“Quét vôi lại Văn Miếu để thu hút du khách”

Sự kiện: Thời sự

Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu khẳng định, di tích không sơn mới, mà chỉ quét một lớp vôi sữa truyền thống.

“Quét vôi lại Văn Miếu để thu hút du khách” - 1

Nhiều du khách bất ngờ khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám "khoác màu áo mới" 

Như tin đã đưa, thời gian gần đây, nhiều du khách đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) bất ngờ vì công trình di tích quốc gia đặc biệt nghìn năm được làm mới như vừa xây dựng 1 năm.

Từ khu vực cổng Đại Trung Môn, giếng Thiên Quang đến bia tiến sĩ, khu nhà thờ đều được phủ một lớp sơn mới màu xám trắng. Thông tin trên đã khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua.

Chiều 10/1, trao đổi với PV, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu, đây là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của các di tích, trong đó có khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đồng thời, việc làm này cũng xuất phát từ ý kiến của du khách đến tham quan phản ánh tình trạng xuống cấp của Văn Miếu, ảnh hưởng đến mỹ quan, kết cấu bên trong. Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu khẳng định chỉ quét vôi truyền thống, không sử dụng sơn, hóa chất.

“Mục đích của việc vệ sinh kết cấu gỗ, quét vôi để Văn Miếu sạch đẹp, hấp dẫn và thu hút du khách hơn. Nếu du khách nhìn kỹ hạng mục kết cấu gỗ sẽ thấy trước và sau xử lý khác một trời một vực, sáng rực lên. Trước tiên, nơi thờ cúng phải trang nghiêm, sạch sẽ. Quét vôi chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch bảo tồn di tích”, ông Kiêu nói.

“Quét vôi lại Văn Miếu để thu hút du khách” - 2

Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu khẳng định không sơn lại, chỉ quét vôi truyền thống để bảo tồn di tích. 

Trước băn khoăn về màu mới làm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mất đi vẻ cổ kính, rêu phong vốn có, ông Kiêu khẳng định đó là "màu gốc của di tích”. “Quét vôi xong còn phụ thuộc vào thời tiết, khả năng đợt mưa xuân sắp tới, công trình lại rêu mốc”.

Ông Kiêu cho hay, công việc bảo tồn di tích lần này đã được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, được Viện Bảo tồn di tích Quốc gia tư vấn, thực hiện.

“Chúng tôi không sáng tạo ra việc này để tiêu tiền của Nhà nước, kinh phí quét vôi không đáng bao nhiêu và được trích từ quỹ của Trung tâm”, ông Kiêu nói.

Trước đó, trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu thông tin, hiện trạng của Văn Miếu tất cả đá, gỗ, tường gạch đều bị phủ rêu phong, nấm mốc, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến công trình. “Nhân viên của Viện Bảo tồn di tích đang tẩy rửa toàn bộ, quét lớp sơn chứa hóa chất chống rêu mốc. Các chuyên gia bảo tồn sẽ phủ lại một lớp sơn màu trầm, Văn Miếu sẽ trở lại vẻ cổ kính như cũ”, bà Tám nói.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, thời vua Lý Thánh Tông, nơi thờ Khổng Tử và là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Tháng 3.2010, 82 tấm bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, 82 bia tiến sĩ lại tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2013, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định – Hồng Phú ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN