Từ 1/7, dựa vào hộp đen xử lý xe khách

Dựa vào thông tin “hộp đen”, một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ, cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở để tước giấy phép kinh doanh.

Tại buổi tọa đàm về “Cơ chế chính sách quản lý, sử dụng thiết bị Giám sát Hành trình kéo giảm TNGT” do Báo Giao thông Vận tải tổ chức, Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia) cho biết, từ 1/7 tới đây, kiểm tra “hộp đen” phát hiện một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ, cơ quan quản lý có đủ cơ sở để tước giấy phép kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, theo quy định, những lỗi có thể xử phạt là chạy quá tốc độ, vi phạm số lượng mở cửa xe, lái xe quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một ngày… Tuy nhiên, những lỗi trên nếu được phát hiện từ thiết bị GSHT thì chưa bị xử phạt do chưa đủ cơ sở pháp lý.

Hiện nay, trong các văn bản QPPL chưa có quy định thiết bị GSHT là công cụ dùng trong sử phạt vi phạm hành chính. Nếu muốn xử phạt phải bổ sung vào nhiều văn bản QPPL khác.

Dù chưa thể xử phạt hành chính các vi phạm này, nhưng theo ông Hiệp, với các quy định hiện nay,  cơ quan quản lý, đặc biệt là các sở GTVT đã có đủ cơ sở để xử lý các vi phạm về tốc độ. Từ 1/7 tới đây, khi một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Từ 1/7, dựa vào hộp đen xử lý xe khách - 1

Dựa vào thông tin “hộp đen”, một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ, cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở để tước giấy phép kinh doanh. (Ảnh minh họa)

“Phần mềm quản lý mà chúng tôi đang xây dựng cũng sẽ phát hiện được những xe nào, của đơn vị nào không lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định hoặc có lắp nhưng không hoạt động. Riêng về lỗi này chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.” – Ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hiệp cho biết thêm, từ 1/7, dựa vào thiết bị giám sát hành trình, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về số lượng các xe vi phạm trong ngày, những xe nào, của doanh nghiệp nào, mức độ vi phạm ra sao.

Ông Thạch Như Sĩ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTV cũng cho biết, theo quy định các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm 4 loại: Xe buýt, xe vận tải hành khách tuyến cố định, các loại xe chở khách theo hợp đồng và xe container.

Nếu 4 loại phương tiện này không lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp nhưng không hoạt động hay lắp nhưng không theo quy chuẩn thì sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN