Quân đội có 3 vị trí mang quân hàm đại tướng

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Quốc phòng có 3 vị trí cấp hàm đại tướng.

Ngày 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với đa số đại biểu tán thành.

Quân đội có 3 vị trí mang quân hàm đại tướng - 1

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Luật, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (đại tướng) được áp dụng với 3 vị trí: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định này là kế thừa Luật Sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn nữa, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ nguyên như dự thảo Luật - Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm đại tướng bằng Bộ trưởng Quốc phòng.

Cũng theo Luật, trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là trung tướng.

Theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an ở địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện phải bằng nhau. Theo đó, Tư lệnh, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo quy định số 28 của Bộ Chính trị có phần về việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành các khu vực phòng thủ vững chắc theo tình hình mới trong đó có lực lượng công an nhân dân.

Tại phiên họp ngày 6/11/2014, đa số đại biểu đồng ý với đề xuất là trần quân hàm của Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh là trung tướng, vì vậy quy định trần quân hàm trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, có ý kiến của đại biểu cho rằng chỉ nên quy định cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính phủ Bộ tư lệnh TP. Hồ Chí Minh là thiếu tướng để không mâu thuẫn với Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7 cũng có trần quân hàm là trung tướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mối quan hệ giữa Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Sĩ quan hiện hành: Trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng cấp hàm bằng hoặc thấp hơn sĩ quan thuộc quyền thì sĩ quan có chức vụ cao hơn là cấp trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN