Phí chung cư: Nỗi khiếp sợ của dân

“Mỗi cái chỗ để xe mà thu của người dân những 2,5 triệu một tháng, ngang bằng tháng lương công chức”.

Phí gửi xe bằng lương công chức

Trước cổng khu chung cư số 151 Thụy Khuê (Hà Nội), chiều ngày 24/1, chủ đầu tư cho lực lượng bảo vệ chặn ô tô của những cư dân chưa đóng đủ phí vào trong tầng hầm. Tranh cãi lớn đã xảy ra, lực lượng chức năng phải can tiệp để giữ trật tự khu vực và giải tỏa giao thông.

Đại diện cho ban quản lý, ông Lưu Minh Đức cho biết, nguyên nhân do phí đỗ xe tăng lên 2,5 triệu đồng, thay cho mức cũ là 1 triệu đồng/tháng. Những cư dân tại tòa nhà Golden Westlake không chấp thuận bị chủ đầu tư chặn đường. Có khoảng hơn 150 chủ nhân của những chiếc ô tô có quan điểm không thống nhất với chủ đầu tư. Tối ngày 24/1, Ban quản lý bố trí được 40 chỗ để ô tô xung quanh tòa nhà. Tối 25/1, ban quản lý sẽ bố trí thêm 40 chỗ để xe nữa. Số xe ô tô còn lại phải “ra đường” hoặc đi gửi chỗ khác.

Theo ban quản lý chung cư, tầng hầm là tài sản của chủ đầu tư Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing nên họ có quyền kinh doanh. “Chúng tôi là những người đứng giữa, do chủ đầu tư thuê làm quản lý, nên phải hài hòa lợi ích của hai bên. Thời điểm tết sắp đến, chủ đầu tư sẵn sàng đồng ý để  dân ra tết mới phải nộp tiền, nhưng ngay bây giờ phải cam kết đồng ý. Nhưng dân cương quyết không chịu nộp mức phí mới, chủ đầu cư thì dứt khoát nên chúng tôi rất khó xử”, ông Lưu Minh Đức nói.

Phí chung cư: Nỗi khiếp sợ của dân - 1

Phí chung cư là nỗi khiếp sợ của cư dân

Anh Thanh Nam, cư dân chung cư 151 Thụy Khuê bức xúc bày tỏ: “Mỗi cái chỗ để xe mà thu những 2,5 triệu một tháng, ngang bằng tháng lương công chức. Đã vậy, phí quản lý chung cư cao hơn 4,5 lần mức trần của UBND Thành phố Hà Nội, chúng tôi lấy gì mà ăn”. Ông Lưu Minh Đức cũng thừa nhận, phí quản lý hiện tại ở đây là 18.000 đồng/m2/tháng. Trong khi đó, mức trần cao nhất của Hà Nội là 4.000 đồng.

Tại tòa nhà Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) chị Nguyễn Thị Mai phải chi phí dịch vụ 16.500 đồng/m2/tháng cho căn hộ 120 m2. Mức phí này cao gấp hơn 4 lần giá trần của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ không xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Sở hữu những căn hộ giá cao ngất ngưởng, cứ tưởng là “ngon” nhưng lại rơi vào cuộc tranh chấp triền miên. “Chúng tôi muốn bán lại căn chung cư lúc này cũng khó, bởi kiện cáo triền miên nên không khách nào muốn “nhảy” vào”, chị Mai nói.

Ông ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành lý giải nguyên nhân tranh chấp là do chủ đầu tư sau khi bán căn hộ muốn giữ lại phần quản lý để thu lợi thêm. Ban quản lý tòa nhà không trực tiếp điều hành, mà ký hợp đồng với một công ty quản lý dịch vụ nên giá đội lên cao. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lại cho rằng, nguyên nhân chanh chấp bởi chủ đầu tư không công khai được chi phí vận hành tòa nhà. Người dân mất lòng tin vào chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng mức giá trần để áp dụng dẫn đến nhiều bên cố tình hiểu đây là mức cao nhất được thu mà không tính đến yếu tố chất lượng.

Chủ đầu tư nên buông

Trải qua quá trình kinh doanh chung cư nhiều năm, Giám đốc Nguyễn Văn Đực, rút ra kinh nghiêm: “Tốt nhất chủ đầu tư không nên trực tiếp quản lý chung cư vì dễ gây tai tiếng, và bị khiếu kiện. Chủ đầu tư cũng không nên khai thác thêm lợi ở chung cư, mà nên chuyển toàn bộ bộ ban quản trị. Doanh nghiệp chỉ nên đứng ngoài hỗ trợ về pháp lý, kỹ thuật...”.

Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm chỉ ra mâu thuẫn, người dân muốn dịch vụ tốt, giá rẻ, chủ đầu tư muốn thu phí cao. Mâu thuẫn này chỉ được dẹp khi chủ đầu tư nhường hẳn cho cư dân quyền quản lý. “Người dân chung cư, qua đại hội sẽ tự bầu ra ban quản trị. Từ đó, ban quản trị tòa nhà sẽ tính toán để thuê công ty quản lý hoặc tự mình đứng ra quản lý. Nếu họ muốn dịch vụ cao, tự bàn bạc nộp nhiều tiền, dịch vụ thấp, ít tiền hơn”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, những tranh chấp ở  Keangnam, 151 Thụy Khuê sẽ hết nếu chủ đầu tư rút khỏi đây. Đằng này, chủ đầu tư sau khi bán xong các căn hộ, quay lại quản lý và thu phí, nên mâu thuẫn diễn ra.

Bà Trịnh Thúy Mai, thành viên Ban quản trị chung cư Keangnam tỏ ra nghi ngại không dễ doanh nghiệp “buông miếng mồi” quản lý. “Bằng chứng là trong quá trình tranh chấp, công ty Keangnam không chịu dọn rác. Ban đại diện lâm thời tòa nhà tự huy động dân góp tiền thuê một công ty Việt Nam vào dọn rác ngay, cư dân nhiệt liệt ủng hộ. Được đúng 3 ngày thì công ty Keangnam lại “nhảy” vào tranh. Rõ ràng, họ sợ mất việc bởi dọn rác cho cư dân cũng là một món hời béo bở”, bà Mai chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN