Ông Đinh La Thăng nhắc tới lời của Tổng Bí thư khi tự bào chữa

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

Trong phần tự bào chữa của mình chiều 13-1, ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của mình, nhận trách nhiệm cho cấp dưới, đồng thời nhắc tới lời của Tổng Bí thư: Xử lý cán bộ không phải dập cho không ngóc lên được mà để họ khắc phục sửa chữa, nhận thấy cái sai.

Video clip ông Đinh La Thăng cố nén xúc động trong phần tự bào chữa - Video: Nguyễn Hưởng (quay qua màn hình)

Chiều nay 13-1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty PVC, sau khi các luật sư bào chữa xong, HĐXX mời những bị cáo lên trước bục để tự bào chữa.

Ông Đinh La Thăng nhắc tới lời của Tổng Bí thư khi tự bào chữa - 1

Ông Đinh La Thăng tại tòa - Ảnh: TTXVN

Là người tự bào chữa đầu tiên, ông Đinh La Thăng cầm tờ giấy, tự bào chữa cho mình.

Xin nhận trách nhiệm cho mình và cấp dưới

Đầu tiên, ông Thăng xin cảm ơn HĐXX, các luật sư và cơ quan điều tra công an… trong quá trình tố tụng đã làm việc hết sức khẩn trương, hoàn thành kết luận điều tra, cáo trạng để phiên tòa được nhanh chóng diễn ra.

Đứng trước bục tự bào chữa, ông Đinh La Thăng cho biết bản thân đã nghe rất kỹ bản luận tội của VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, ông hoàn toàn tôn trọng bản luận tội của VKS. Tuy nhiên, ông Thăng xin có một số ý kiến. "Bị cáo sẽ cố gắng không nêu những điểm chỗ luật sư đã nêu, nếu có nêu trùng xin HĐXX thông cảm"- ông Thăng nghẹn ngào dừng lại gần 10 giây trước khi nói tiếp.

Ông Đinh La Thăng cho biết trong suốt quá trình điều tra, tại phiên tòa, ông đã khai báo cụ thể, luôn nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu HĐTV của PVN. Ngoài ra, ông Thăng cũng cho rằng thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến không phát hiện kịp thời những vi phạm, khuyết điểm của cấp dưới, dẫn đến cá nhân bị truy tố trách nhiệm hình sự.

"Bị cáo xin nhận trách nhiệm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời bị cáo nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác cấp dưới từ anh Thực (ông Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc PVN - PV) trở xuống. Những bị cáo không động cơ cá nhân, không vụ lợi, vì trách nhiệm của mình, vì chỉ đạo của Chính phủ, HĐTV và từ bản thân bị cáo hết sức quyết liệt có lúc nôn nóng dẫn đến vi phạm. Bị cáo xin nhận trách nhiệm hộ, nếu được, xin HĐXX xem xét"- ông Thăng nói.

"Để xảy ra sự việc ngày hôm nay, bị cáo có lỗi với Đảng và nhân dân và người lao động của PVN"- ông Đinh La Thăng nói.

Nhắc đến ngày trong trại tạm giam nhận được quần áo của vợ con gửi và thấy chữ viết của vợ mình, ông Thăng lạc giọng, xúc động nghẹn ngào. Sau đó, ông đã cố gắng lấy lại bình tĩnh, tiếp tục trình bày.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Đinh La Thăng mong HĐXX đánh giá công tâm khách quan những kết quả, nỗ lực đạt được của PVN. Trong bối cảnh khó khăn, PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, tăng trưởng từ 3-7 lần, nộp ngân sách đến 30%, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp vai trò quan trọng khi đóng góp điều tiết kinh tế. Trong bối cảnh tập đoàn PVN thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn mà mô hình pháp lý chưa đầy đủ, vừa làm vừa sửa nên bị cáo có sai. Việc năng động và vi phạm pháp luật là mong manh và rủi ro pháp lý khi chưa có đầy đủ văn bản pháp luật để điều chỉnh.

Ông Đinh La Thăng dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về việc xử lý cán bộ sai phạm: "Mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó. Do đó phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, có cách nhìn hướng về tương lai để xử lý. Xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được mà xử lý để cho họ khắc phục sửa chữa, để tiến bộ, trưởng thành và quan trọng để cho họ thấy sai". Ông Thăng nói: "Khi Tổng Bí thư phát biểu ý này, bị cáo thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của Tổng Bí thư. Bị cáo thấy rằng đây là tư tưởng của Bác Hồ đã được cụ thể hóa... Bị cáo đề nghị HĐXX, Viện Kiểm sát có đường lối xử lý công tâm khách quan trong bối cảnh của thời điểm. Đề nghị HĐXX xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý, đúng căn cứ, pháp luật và công bằng cho cán bộ dầu khí, không vì tư lợi mà chỉ muốn tập đoàn phát triển nhanh theo đúng kỳ vọng của Chính phủ".

Chỉ định thầu không phải để cứu PVC

Ngoài ra, ông Thăng đề nghị HĐXX, VKS công tâm, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với bối cảnh lịch sử cách đây 10 năm, xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý, đúng căn cứ và có sự công bằng cho các cán bộ của PVN. Bị cáo không vì động cơ cá nhân, tư lợi mà chỉ mong muốn tập đoàn phát triển theo đúng chỉ đạo. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng nằm trong bối cảnh đó, cần được xem xét toàn diện.

Về việc chỉ định thầu đối với PVC, theo ông Thăng cho rằng theo chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chỉ định thầu không phải là nhất thời, đã được đặt ra từ năm 2006, trong tất cả các đơn vị thành viên của PVN chứ không chỉ PVC. Do vậy, việc chỉ định thầu trong cáo trạng cho rằng là để cứu PVC cần phải xem lại.

"Không phải chỉ định thầu PVC để cứu khó khăn trong năm 2011, chỉ định thầu từ năm 2009, bị cáo không thể biết đến năm 2011 PVC lại khó khăn như vậy. Năm 2011, trong khủng hoảng, lạm phát, không chỉ riêng PVC mà tất cả các đơn vị khác đều khó khăn. Việc khó khăn trong nhất thời là không thể tránh khỏi, cần xem xét yếu tố PVC không đủ năng lực tài chính"- ông Thăng tự bào chữa.

Về kinh nghiệm, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu các đơn vị thành viên, do đó các đơn vị có thế mạnh nào thì đơn vị chỉ đạo đơn vị đó, trong đó PVC mạnh về xây lắp nhất nên chỉ định. "Việc chỉ định thầu là đặt trong bối cảnh chứ không phải nhất thời để cứu PVC khỏi khó khăn"- ông Thăng nhấn mạnh.

Theo ông Thăng, không thể so sánh PVC với các nhà thầu nước ngoài, đương nhiên là không thể bằng. Nhưng nếu thuê nước ngoài thì mãi mãi không phát huy được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. "HĐTV ra quyết định cho PVC và liên danh nhà thầu nước ngoài, quá trình triển khai lựa chọn nhà thầu khó khăn, HĐTV đã đồng ý để PVC làm tổng thầu, thay mặt kí báo cáo Chính phủ để giao cho PVC làm tổng thầu và được đồng ý. Rất mong HĐXX xem xét, lãnh đạo tập đoàn là cả tập thể chứ không thể là một mình bị cáo, trong bản cáo trạng và bản luận tội, bị cáo cảm nhận hình như cứ nói đến PVN là ông Thăng"- ông Thăng nói.

Xin lỗi Đảng, nhân dân và người lao động PVN

Ông Đinh La Thăng mong HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn, vì sau vụ án này, còn vụ án sau. Trong cùng 1 thời điểm, cùng bị truy tố 1 tội danh giờ tách thành 2 vụ án thì bất lợi cho bị cáo. Ông Thăng cũng chia sẻ bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. "Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù"- ông nói. Ông Thăng cũng tin rằng HĐXX sẽ có hướng xử lý phiên tòa công tâm khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. "Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân và các thế hệ người lao động dầu khí vì sai phạm của mình"- ông Thăng kết thúc bài bào chữa của mình.

Là người thứ hai đứng lên bục tự bào chữa cho mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong những câu đầu tiên cũng đã nhắc đến vợ con mình. Ông Thanh không nén nổi xúc động, khóc nức nở.

Cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng

Ngày 2-7-2010, PVN phê duyệt dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỉ đồng, tương đương gần 1,7 tỉ USD.

Ngày 28-2-2011, ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC, ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (Hợp đồng tổng thầu EPC số 33) về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng...

Ngày 13-5-2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN.

Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ ngày 28-4-2011 đến ngày 12-7-2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD.

Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22-11-2017, Nhà nước mới thu hồi được gần 1.100 tỉ đồng, thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.

Đề nghị ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân

Chiều nay, đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị hình phạt cho bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN