Phó bí thư gật đầu thì người chết mới có đất chôn
Đây là phản ánh của người dân xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về sự việc đau lòng đã từng xảy ra trên địa bàn. Nguyên nhân của việc này là do quản lý đất đai trên địa bàn bị buông lỏng nhưng hàng chục năm nay chưa có lời giải từ chính quyền cấp xã, huyện.
Đất nghĩa trang nằm trong sổ đỏ của Phó Bí thư xã
Người dân xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn cho biết, phần lớn đất đai trên địa bàn là đất lâm, nông nghiệp. Theo tập quán canh tác của địa phương, người dân khai hoang được vùng đất nào thì tiến hành canh tác trên vùng đất đó.
Đến cuối những năm 1990, nhà nước thực hiện giao đất giao rừng, đồng thời thực hiện các chương trình trồng rừng dưới sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Nguồn gốc đất được chia là đất do dân khai hoang.
Từ thời điểm đo đạc để chia đất, người dân xã Liên Sơn đã thấy có dấu hiệu bất thường. Một số khu đất lâm nghiệp vốn là đất canh tác của dân đều được chụp, đo và sau đó nằm trong diện tích sổ đỏ của ông Nguyễn Mạnh Tín, trước đây là kế toán của Hợp tác xã, sau đó làm Chủ tịch xã và hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liên Sơn.
Người dân xã này cho rằng, cuộc sống bao đời nay của họ vốn mang đậm tính chất làng xóm, dân trong xã vốn hiền lành, thêm vào đó, đất đai mênh mông nên không ai có ý kiến gì về vấn đề bất thường nêu trên.
Tuy nhiên, khi sổ đỏ được cấp thì vấn đề bất cập mới nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cả người sống lẫn người chết trên địa bàn một số thôn của xã Liên Sơn.
Phản ánh của người dân xã này cho biết, khi sổ đỏ được cấp cho hộ ông Tín, phần đất được cấp sổ đỏ nằm giáp ranh với khu nghĩa địa vốn là nơi yên nghỉ từ cả trăm năm nay của người dân xóm Xum và hộ ông Tín không đồng tình cho người dân được đào huyệt, chôn người chết ở khu vực đất này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tín, Phó Bí thư Thường trực xã Liên Sơn cho biết, phần đất lâm nghiệp có nghĩa trang được cấp sổ đỏ cho gia đình ông từ năm 1997-1998.
Ông Lưu Hữu Toán, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn khẳng định việc dân tố việc họ từng bị ngăn cấm khi chôn người chết ở khu nghĩa trang của xóm Xum là có thật. Ảnh TG
Lúc này ông Tín đang là kế toán viên của Hợp tác xã. Phần nghĩa trang được cho nằm trong diện tích đã được cấp sổ đỏ cho ông Tín là nơi chôn cất từ bao đời nay của người dân xóm Xum.
Ông Tín cho rằng, người dân tự ý vào chôn người chết vào phần đất của ông. Ông phủ nhận việc ngăn cản không cho người dân chôn người chết vào phần đất này. “Tại sao không chôn vào đất xung quanh?” – ông Tín đặt câu hỏi.
Trái ngược với trả lời của ông Tín, ông Lưu Hữu Toán, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn khẳng định việc người dân tố việc họ bị ngăn cản khi chôn người thân đã mất vào khu vực đất nghĩa trang của thôn vốn được cho là đất lâm nghiệp nhà ông Tín là có thật. Khi người dân đào huyệt thì gia đình ông Tín lên ngăn cản.
“Năm 2011, tôi đã phải gặp và nói chuyện trực tiếp với anh Tín rằng anh không được làm như thế. Phần đất nghĩa trang nằm gần với phần đất lâm nghiệp được cấp sổ đỏ cho ông Tín, gia đình ông ấy làm lan ra vào đất nghĩa trang. Sau khi xã có ý kiến thì ông ấy mới thả cho dân được chôn người đã mất vào khu nghĩa trang này” – ông Toán nói.
Người dân xóm Xum, xã Liên Sơn cho rằng, họ nhắc lại sự việc đau lòng này bởi hiện nay, tình trạng đất công được “hô biến” thành đất tư trên địa bàn diễn ra từ lâu đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Việc nghĩa trang của thôn bỗng dưng được cấp sổ đỏ hay hộ dân được cấp sổ đỏ “lấn chiếm” sang đất nghĩa trang cần phải được làm rõ. Nếu đúng đất nghĩa trang nằm trong sổ đỏ lâm nghiệp của nhà ông Tín thì việc cấp sổ có đúng quy định?
Trưởng công an xã sở hữu hồ thủy lợi trong 50 năm?
Cách khu nghĩa trang và khu đất lâm nghiệp của nhà ông Tín một quả đồi là khu hồ thủy lợi Hổ Giang (xóm Xum, xã Liên Sơn). Theo phản ánh của người dân xóm Xum, trước đây, hồ này là đất trồng lúa của dân. Một bên là vách núi, bên còn lại là sườn đồi.
Giữa vách núi và sườn đồi là con suối nhỏ, từ trong vách núi có một hang nước chảy ra quanh năm. Để tích nước tưới tiêu cho đất nông, lâm nghiệp, được sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ, cuối những năm 1990, người dân xã này đã đắp đập, ngăn suối tạo hồ.
Người dân trong xóm Xum, người thì bỏ sức, nhà thì đóng tiền để ngăn đập xây hồ. Hồ xây xong các hộ dân trong xóm được thay nhau đấu thầu luân phiên để nuôi cá.
Sau đó, đến năm 1996, quyền khai thác hồ được chuyển về cho ông Bùi Văn Chúc, ông Chúc hiện đang là Trưởng công an xã Liên Sơn. Anh Hồ Quốc Bình, xóm Xum, xã Liên Sơn cho biết, ông Chúc tiếp quản hồ qua hình thức “gán nợ” của Hợp tác xã với thời hạn 50 năm.
Hồ thủy lợi Hổ Giang thành hồ câu của Trưởng công an xã và con trai Phó bí thư xã Liên Sơn. Ảnh T.G
Về việc gán nợ, ông Lưu Hữu Toán, Chủ tịch xã Liên Sơn cho biết, trước đây Hợp tác xã có vay tiền của anh em nhà ông Chúc. Ông Chúc cũng là anh em với nhà ông Nguyễn Mạnh Tín. Sau đó Hợp tác xã mất khả năng trả nợ và “gán” hồ thủy lợi cho ông Chúc theo hình thức đấu thầu dài hạn.
Cùng với việc đất nghĩa trang bị ngăn cấm, việc “hô biến” tài sản công là hồ thủy lợi Hổ Giang thành tài sản riêng dài hạn cho gia đình trưởng công an xã đã khiến người dân xã Liên Sơn bất bình. Việc “tư nhân hóa” hồ thủy lợi thể hiện qua việc nhà ông Chúc đã cho xây cổng sắt kiên cố ngăn không cho người dân đi qua đập của hồ để lên núi.
Và mới đây, hồ thủy lợi Hổ Giang được biến thành hồ câu cá và người tiếp quản hồ câu này là anh Nguyễn Duy Hưng, con trai ông Nguyễn Mạnh Tín.
Trước việc tư nhân hóa nghĩa trang và hồ thủy lợi nêu trên, ông Lưu Hữu Toán, Chủ tịch xã Liên Sơn cho biết, việc dân đòi hồ thủy lợi là đúng. Tuy nhiên, việc Hợp tác xã gán nợ là do lịch sử để lại. Nếu bắt ông Chúc trả hồ thì tiền Hợp tác xã vay gia đình ông Chúc ai trả?
Việc gia đình ông Chúc tự ý xây cổng, bịt đường đi của dân đã bị xã lập biên bản. Và để giải quyết tình trạng này, UBND xã Liên Sơn sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến của UBND huyện Lương Sơn. Khi huyện có hướng dẫn, chỉ đạo thì xã sẽ thực hiện.