Phát ngôn nhầm, Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Đại sứ Nhật Bản

Ông Phạm Quý Tiêu vừa có thư xin lỗi gửi ngài Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam vì đã nhầm lẫn khi nói Nhật Bản cam kết cho Việt Nam vay 2 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.

Trong thư, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu viết: như ngài Đại sứ đã biết tại buổi tọa đàm “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 17/10, tôi có nhầm lẫn khi đưa ra thông tin Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cho Việt Nam vay khoản tín dụng ODA trị giá 2 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.

Phát ngôn nhầm, Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Đại sứ Nhật Bản - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT (ngồi giữa) xin lỗi Đại sứ Nhật Bản.

“Do vậy, tôi thành thực nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích nào thực tự thỏa đáng”, Thứ trưởng Tiêu nói.

Về lý do dẫn tới nhầm lẫn, Thứ trưởng Tiêu cho hay, do ông mới điều trị bệnh và đi làm lại. Trong quá trình theo dõi chuẩn bị cho việc xin chủ trương xây dựng sây bay Long Thành, có thông tin về một số nguồn có khả năng hỗ trợ tín dụng cho dự án này. Vì vậy, dẫn tới việc trong khi ra lời phỏng vấn ông có phát biểu nhầm lẫn nói trên.

“Tôi thành thực xin lỗi ngài Đại sứ và mong ngài chuyển lời xin lỗi chân thành của cá nhân tôi tới  Chính phủ và các cơ quan hữu quan của phía Nhật Bản. Về phần mình, trong ngày hôm nay tôi sẽ ngay lập tức truyền tải thông tin cải chính và xin lỗi này tới các cơ quan báo chí truyền thông”, Thứ trưởng Tiêu nói.

Như tin đã đưa, trước đó trong buổi tọa đàm về chủ đề sân bay Long Thành, tại Cổng thông tin điện tử Chính Phủ ngày 17/10, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao trong lúc khó khăn như thế, Bộ GTVT lại trình dự án cảng hàng không Long Thành, giai đoạn 1 lên tới 7,8 tỷ USD, trong đó có 50% vốn ODA và trái phiếu Chính phủ, 50% còn lại là các nguồn vốn khác?

Trả lời câu hỏi trên Thứ trưởng Tiêu giải thích: “Cần phải khẳng định rằng trong lúc khó khăn mà tìm ra được dự án có hiệu quả thì chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm. Phải dùng vốn ODA và trái phiếu Chính phủ vì cho đến bây giờ với hàng không dân dụng thì hạ tầng khu bay, đường băng, sân đỗ vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư theo hình thức BOT và PPP.

Vì vậy, khi đó Chính phủ quyết định: với đường băng, đường lăn, sân đỗ, các cơ sở để đảm bảo khẩn nguy về an ninh hàng không thì nhà nước phải đầu tư. Cho nên ở đây đặt ra vấn đề có vốn ODA và phía Nhật Bản quan tâm nên sẽ dành khoảng 2 tỷ USD cho dự án này”.

Cuối thư ông Tiêu bày tỏ: “Một lần nữa tôi ming rằng Ngài Đại sứ và các cơ quan chức  năng hữu quan cúa phía Nhật Bản chấp nhận lời cảm ơn thông cảm sâu sắc nhất”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN