Phạt hộp đen: Có giúp lái xe an toàn?

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, với cơ chế cổ phần bằng xe hiện nay, doanh nghiệp không có nghĩa vụ bỏ số tiền lớn lắp hộp đen cho lái xe. Lái xe muốn không bị phạt thì tự bỏ tiền lắp. Tác dụng thế nào không cần biết.

Từ hôm nay (1/7), Thanh tra giao thông bắt đầu xử phạt ô tô không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tuy nhiên lâu nay, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về mục đích và hiệu quả khi lắp thiết bị này trên xe.

Lắp hộp đen để làm gì?

Quy định lắp hộp đen cho xe tải, xe khách... đã có từ lâu. Đây là một thiết bị công nghệ tiên tiến, nhưng ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng, khai thác chưa hiệu quả.

Theo ông Liên, thiết bị giám sát hành trình chưa có sự chuẩn mực. Các cơ quan kiểm định chỉ đựa vào kết quả kiểm tra một vài cái rồi cấp cho cơ sở đó giấy chứng nhận quy chuẩn. Thiết bị đưa ra lắp cho xe có giấy chứng nhận hợp quy là được.

“Nhưng phía trong tác dụng như thế nào thì không ai biết. Bản thân doanh nghiệp vận tải không biết, lái xe không biết.” – Ông Bùi Danh Liên nói.

Ông Liên nêu, một tiêu chí của hộp đen là cảnh báo tốc độ, nhưng nhiều thiết bị chưa phát huy được điều này. Ví dụ, xe cứ chạy quá 60km/h là thiết bị cảnh báo. Nhưng có xe vào đoạn đường được phép chạy 70-80km/h, tài xế nhấn ga thì thiết bị kêu ầm lên. Tái xế bảo rằng máy hỏng và tháo thiết bị ra cho đỡ phiền.

Phạt hộp đen: Có giúp lái xe an toàn? - 1

Nhiều doanh nghiệp và lái xe không được hướng dẫn cụ thể sử dụng hộp đen

Cũng theo ông Liên, hiện doanh nghiệp vận tải không được cơ quan nào hướng dẫn sử dụng khai thác hộp đen. Họ chỉ biết Bộ GTVT đưa ra quy định phải lắp “hộp đen”, còn lắp của ai, lắp như thế nào thì tự tìm hiểu, thực hiện.

Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để khai thác hộp đen hiệu quả, Bộ GTVT nên có văn bản hướng dẫn cụ thể. Sở GTVT phải phối hợp với nhà cung cấp hộp đen tập huấn cách lắp đặt, sử dụng cho doanh nghiệp vận tải.

“Đừng trách doanh nghiệp và lái xe thực hiện không đúng. Hãy trách cơ quan soạn thảo không có hướng dẫn rõ ràng.” – Ông Liên nói.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, lắp hộp đen giám sát lái xe thì cũng cần có sự giám sát những người ban hành văn bản để quy định dễ đi vào thực tế cuộc sống.

Hơn nữa theo ông Liên, muốn quản lý hiệu quả hộp đen phải là chính doanh nghiệp vận tải. Với 48.000 chiếc xe, nhà nước không thể chạy theo, giám sát xe qua kiểm tra hộp đen được.

Ai là người cần lắp hộp đen?

Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) cho rằng, đó là do cơ chế đóng cổ phần vào doanh nghiệp vận tải hiện nay. Cơ chế cổ phần bằng xe, khoán trắng thì doanh nghiệp đâu cần quan tâm chuyện lái xe lắp đặt, sử dụng hộp đen như thế nào. Họ chẳng có nghĩa vụ phải bỏ tiền lắp hộp đen cho lái xe. Bởi xe đã đóng cổ phần, khoán trắng, lái xe muốn không bị phạt thì bỏ tiền mà lắp. Lái xe lại thấy lắp chẳng có tác dụng gì, nên chỉ cần mua loại rẻ tiền để khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có để khỏi bị phạt là được.

Theo ông Thanh, “phải đóng cổ phần bằng tiền chứ không phải bằng xe!” Lái xe sẽ được hưởng lợi tức cổ phần và công lái xe. Còn xe là của doanh nghiệp.  Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm quản lý bằng được lái xe và xe của mình. Doanh nghiệp bỏ tiền mua ô tô, sẽ buộc tài xế duy trì  hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Bởi việc đó ảnh hưởng đến sống còn của chính doanh nghiệp.

Phạt hộp đen: Có giúp lái xe an toàn? - 2

Doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe khiến hộp đen không phát huy hiệu quả

Hộp đen sẽ phát huy 2 tác dụng. Một là phát tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở lái xe khi đi quá tốc độ, xe hỏng hóc, lỗi kỹ thuật... Hai là doanh nghiệp có thể ngồi nhà theo dõi được hành trình, tốc độ, tình trạng... của xe và kịp thời chấn chỉnh tài xế.

Ông Thanh  nhấn mạnh, mục đích chính của hộp đen cũng không phải là để cho CSGT và thanh tra giao thông lấy cơ sở xử lý. Nếu vậy thì chính cơ quan chức năng phái tự sắm thiết bị mà giám sát. “Ai lại tự lắp hộp đen xịn để tạo điều kiện cho người ta phạt mình”. – Ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện chỉ ít doanh nghiệp thấy hiệu quả khai thác hộp đen và đã lắp từ trước khi nhà nước ra quy định.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hôm nay, thanh tra giao thông tại tất cả các địa phương sẽ xử lý xe khách, xe tải… không lắp thiết bị giám sát hành trình.

Ông Huyện cho biết, kể cả xe lắp “hộp đen” nhưng không đạt tiêu chuẩn hoặc không hoạt động cũng sẽ bị xử lý như không lắp.

Khi được hỏi, trên đường làm sao biết được hộp đen đạt tiêu chuẩn hay không, ông Huyện cho biết, điều này không khó. Lực lượng TTGT đã được tập huấn kỹ năng để kiểm tra hoạt động của hộp đen và phát hiện lỗi của các thiết bị này.

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP,  xe (thuộc diện phải gắn thiết bị) mà không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn nhưng không hoạt động, không đúng quy chuẩn, sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN