Phát hiện hàng loạt hoa quả TQ có "độc"

Một loạt hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, Cục BVTV cũng đã khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng giá đỗ ngoài chợ vì mất ATTP nghiêm trọng.

Hóa chất độc có thể làm hỏng gan, thận

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi phát hiện nho, táo, lê Trung Quốc có dư lượng thuốc BVTV, đơn vị này đã nâng tần suất giám sát các lô hàng hoa quả nhập khẩu từ thị trường này.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 10/8 đến 10/9, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm một mẫu mận tươi nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn có chứa dư lượng carbendazim và một mẫu lựu có chứa hoạt chất tubeconazole cùng carbendazim. Bên cạnh đó phát hiện thêm 2 mẫu nho tươi nhập khẩu có chứa dư lượng difenoconazole, đều cùng nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.

Phát hiện hàng loạt hoa quả TQ có "độc" - 1

Nho, mận, lê, cam Trung Quốc là những mặt hàng có nguy cơ cao nhất

Ông Hào nhận định, đến nay, nho tươi nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đang được coi là mặt hàng có nguy cơ cao về chứa hóa chất nguy hiểm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết thêm, kết quả kiểm nghiệm phát hiện các mẫu hoa quả kể trên đều có mức dư lượng hóa chất vượt mức cho phép từ 1,5-5 lần.

“Mặc dù các hóa chất vừa phát hiện không tới mức gây ung thư, nhưng khi sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ gây các triệu chứng ngộ độc, có liên quan tới đường ruột, tiêu hóa và về lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể người, ảnh hưởng tới gan, thận” - ông Hồng nói.

Theo đó, sau khi phát hiện các mẫu trái cây nhiễm “độc”, Cục BVTV đã chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định về ATTP. Đồng thời, chi cục kiểm dịch tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra chặt chẽ và tăng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm đối với những sản phẩm đã “dính vết” như nho tươi, lê, mận, lựu, khoai tây...

Ông Hồng cho biết, bình thường, các lô hàng nông sản khi nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ được các trạm kiểm dịch kiểm tra 10% tổng lô hàng. Song đối với những mặt hàng và doanh nghiệp đã bị phát hiện có dư lượng thì lần thứ hai phải kiểm tra 30% lô hàng.

Nếu tiếp tục có vi phạm thì sẽ kiểm tra toàn bộ 100% lô hàng. Sau ba lần kiểm tra mà vẫn phát hiện trái cây, nông sản có “độc” sẽ bắt buộc phải đình chỉ cho tới khi nào chứng minh được hàng nhập khẩu là sạch mới cho nhập trở lại.

40% giá đỗ, rau mầm nhiễm E.coli

Trong khi chất lượng nông sản nhập khẩu ngày càng nguy hiểm thì Cục BVTV lại đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của giá đỗ và các loại rau mầm dùng để ăn sống hiện nay.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng bày tỏ: “Cục BVTV đã lấy 50 mẫu giá đỗ và rau mầm tại Hà Nội để phân tích. Qua kiểm nghiệm, mặc dù các chỉ tiêu về thuốc điều hòa sinh trưởng, hóa chất cấm và asen vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng vi phạm về chỉ tiêu vi sinh vật lại rất đáng báo động”.

Cụ thể, qua kiểm tra đã phát hiện 40% rau sống, rau mầm, giá đỗ bị nhiễm E.coli, Samonella, Listeria là những thủ phạm gây bệnh đường ruột. Theo ông Hồng, ăn rau sống, giá đỗ hiện nay có nguy cơ về nhiễm các bệnh đường ruột, chiếm tỷ lệ cao trong các vụ ngộ độc.

Từ năm 1996 tới nay, trên thế giới đã có 46 vụ ngộ độc liên quan tới rau sống, giá đỗ. Riêng ở Nhật Bản đã từng xảy ra trường hợp hơn 10.000 người bị ngộ độc do ăn rau sống. Do vậy, ông Hồng khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại rau mầm, giá đỗ không rõ nguồn gốc, nếu dùng thì phải làm chín.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nếu phải làm chín mới được sử dụng sẽ không còn là rau mầm, rau sống. Bởi vậy, ông Phát yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm như Cục Trồng trọt, Cục BVTV phải tổ chức kiểm tra, ngăn chặn từ nơi sản xuất để có rau xanh, nông sản thật sự sạch. “Cục BVTV nhanh chóng xây dựng “bản đồ” những khu vực trồng rau “bẩn”, có nguy cơ cao để chỉ đạo các địa phương kiểm tra, ngăn chặn ngay trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán”, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu.

Bên cạnh đó, trong tháng 9, ông Phát yêu cầu Cục BVTV lấy mẫu kiểm tra chất lượng các loại măng tươi, măng khô bán trên thị trường hiện nay. Cục Thú y và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra chất lượng của thịt bò khô và cá biển xem có hay không việc sử dụng urê để bảo quản.

Kỷ luật người ra quyết định “vẽ voi”

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, cuối tháng 9, đầu tháng 10, các đơn vị liên quan cần kiểm điểm và chịu trách nhiệm với việc ban hành Thông tư 33, 34 về quy định bán thịt lợn trong vòng 8 tiếng đồng hồ và kinh doanh trứng gia cầm phải có những tiêu chuẩn như buồng lạnh, đóng gói, khử trùng… gây phản ứng tiêu cực trong dư luận. Tùy theo cấp độ sẽ có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN