới, Ban ATGT tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc sử dụng ma túy của tài xế. “Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là lực lượng CSGT khá mỏng, trong khi chiều dài Quốc lộ 1A qua Bình Thuận là 180,5 km” - ông Thanh nêu thực trạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN