Phát hiện sự sống dưới 4km băng Nam cực

Các nhà khoa học Nga cho biết họ mới phát hiện loài vi khuẩn chưa từng được biết đến trong hồ nằm dưới dưới tầng băng phủ hàng triệu năm ở Nam cực, nơi được coi là khắc nghiệt nhất với sự sống trên Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu của Nga khoan xuống lớp băng dày 4km để lấy mẫu dưới hồ Vostok. Hồ Vostok lớn nhất ở Nam cực, được cho là bị băng phủ kín bề mặt từ nhiều triệu năm trước.

Phát hiện này cho thấy hồ Vostok có khả năng còn chứa nhiều dạng vi sinh vật khác mà khoa học chưa biết đến.

“Sau khi loại bỏ tất cả các chất ô nhiễm, kiểm tra DNA cho thấy mẫu vi khuẩn đó không giống bất kỳ loại vi khuẩn nào trong kho dữ liệu toàn cầu”, chuyên gia di truyền Sergei Bulat tại Viện Vật lý hạt nhân St Peterburg, cho biết.

Hồ Vostok nằm ở trung tâm vùng băng phía đông của Nam cực, nên đây có thể là môi trường khắc nghiệt nhất cho sự sống trên Trái đất.

Các nhiệt kế tại đây đo được nền nhiệt độ thấp nhất trên trái đất (-89 độ C) vào ngày 21/7/1983.

Trạm Vostok được Nga lập ra vào năm 1956 và kết quả địa chấn thu được cho thấy có một vùng chất lỏng nằm dưới lớp băng dày. Tuy nhiên, mãi đến những năm 1990 thì nhóm nhà khoa học người Anh sử dụng radar mới xác định được phạm vi của hồ Vostok.

Với diện tích 15.000 km2 và độ sâu hơn 800m, hồ Vostok có diện tích tương đương hồ Baikal ở Siberia hay hồ Ontario ở Bắc Mỹ.

Gần đây, các nhà khoa học Mỹ khoan xuống một hồ khác ở Nam cực, hồ Whillans. Họ cũng cho biết đã phát hiện một dạng vi khuẩn trong nước lấy lên từ hồ này. Tuy nhiên, hồ Whillans được cho là ít cô lập hơn hồ Vostok.

Chuyến thám hiểm của các nhà khoa học Anh nhằm khoan xuống lớp băng dày 3km ở hồ Ellsworth tại Nam cực bị hoãn lại vào năm ngoái vì lỗi kỹ thuật khoan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN