Quyền Tổng Giám đốc trẻ tuổi được bà Trương Mỹ Lan trả lương, thưởng “khủng”, cho cổ phần trị giá cực lớn

Biết các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng do được trả lương, thưởng và cho tiền, cổ phần có giá trị rất lớn nên Trương Khánh Hoàng đã thực hiện hành vi sai phạm, giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP). Cáo trạng thể hiện, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết). Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Bà Trương Mỹ Lan và bị can Trương Khánh Hoàng

Bà Trương Mỹ Lan và bị can Trương Khánh Hoàng

Trong thời gian từ năm 2012 tới tháng 10/2022, bà Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85%-91,5% cổ phần) qua đó trở thành cổ đông có quyền lực chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động Ngân hàng SCB.

Để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, bà Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB như Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng Ban kiểm soát. Một trong số đó là Trương Khánh Hoàng (SN 1986, tại TP.HCM) – bị can bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo khoản 4, điều 353, Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Hoàng làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, với các chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó Tổng Giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp và quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB (từ 15/5/2021 đến 12/8/2022).

Trong thời gian làm việc tại Ngân hàng SCB, Trương Khánh Hoàng tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp Hội sở của Ngân hàng SCB theo triệu tập của bà Lan. Trong đó, bà Lan chỉ đạo việc cho vay, về số luợng tiền cần giải ngân và thời gian cần giải ngân, tài sản đảm bảo là gì, giải ngân tiền giao cho ai.

Bà Lan còn trực tiếp hoặc chỉ đạo người thân, nhân viên VTP... gọi điện thoại chỉ đạo Hoàng với nội dung tương tự như nội dung trong cuộc họp với lãnh đạo cấp hội sở của Ngân hàng SCB.

Sau khi nhận thông tin từ Lan, Hoàng trao đổi với Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) để chỉ đạo và giao cho các bộ phận chuyên môn (khối tái thẩm định, phê duyệt tín dụng...) thực hiện hồ sơ vay và trình lên Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) phê duyệt.

Sau đó các lãnh đạo cấp hội sở sẽ triển khai phương án vay, triển khai chi tiết các bước thực hiện cho các cấp dưới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân cho kịp thời gian bà Lan ấn định rồi sau đó mới hợp thức hồ sơ tài sản đảm bảo.

Đối với các khoản vay của bà Lan thì không có bộ phận kiểm tra vốn vay mà việc này do Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo cấp dưới theo dõi, khi đến hạn thì họ tự phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để làm các thủ tục, phương án để trả gốc, lãi hoặc tất toán khoản vay.

Theo kết luận của cáo trạng, Trương Khánh Hoàng với các vai trò tại Ngân hàng SCB đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền từ SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 1/12/2021, Hoàng đã ký hợp thức cho 386 khoản vay tại Ngân hàng SCB để giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 182.842 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh hơn 65.004 tỷ đồng.

Mặc dù biết rõ các khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng do được trả mức lương rất cao từ 130 triệu đến 500 triệu đồng/tháng, vào các dịp lễ hoặc tết còn được bà Lan thưởng nhiều lần (tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng) nên Hoàng đã thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức tích cực cho bà Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.

Số tiền được Lan cho, Hoàng sử dụng 3 tỷ đồng mua cổ phiếu SCB, số tiền 2 tỷ đồng còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngoài ra, Hoàng còn được bà Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng) vào năm 2021 và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỷ đồng theo mệnh giá) vào tháng 7/2022, số cổ phần này Hoàng để vợ và bố mẹ vợ đứng tên.

Theo cáo trạng, Hoàng là một trong số các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như thể hiện ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phối hợp, tích cực hợp tác giúp cơ quan tố tụng điều tra làm rõ bản chất vụ án và xin nộp lại 9,85 triệu cổ phần tại Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả.

Điều 353. Tội tham ô tài sản

Khoản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

...

Khoản 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Khoản 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được cháu ruột Trương Huệ Vân giúp sức thế nào?

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cháu ruột Trương Huệ Vân cho thành lập các công ty “ma”, thông đồng với nhân viên Ngân hàng SCB lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN