Phó Thủ tướng: Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên trời và dưới đất

Sự kiện: Thời sự

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) ùn tắc cả trên không, dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài, đe dọa an toàn, an ninh hàng không.

Sáng 10-1, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.

Đánh giá về tình trạng ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), tình hình ùn tắc đang đe dọa an toàn, an ninh hàng không.

Phó Thủ tướng: Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên trời và dưới đất - 1

Dòng xe nối đuôi nhau “nằm chết” trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP HCM) trưa 9-1 - Ảnh: GIA MINH

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch thực hiện đầu tư nhưng còn bất cập. Quy hoạch cảng hàng không so với kinh tế lạc hậu, dự báo không chính xác dẫn đến quá tải và phải điều chỉnh quy hoạch.

“Nhiều cảng hàng không đã quá tải, đặc biệt là cảng hàng không Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên không, dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài” - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Riêng với sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu ngày 15-1 tới đây phải báo cáo Chính phủ quy hoạch mở rộng nâng cấp cảng hàng không sân bay, phải làm thêm 1 đường lăn, 2 nhà ga và sắp xếp lại khu vực các nhà ga đó, tăng hệ thống bến đỗ, đầu tư hệ thống giao thông kết nối bên ngoài chủ yếu dùng vốn xã hội. Sau đó, có kế hoạch để xác định rõ các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nào (vốn Nhà nước và xã hội hóa) để năm 2018 xong và đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng cho rằng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng, vì vậy lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không. Cùng đó, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo khả thi sân bay quốc tế Long Thành để sau năm 2020 đầu tư và năm 2025 đưa vào sử dụng.

Với giao thông đô thị, Bộ GTVT cho biết năm 2016, tại Hà Nội nhiều công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác, vận hành các tuyến xe buýt, xe buýt nhanh, xe kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, điều chỉnh một số tuyến vận tải hành khách, không để xe chạy xuyên qua trung tâm thành phố. Ở TP HCM, đã thực hiện giải pháp tổ chức giao thông kết nối vào Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giải quyết thoát nước chống úng ngập sân bay…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra quan điểm về việc càng đầu tư hạ tầng tập trung vào một khu vực thì càng ách tắc nhiều, bởi phương tiện cá nhân tăng lên mà hạ tầng giao thông không đảm bảo. Khi xe cá nhân như ô tô gia tăng mà kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đầy đủ và xu hướng dịch chuyển dân số ngoại ô vào trung tâm tạo ra áp lực vô cùng lớn. Đây là bài toán nan giải trước mắt và lâu dài, cần phải tháo gỡ.

“Ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng trầm trọng tại Hà Nội và TP HCM. Muốn giải quyết triệt để ùn tắc giao thông thì cần giảm dân số dịch chuyển vào trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm nhưng có dịch vụ đầy đủ để thu hút người dân đến ở, tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống” - Phó Thủ tướng nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN