Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất

Chúng tôi trở lại vùng tâm chấn động đất huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sau khi 7 đợt rung chấn xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 10 tiếng đồng hồ. Mọi thứ đều đảo lộn, nhất là tâm lý hoang mang, lo ngại của người dân và cấp chính quyền tại đây.

Không còn nước miếng để… kêu gào

Tiếp xúc với người dân tại vùng tâm chấn xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, thị trấn Trà My (Quảng Nam)… có thể cảm nhận một tâm lý hoang mang, lo lắng bao trùm. Một khi động đất xảy ra ngày càng nhiều, càng tăng về cường độ, thì những bất an về “số phận” con đập Sông Tranh 2 với túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu… vẫn còn ám ảnh người dân.

“Mấy trận động đất trước nhỏ, nhưng bà con tui thấy đỡ lo vì có đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh vào kiểm tra. Còn bây chừ, động đất mạnh hơn, nhà cửa thì nứt, chẳng thấy ai ra vào để bà con tui còn có chỗ dựa tinh thần.

Mấy ngày ni chỉ thấy mấy đoàn công tác của huyện lên kiểm tra rồi về, chẳng thấy nói năng chi. Bà con tui thấy cô độc quá chú à…” - cụ Hồ Văn Tuấn, nhà ở thôn 3, xã Trà Đốc kể trong lo lắng.

Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất - 1

Nhiều nhà tái định cư ở thôn 3 Trà Bui bỏ hoang vì chủ nhà lo sợ động đất đã vào rừng dựng lều sinh sống

Còn bà Hồ Thị Liên, nhà ở thôn 2, xã Trà Bui bày tỏ: “Bà con tui ở đây hoang mang và cô độc lắm chú ơi! Nói có chính quyền ở bên dân, nhưng cũng chẳng làm được chi ngoài việc động viên tinh thần là bảo không sao đâu. Cứ yên tâm rồi động đất sẽ hết. Nhưng đâu có hết mà ngày càng dồn dập...”.

“Suốt cả năm động đất liên miên, bà con tui ở đây có làm ăn chi được mô. Ngủ cũng không yên. Bởi nhà xây không kiên cố cứ sợ động đất sập nên không dám ngủ trong nhà. Mùa mưa lạnh đến rồi, động đất liên tục kiểu ni, không biết rúc chỗ mô để trú thân…” - Ông Hồ Văn Hùng nhà ở thôn 8, xã Trà Tân trăn trở.

Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất - 2

Các em học sinh mẫu giáo ở trường thôn 3 Trà Bui vẫn chưa hết hoảng sợ vì động đất trưa ngày 23/9

Nhiều câu chuyện kể của người dân nghe mà xót xa lòng. Họ bảo trước khi triển khai thủy điện Sông Tranh 2, cán bộ dưới tỉnh và ban Quản lý thủy điện 3 lên họp dân tuyên bố hùng hồn: “Xong thủy điện Sông Tranh 2 bà con ở Trà My không còn nước miếng đếm tiền”(?).

Còn bây giờ thủy điện đã xong, xảy ra động đất liên tục, bà con Trà My lại bảo họ rằng: “Tụi tôi đúng là không còn nước miếng thật, do phải kêu gào suốt hơn 1 năm nay, khô cả họng rồi…”.

Chưa tích nước thủy điện: giảm nỗi lo cho dân

Ngay tại cuộc họp khẩn sáng nay (24/9), Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong nhắc tới việc “cần làm ngay” là cán bộ, đảng viên phải xuống cùng ăn, cũng ở và chia sẻ với người dân vùng động đất.

“Có như vậy, chúng ta mới cùng người dân vượt qua nỗi hoang mang lo lắng lúc này” - vị chủ tịch chỉ đạo.

Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất - 3

Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất - 4

Người dân bỏ nhà vì sợ động đất

Ông Phong nói, với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương không bao giờ bỏ mặc người dân cô độc giữa vùng động đất.

“Thẩm quyền và sức người của chúng tôi chỉ đến vậy. Chúng tôi đã có hàng trăm văn bản báo cáo, đơn kiến nghị trong hơn 1 năm từ khi trận động đất đầu tiên xảy ra gửi các cơ quan chức năng ở tỉnh. Nhưng khổ nỗi, tỉnh cũng phải tiếp tục kêu lên TW. Chúng tôi chẳng làm được gì hơn ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân bình tĩnh chờ giúp” - ông Phong thẳng thắn.

Ông Phong cho biết, chuyện hồ chứa Sông Tranh 2 phun trào nước, rồi khắc phục xong, huyện cũng kiên quyết xin chưa cho tích nước để kiểm tra động đất và xác định đập Sông Tranh 2 có tuyệt đối an toàn hay không. Cuối cùng tiếng kêu của bà con cũng thấu được trên và Chính phủ chưa cho tích nước.

Quảng Nam: "Cô độc" giữa miền động đất - 5

Nhiều vết nứt xuất hiện sau động đất ở các trường học và nhà dân

"Chuyện người dân hoang mang lo lắng sau động đất là có thật. Bởi cảnh trên ti vi động đất xảy ra là chết chóc, là nhà sập. Nhưng các trận động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua chưa xảy ra cảnh đó, vì vậy bà con đã quen dần với động đất… Ngay việc chưa cho phép đập thủy điện tích nước phần nào làm người dân yên tâm hơn" - ông Phong nhận định.

Về việc này, ông Nguyễn Xuân Hóa, ngụ tại thôn 6, xã Trà Tân nhận xét: “Cũng may chưa cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2, nên bà con mừng và đỡ lo. Trưa hôm qua xảy ra các trận động đất liên tiếp, nhà lại rung nhưng cứ nhìn lên cái đập to đùng "treo" trên đầu, thấy chưa tích nước nên yên tâm đập sẽ không bị vỡ vì dư chấn…”.

Còn theo ông Huỳnh Tấn Sâm, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, việc Chính phủ chưa cho tích nước là hợp lòng dân. Ông Sâm cho rằng, công trình này có quá nhiều vấn đề và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa khôn lường và sẽ không có cơ hội khắc phục, sửa sai.

“Tôi tin là trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục có những quyết định đúng đắn, sáng suốt về công trình thủy điện này cũng như tìm nguyên nhân động đất và có biện pháp khắc phục để yên dân" - ông Sâm mong mỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Trung (Vietnamnet)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN