Phạt nguội bằng hệ thống camera: Hết tình trạng "gọi điện cho người thân"

Trong năm 2015, Hà Nội sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm để hỗ trợ xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) bằng hình ảnh. Trong khi đó, TP.HCM đã thực hiện lắp camera hơn 1 năm. Với biện pháp này, cơ quan chức năng hy vọng sẽ thay đổi cơ bản ý thức người tham gia giao thông.

Xử nguội, khó thoát

Việc triển khai hình thức phạt “nguội” thông qua hình ảnh kỹ thuật của tổ CSGT di chuyển trên đường phố được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã được tiến hành hơn một năm nay và điều này đã khiến ý thức người đi đường trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ được nâng lên rõ rệt.

Phạt nguội bằng hệ thống camera: Hết tình trạng "gọi điện cho người thân" - 1

Khi hoàn thành lắp đặt, nghiệm thu hệ thống camera giám sát lực lượng CSGT mới đề xuất hướng xử lý. Ảnh: Quang Thắng

Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó trưởng Phòng PC67 Công an TP.HCM cho biết: “Phòng đã triển khai quy trình khép kín trong việc phạt nguội này. Cụ thể, tổ CSGT cơ động liên tục di chuyển khắp các tuyến đường ghi hình phương tiện vi phạm và sau đó xác lập thông báo gửi về địa phương, nhờ cảnh sát khu vực gửi đến tận nhà chủ xe”. Trung tá Phong cũng nhận định, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng đã được nâng lên đáng kể từ khi TP.HCM áp dụng biện pháp này.

 

Theo ghi nhận của NTNN, mỗi sáng tại khu vực Hồ Con Rùa, lực lượng CSTG sử dụng xe gắn máy để đi ghi hình các phương tiện vi phạm. Hầu hết các phương tiện bị ghi hình tại đây là những ô tô đậu ven đường, sai vị trí. Hàng loạt ô tô bị ghi hình nhưng chủ phương tiện và người điều khiển xe hoàn toàn không hề hay biết mình bị ghi hình vi phạm. Sau đó CSGT sẽ có thông báo vi phạm, thông qua cảnh sát khu vực, gửi đến tận nhà của chủ phương tiện, yêu cầu đến trụ sở của CSGT đóng phạt.

Còn tại Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 01 của UBND thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị” 2015, TP.Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các nút giao, các tuyến đường trọng điểm để giám sát giao thông và hỗ trợ xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh.

Trao đổi với NTNN, thiếu tá Huỳnh Tấn Nam - Đội trưởng Đội đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết: “Đầu tháng 11.2014, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở GTVT thí điểm 450 camera giao thông. Hiện nay, nhà thầu đã lắp đặt được khoảng 300 camera (trong đó có 56 camera xử lý vi phạm). Tại Trung tâm điều khiển giao thông đã có thể giám sát, điều tiết ở 22 nút giao thông. Dự kiến lắp đặt hết vào tháng 1.2015”.

Hệ thống camera giám sát phát hiện được các lỗi chính như vượt đèn đỏ, sai làn đường, đỗ dừng không đúng nơi quy định... Những lỗi này sẽ được truyền về máy tính ở Trung tâm điều khiển. Camera còn có khả năng cảm biến và làm thay đổi tín hiệu giao thông lâu hoặc nhanh cho phù hợp với lưu lượng xe cộ đi lại ở một khu vực tùy thời điểm.

Thiếu tá Huỳnh Tấn Nam khẳng định hiện CSGT TP.Hà Nội chưa tiến hành xử phạt người vi phạm giao thông qua hệ thống camera vì mới đang thí nghiệm”.

Thay đổi cơ bản ý thức người tham gia giao thông

Quan điểm

Thiếu tá Huỳnh Tấn Nam
  Việc khó khăn nhất việc xử lý vi phạm qua camera giám sát này là phương tiện có chính chủ hay không. Hiện nay, yếu tố khách quan này đang là trở ngại không nhỏ cho lực lượng CSGT. Phương án, quy trình xử lý chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên. Các cơ quan báo chí cũng là nguồn thông tin lớn để người dân hiểu và chấp hành tốt, người dân luôn là người hưởng lợi từ việc này” . 
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng “phạt nguội”, điều này vừa tránh tiêu cực cho phía CSGT vừa khiến người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác, không còn chuyện “gọi điện cho người thân” để cầu cứu mỗi khi bị CSGT bắt.

Tuy nhiên, ông Liên cũng đề xuất CSGT nên tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có cách triển khai hiệu quả. “Sau khi phát hiện vi phạm qua hình ảnh, CSGT nên gửi thông báo về ngay doanh nghiệp, HTX để xử lý, tránh để quá lâu vừa cộng dồn số lần phạt vừa gây tranh cãi không cần thiết” - ông Liên đề nghị.

Tại TP.HCM, trung tá Phong cho biết: “Nếu chủ xe, người điều khiển vẫn chưa chấp hành đóng phạt ngay thì lực lượng CSGT sẽ liên tục tra cứu, cập nhật về phương tiện đó trên hệ thống dữ liệu có kết nối thông tin với máy tính xách tay của CSGT. Khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường, phát hiện phương tiện chưa chấp hành đóng phạt sẽ dùng bộ đàm thông báo với các chốt CSGT để dừng xe, xử lý”.

Trung tá Phong phân tích thêm, trường hợp người điều khiển xe bị CSGT dừng xe mà trước đó đã có vi phạm và bị camera ghi hình sẽ bị tạm giữ bằng lái, giấy tờ xe để xử lý theo quy định. Còn nếu người bị dừng xe lại không phải là chủ xe, CSGT chỉ tạm giữ giấy tờ xe, người này ký vào biên bản với tư cách người chứng kiến. CSGT sẽ yêu cầu người này thông báo cho chủ xe biết, phối hợp giải quyết theo quy định.

 “Mục đích răn đe là chính”

Thiếu tá Huỳnh Tấn Nam (Phòng CSGT TP.Hà Nội) khẳng định: “Việc xử lý vi phạm qua camera giám sát cuối cùng với mục đích tuyên truyền, răn đe người dân là chính chứ không phải xử phạt.  Khi lắp đặt được hoàn thành, nghiệm thu, thiết bị đảm bảo tính chính xác sai phạm của người và phương tiện tham gia giao thông, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Phòng CSGT hướng xử lý”.
Choáng với hóa đơn xử phạt

Cách đây không lâu trên mạng Internet lan truyền 1 thông báo 33 lỗi vi phạm giao thông, chủ yếu là đậu ô tô không đúng vị trí và chạy quá tốc độ quy định, với mức đóng phạt lên đến gần 90 triệu đồng. Người đăng thông tin có nickname Mai Em, đăng topic trên mạng Vitalk.vn. Trả lời về trường hợp này, thượng tá Trần Thanh Trà – trưởng phòng PC67, công an TP.HCM xác nhận là “không có thật”; nhưng thực tế có nhiều người bất ngờ khi nhận được thông báo xử phạt nguội xe ô tô vi phạm. Nhiều người khi nhận được thông báo đã có khiếu nại vì họ cho rằng lúc phương tiện vi phạm hoàn toàn không biết. 
Quá trình triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM sẽ dựa vào thực tiễn, các cơ quan chức năng sẽ rút kinh nghiệm để mà hoàn thiện làm sao cho thuận lợi, tối ưu nhất. Để hợp lý nhất là cần làm điều tra xã hội học, phỏng vấn những người bị xử phạt qua camera để xem đối với họ thế nào là phù hợp nhất. Trong quá trình tiến tới “xử phạt nguội”, các hình ảnh người dân cung cấp có thể coi là một nguồn tham khảo. Việc xử lý vi phạm không phải nhằm mục đích thu tiền mà để người dân ghi nhớ, tuân thủ pháp luật về TTATGT mỗi khi đi ra đường.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Nguyễn - Vinh Hải – Quyết Thắng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN