Rộn ràng bữa cơm tất niên xóm chạy thận

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Căn nhà trọ ba tầng với chục phòng nằm bên đoạn đường ray cũ từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở thành nơi trú ngụ của những bệnh nhân chạy thận của bệnh viện Đà Nẵng. Ngày giáp Tết, mọi người rủ nhau làm bữa cơm tất niên để những người “còn sức chiến đấu” với căn bệnh hiểm nghèo ngồi lại bên nhau…

Mừng vì còn được thấy nhau

Sau rằm tháng Chạp, vào ngày trời nắng ráo là mọi người cúng tất niên. Mỗi người góp một trăm ngàn đồng, ai khỏe thì đi chợ, nấu nướng, người mệt cứ ở nhà nghỉ ngơi. Khoảng sân xóm trọ chiều cuối năm rộn ràng, mọi người nhặt rau, cắm hoa, soạn mâm cúng, bên trong nghe tiếng chiên đồ ăn xèo xèo. Bà con nói thường ngày chỉ cần nấu một hai món cho qua bữa, hôm nay mới có dịp bày biện vậy. Mâm cơm tất niên dọn ra với mấy món giản đơn quen thuộc của người miền Trung: thịt gà bóp, thịt heo luộc, canh khổ qua, rau sống, bánh tráng… Trước bàn đặt thêm bình hoa và đĩa trái cây. Nén hương thắp lên, từng người chắp tay khấn vái, có lẽ điều họ mong cầu bây giờ chỉ là sức khỏe.

Xóm trọ có 17 người bệnh, đủ mọi lứa tuổi, chưa kể người nhà. Khuôn mặt ai cũng sạm đen rồi bạc phếch sau chuỗi ngày bị căn bệnh suy thận hành hạ. Trẻ tuổi nhất là anh Võ Duy Vinh (32 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), suốt 9 năm qua bị bệnh thận giày vò. Anh Vinh ở xóm trọ này 4 năm nay, năm nào cũng ăn tất niên cùng các cô chú. Năm nay thiếu cô H.N. (ở huyện Quế Sơn) và chú Q.H. (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), vừa mất hồi đầu năm. “Mình còn ngồi ở đây với nhau trong bữa cơm tất niên, còn thấy được mặt nhau là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ mong bữa cơm tất niên của những năm về sau nữa vẫn còn đủ người”, chị Nguyễn Thị Tám (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) ngậm ngùi.

Bữa cơm tất niên trong xóm chạy thận ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Bữa cơm tất niên trong xóm chạy thận ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Những người chạy thận hơn chục năm qua, như ông Dương Quang Sanh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chiêm nghiệm rằng còn được sống và gặp mọi người đã thấy mình may mắn. Bao lần tưởng chừng không trụ nổi như hồi dịch COVID-19 bùng phát, những lần huyết áp trồi sụt, mấy bận ngất xỉu giữa nhà… mà vẫn vượt qua. Ở giai đoạn cuối này, cơ thể mỗi người như tấm gỗ mục, xương, khớp, tim, phổi… đã rệu rạo hết rồi.

Phải khỏe, để tất niên bên gia đình

Chị Nguyễn Thị Hà (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) trầm tư kể nhiều năm qua không được ăn tất niên ở quê. Ba chị già yếu, mẹ ra Đà Nẵng làm thêm để chăm chị, đành phải nhờ dì cậu sang nấu cho ba bữa cơm tất niên cho ba đỡ tủi thân. “30 Tết tui mới được về nhà, mồng 2 ra chạy thận xong về lại, rồi mồng 5 đón xe ra chạy thận tiếp”, chị Hà trải lòng.

Chị Tám trải lòng chưa bao giờ thôi ao ước ấy. Năm 2014, chị bắt đầu chạy thận, đồng nghĩa với chừng ấy thời gian tha phương chật vật nơi đất khách. Năm nay 29 Tết chị sẽ về rồi cùng cả nhà cúng tất niên, vậy là có bữa cơm sum vầy trọn vẹn khép lại một năm. “Giờ phải cố gắng sống lạc quan, mạnh mẽ đương đầu với bệnh. Biết đâu những năm về sau mình khỏe hơn, được về Tết sớm thì còn được ăn cơm tất niên với gia đình dài dài, rứa là hết tủi thân thôi”, chị tự động viên mình.

Trên bức tường của xóm trọ dán đầy tranh vẽ với những dòng chữ động viên mọi người: “Xóm trọ nghị lực”, “Còn thở là còn gỡ”… Cả xóm dặn lòng, nhìn vào đấy mà sống. Biết sự sống của mình bây giờ mong manh và trong lòng thường trực nghĩ suy mình làm gánh nặng cho cả gia đình, nhưng ai cũng ôm hy vọng một ngày sẽ bớt ốm đau, được cận kề mẹ cha, con cháu, được về hít thở nơi mảnh đất thân thương của mình.

Cũng như chị Tám, những người bệnh khác còn “tham vọng” được về để gói bánh chưng, bánh tét, làm luống rau ăn Tết. Có người chỉ mong về sớm để gặp con cháu, nhìn chúng khoẻ mạnh, mỗi năm một khác. Đến sau mồng 5 Tết, xóm trọ sẽ đầy đủ mọi người, tiếp tục hành trình để nối dài sự sống.

Bữa cơm chiều cuối năm chưa xong thì những đoàn từ thiện tới liên tục để trao quà và tiền mặt cho người bệnh. Từng hộp bánh, gói mứt đem không khí Tết về tận xóm trọ. Những cái ôm, siết tay của người xa lạ làm người bệnh ấm lòng khi được sẻ chia, đồng cảm. Mọi người kể năm nào gần Tết, những tấm lòng vàng cũng gõ cửa từng phòng. Nhờ vậy mà họ có thêm ít tiền mang về quê ăn Tết, đóng tiền trọ. Bệnh viện Đà Nẵng cũng đang nỗ lực kết nối với các đoàn từ thiện để giúp đỡ các bệnh nhân suy thận và tổ chức chuyến xe 0 đồng đưa người bệnh về quê ăn Tết vào ngày 26, 27 tháng Chạp.

Nguồn: [Link nguồn]

Không có quy định địa giới hành chính cụ thể nào nhưng cái tên “xóm chạy thận” vẫn cứ được nhiều người dân thủ đô gọi và đã trở nên thân quen với nhiều người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THANH TRẦN ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN