Ông Mubarak sắp qua đời, Ai Cập càng hỗn loạn

Theo thông báo sáng ngày 20/6 của giới chức quân đội Ai Cập, ông Mubarak đã trải qua một cơn đột quỵ song đang "sử dụng máy hô hấp nhân tạo" và còn quá sớm để kết luận ông đã chết lâm sàng.

Truyền thông Ai Cập đưa tin Tổng thống bị lật đổ của nước này, ông Hosni Mubarak đã chết lâm sàng sau khi được chuyển từ nhà tù tới một quân y viện ở Cairo tối 19/6 do bị đột quỵ. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Ai Cập đang leo thang sau một loạt diễn biến bất ổn trong thời gian gần đây.
 
Trong hai ngày qua, giới chức quân đội và truyền thông Ai Cập liên tục công bố những thông tin trái chiều về tình trạng sức khỏe của ông Mubarak. Theo thông báo sáng ngày 20/6 của giới chức quân đội Ai Cập, ông Mubarak đã trải qua một cơn đột quỵ song đang "sử dụng máy hô hấp nhân tạo" và còn quá sớm để kết luận ông đã chết lâm sàng. Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA đã công bố báo cáo cho biết vị Tổng thống bị lật đổ này đã chết lâm sàng. Ông Mubarak, 84 tuổi, bị chứng khó thở và suy nhược nghiêm trọng kể từ khi bị đưa vào tù ngày 2/6 để thụ án chung thân.

Ông Mubarak sắp qua đời, Ai Cập càng hỗn loạn - 1

Ông Mubarak đang ở vào giai đoạn cuối đời

Trong khi đó, chính trường Ai Cập vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai kết thúc. Dù phải đến ngày 21/6, kết quả chính thức của cuộc bầu cử mới được công bố, song cả ông Mohamed Morsy, ứng cử viên của Phong trào Anh em Hồi giáo và cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq đều tuyên bố thắng cử và cáo cuộc đối phương gian lận trong bầu cử.

Tuy nhiên, cho dù ai sẽ trở thành vị tổng thống đầu tiên của Ai Cập sau thời cựu Tổng thống bị lật đổ Mubarak thì trước mắt vẫn bị giới hạn quyền lực bởi Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi của Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang (SCAF). Hội đồng quân sự này vừa ra lệnh giải tán quốc hội theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tối cao và phong tỏa tòa nhà Quốc hội. Những động thái này đã vấp phải sự phản đối của các đảng phái chính trị, nghị sĩ quốc hội cũng như người dân. Hàng chục nghìn người biểu tình, đa số là thành viên các đảng Hồi giáo, đã đổ về quảng trường Tahir ở trung tâm thủ đô Cairo tham gia cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối SCAF giải tán quốc hội cũng như sắc lệnh của Bộ Quốc phòng cho phép cảnh sát quân đội điều tra và bắt giữ thường dân.

Bất chấp việc SCAF giải tán quốc hội, nhiều nghị sỹ Ai Cập đã tổ chức một phiên họp tại quảng trường Tahrir đêm 19/6 sau khi cảnh sát ngăn họ vào tòa nhà Quốc hội. Nghị sỹ Mohamed al-Beltagy thuộc Đảng Tự do và Công lý (FJP) của Anh em Hồi giáo tuyên bố SCAF không có quyền giải tán quốc hội và người dân Ai Cập đang chờ ứng cử viên Mosri tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, tổ chức Anh em Hồi giáo đang đối mặt với một thách thức mới sau khi luật sư Mohamed Shehata khiếu nại lên Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập yêu cầu giải tán tổ chức Anh em Hồi giáo với lý tổ chức này đã tiến hành bất hợp pháp các hoạt động chính trị và xã hội bất chấp việc bị cấm hoạt động chính trị từ năm 1954. Ông Shehata khẳng định nhóm Hồi giáo lớn nhất Ai Cập này đã không tuân thủ đạo luật năm 2002 về chức năng của các tổ chức phi chính phủ, theo đó cấm các đảng chính trị hoạt động dựa trên tôn giáo.

Kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống ở Ai Cập sẽ được công bố vào ngày 21/6, nhưng nhìn vào tình hình hiện tại ở Ai Cập, tổng thống sắp tới của Ai Cập, dù là ai trong số hai ông Mohamed Morsy và Ahmed Shafiq, thì cũng đều chỉ có danh, bởi thực quyền đang nằm trong tay quân đội. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ mong muốn SCAF chuyển giao toàn bộ quyền lực cho một chính phủ dân sự, đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập cũng như cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một thể chế nhà nước dân chủ, vững mạnh và đại diện cho nhân dân. Mỹ và Pháp cũng kêu gọi SCAF tuân thủ cam kết chuyển giao quyền lực theo đúng lịch trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tâm (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN