Quỹ vaccine địa phương vẫn còn nguyên, đề nghị rút về ngân sách Trung ương

Sự kiện: Thời sự

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội đề nghị nghiên cứu rút quỹ vaccine tại các địa phương vẫn còn nguyên về ngân sách Trung ương.

Một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững

Sáng nay (11/5), tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng thu NSNN năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), tăng 202,923 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao năng lực phân tích, dự báo các nguồn thu để tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng dự toán thu NSNN những năm tiếp theo. Bởi công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa sát thực tiễn. Nhiều khoản thu tăng rất cao so với dự toán; nhiều khoản thu chưa được dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng vượt dự toán ở mức cao.

Ngoài ra, một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững. Chính sách hoàn thuế từ nguồn nguồn ngân sách trung ương còn bất cập; số hoàn thuế GTGT cao hơn 17,8% so với dự toán và cao hơn số báo cáo Quốc hội khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý thu ngân sách còn hạn chế. Nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cơ quan thuế đã tăng cường triển khai các giải pháp đôn đốc, xử lý nợ thuế để bảo đảm thực hiện nghiêm pháp luật về thuế, song tình trạng thất thu thuế do buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá trên một số lĩnh vực vẫn còn biểu hiện phức tạp, kéo dài nhưng chậm khắc phục.

Thứ năm, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu, còn nhiều khó khăn. Tình hình thực hiện thu từ nguồn cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp mặc dù tăng so với số đã báo cáo Quốc hội song vẫn đạt rất thấp so với dự toán. Điều này cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt.

Có địa phương chi không đúng mục đích quỹ vaccine phòng chống Covid-19

Đánh giá thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2021, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách lưu ý, về chi đầu tư, ước thực hiện giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh số vốn trong nước giải ngân khá tốt thì việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Mặc dù tổng chi thường xuyên tăng 1,7% so với dự toán nhưng chi giáo dục - đào tạo, dạy nghề và chi khoa học công nghệ lại không đạt dự toán được giao. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng phân bổ chậm hoặc phân bổ không đúng đối tượng, theo đó phải thực hiện cắt, giảm chi thường xuyên do không có khả năng thực hiện.

Về chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19, một số chính sách được Quốc hội ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Công tác quản lý, sử dụng nguồn lực còn nhiều bất cập, còn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; đấu thầu, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công liên quan đến công tác phòng chống dịch, gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin trong nhân dân.

Mặc dù một số trường hợp đã bị xử lý, song chưa đánh giá cụ thể những thất thoát, lãng phí đã xảy ra. Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Báo cáo của Chính phủ về chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 mới chỉ liệt kê những chính sách đã ban hành và các khoản chi, chưa đánh giá hiệu quả của NSNN chi cho công tác này.

Đề nghị Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn nội dung này, làm rõ tổng mức NSNN bố trí cho công tác phòng dịch, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, ban đầu, gần như tỉnh nào cũng có tài khoản để vận động gây quỹ vaccine phòng Covid-19.

Song khi xác định dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh), nên ngân sách Trung ương đảm bảo.

“Toàn bộ ngân sách Trung ương chi cho quỹ vaccine được phân phối về các địa phương. Do đó, quỹ vaccine tại các địa phương vẫn còn nguyên. Trong khi một số địa phương thực hiện đúng, chưa chi quỹ vaccine, để nguyên; có địa phương lại chi không đúng mục đích. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để có thể rút về quỹ vaccine về ngân sách trung ương vì các địa phương không có nhiệm vụ chi quỹ này”, ông Cường nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc hội  đồng ý bổ sung ngân sách 14.620 tỉ đồng để phòng, chống dịch Covid-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương số tiền 14.620 tỉ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô - Trang Trần ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN