Ở nhà cấp 4, đổ tiền tỷ đóng "siêu tàu"

Suốt 25 năm trời cùng vợ con sống trong căn nhà cấp 4 đơn giản, nhưng ngư dân Huỳnh Văn Tạo (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) đang nắm trong tay 3 chiếc tàu cá trị giá 12 tỷ đồng, và đang chuẩn bị đóng chiếc thứ 4 công suất 700 CV.

Lão ngư 52 tuổi, người vạm vỡ, nước da ngăm đen đổ tiền tỷ đóng những con tàu công suất lớn bám biển Hoàng Sa - Trường Sa, thu về tiền tỷ từ cá mực biển khơi, làm giàu cho chính mình, anh em, ngư dân cùng nghiệp. Hiện ông và hai người em trai đang lái 3 chiếc tàu công suất lớn. Chiếc thứ 4 với công suất 700CV đang là ý định ông ấp ủ để truyền nghiệp bám biển cho con trai của mình.

Đại gia đình của biển

Vùng biển Tam Quang, người dân ai cũng biết đến gia đình ngư dân Huỳnh Văn Tạo. Với đội tàu lớn, ông được xem là “đại gia” miền biển này. Ấy nhưng sau bao năm, đổ tiền vào biển ông vẫn cùng vợ và con gái út sống giản dị trong căn nhà cấp 4 được xây dựng cách đây 25 năm. Ông cười bảo: “Gắn đời mình với biển, tàu chính là nhà”.

Trong câu chuyện về nghề và cuộc sống ngư dân ông tếu táo: “Mỗi lần hạ thủy tàu 3 - 4 tỷ sướng rân người. Thiên hạ mê siêu xe, tôi mê “siêu” tàu. Siêu xe lòe thiên hạ thì làm được gì?! Có bao nhiêu tiền dành dụm được là đổ vào những con tàu”.

Cái tếu táo, hào sảng đó là chí khí của những ngư dân miền Trung can trường bám biển, thách thức sóng gió. Ưa vẫy vùng, quẫy đạp biển lớn ăn sâu vào cậu bé Tạo từ tấm bé. Năm 1985, chàng lính trẻ xuất ngũ, vác ba lô về làng. Mấy năm tích góp, anh mua con tàu nhỏ 50 triệu đồng, hằng ngày câu mực xà nuôi chí lớn. Ròng rã 20 năm, câu mực góp vốn, mới đủ tiền đóng con tàu 240 CV. Dạo đó, con tàu ấy đã là ước mơ của bao nhiêu người. Năm 2009, ông bán con tàu để mua con tàu 500CV để vươn khơi xa.

Ở nhà cấp 4, đổ tiền tỷ đóng "siêu tàu" - 1

Ông Huỳnh Văn Tạo và con tàu 550CV của mình. Ông ấp ủ con tàu 700CV để con trai nối nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành

Mấy chục chuyến ra khơi trúng đậm, ông nhường con tàu cho em trai thứ 3 cầm lái, để tậu thêm con tàu 500CV khác cho mình. Anh em song hành bám biển. Chưa đã, năm 2011 ông đầu tư đóng con tàu thứ 3 công suất 550 CV. Cả ba con tàu trị giá 12 tỷ đồng, trở thành khối tài sản lớn di động giữa biển Đông.

Ở cái tuổi 52, ông Tạo vẫn ấp ủ tham vọng sẽ đổ tiền tỷ vào 2 con tàu nữa. Trong đó, con tàu với công suất 700CV là ưu tiên hàng đầu và là món quà ông dành cho các con để truyền nghiệp bám biển Hoàng Sa – Trường Sa.

Hiện đội tàu của gia đình biển cả ấy đang ổn định với 44 thuyền viên. Chiếc QNa 90266 TS 500CV ông giao cho em Huỳnh Tèo cùng 2 đứa cháu sử dụng, chiếc QNa 90398 TS 500CV giao cho em trai Huỳnh Văn Trương, cùng con trai ông cầm lái. Riêng ông cầm lái chiếc QNa 91144 TS 550CV kèm cặp người con trai thứ 2 để truyền nghề đi biển. Ông kể rằng, mỗi lần xuất quân là cả đại gia đình ông kéo ra Hoàng Sa – Trường Sa. Trên biển lớn, anh em tương trợ nhau lúc khó khăn hoạn nạn, chia nhau luồng cá mực, sát cánh cùng nhau dẫu bão tố phong ba.

Thách thức biển lớn

Cả ba chiếc tàu công suất lớn của đại gia đình ông cùng lúc ra khơi cùng dò cá trên biển, phát hiện ngư trường mới, lập tức thông báo cho nhau, mỗi chiếc mỗi nơi nhưng sau 2 giờ đồng hồ đã hợp thành đội tàu hùng hậu. “Kiềng ba chân là vững. Mình có lúc 3 tàu, đứng thế chân vạc hỏi cá mực nào chạy thoát” ông ví von. Nhiều năm liền đánh bắt theo phương thức như thế chưa năm nào đội tàu gia đình ông thất thu. Mỗi năm, lao động trên tàu nhận mức thù lao khoảng 100 triệu đồng, riêng ông thu ít nhất 3 chiếc 3 tỷ đồng.

Ông tính rằng, về lợi ích kinh tế, khi có đội tàu thì sẽ thuận lợi hơn nhiều, lợi ích tăng gấp mấy lần. Có chuyến đi gần nửa tháng chỉ được ngót nghét mấy tấn cá. Nếu cùng nhau kéo về thì lỗ nặng. Những lúc đó, ông chỉ đạo, một trong ba chiếc tàu gom hết cá lại mang về đất liền bán, rồi quay ra tiếp tế lương thực, thực phẩm cho 2 tàu còn lại. Hành trình biển dài hơn và đương nhiên lợi nhuận sẽ cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN