Nức tiếng võ Việt trên dãy Himalaya (Kỳ 3)

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Những bài quyền, thế võ mà võ sư Hai dạy cho các ni cô Nepal đã khiến tăng chúng từ nhiều nơi trên thế giới sửng sốt, ngưỡng mộ.

Suốt thời gian hơn 3 tháng huấn luyện võ thuật cơ bản cho các ni cô Nepal, võ sư Hai cùng ăn chay trường với họ. Các ni cô được tổ chức học võ 3 lần một ngày, bắt đầu từ sáng sớm và liên tục ròng rã từ ngày này sang ngày khác, bất kể thời tiết nắng mưa.

Trong quá trình dạy võ ở đây, võ sư Hai đã được tăng chúng rất mến mộ và trao tặng danh hiệu “Jigme Gudrun”, có nghĩa là “võ sĩ can trường” ở Tây Tạng. Quan sát quá trình luyện tập của các ni cô, Pháp Vương đã rất hài lòng và nói rằng môn võ của của võ sư Hai “tốt cho tôi, tốt cho bạn và có ích cho tất cả mọi người”.

Nức tiếng võ Việt trên dãy Himalaya (Kỳ 3) - 1
Võ sư Hai huấn luyện bài võ đối kháng tay không cho các ni cô Nepal

 

Ngay sau khi mở lớp huấn luyện võ thuật được chừng một tháng, võ sư Hai cùng các ni cô đã có cơ hội thi triển, biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam trước đông đảo bạn bè quốc tế và được mọi người hết lời khen ngợi.

Đó là dịp thiền viện Amitabha tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa các dòng phái trên thế giới (ADC), quy tụ các đại biểu đến từ nhiều nơi như Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Tây Tạng và Việt Nam. Để chuẩn bị cho ngày hội văn hóa lớn này, võ sư Hai đã khẩn trương cho các học trò của mình luyện tập bài Tứ diện trấn môn truyền đặc sắc của môn phái.

Trong ngày hội ADC, trước sự chứng kiến của đông đảo tăng ni từ nhiều nơi trên thế giới, các ni cô tự viện Amitahba đã biểu diễn bài quyền do thầy Hai truyền dạy đầy ấn tượng với những động tác uyển chuyển, mạnh mẽ, dứt khoát, khiến đại diện các dòng phái khác “chấn động”.

 

Video các ni cô Nepal biểu diễn võ thuật

Bà Jetat Tenzin Palmo, trụ trì tại tự viện Dongyu Gatsa ở bang Himachal Pradesh của Ấn Độ khi chứng kiến các bài quyền của những ni cô này đã vô cùng ấn tượng và ngưỡng mộ. Bà nhận xét: “Mọi người hoan hô nhiệt liệt trước màn biểu diễn quá tuyệt vời của các ni cô. Tôi nghĩ rằng các nhà sư và lạt ma của dòng phái khác chứng kiến buổi biểu diễn đó đã rất ghen tị”.

Về phần mình, đích thân võ sư Hai cũng đại diện cho đoàn Việt Nam biểu diễn bài quyền Lão hổ trường sơn trên nền nhạc “Dòng máu Lạc Hồng” hào hùng, và bài quyền này của ông đã cúp lưu niệm tượng trưng cho tiết mục xuất sắc nhất trong ngày hội ADC.

Bài biểu diễn của các ni cô Nepal và võ sư Hai đã khiến võ cổ truyền Việt Nam trở nên nức tiếng trên dãy Himalaya. Nhiều tự viện khác đã ngỏ ý muốn đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam tới giới thiệu và giảng dạy cho các ni cô của mình để giúp họ rèn luyện thể lực và ý chí phục vụ cho quá trình tu tập, tuy nhiên ý định này của họ vẫn chưa thành công do sự hạn chế về nhân lực.

Nức tiếng võ Việt trên dãy Himalaya (Kỳ 3) - 2
Các học trò của võ sư Hai đã góp phần giúp võ Việt "nức tiếng" trên dãy Himalaya

 

Sau quá trình luyện tập, các ni cô cũng có những chuyển biến rõ rệt về thể lực, độ dẻo dai, khả năng tập trung và thiền định sau quá trình luyện tập. Giờ đây, họ có thể tự mình làm được mọi việc tại tự viện và được mọi người nể trọng hơn. Học võ cũng chuẩn bị cho họ một nền tảng thể lực dồi dào và một “tinh thần thép” để có thể sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như trận động đất vừa qua.

Theo bà Palmo, việc học võ sẽ giúp các ni cô có được “lòng tự tôn”, thứ mà những ni cô trẻ còn thiếu trong các tự viện. Bà cho rằng các ni cô trẻ thường không được đào tạo để có sự tự tin vào bản thân, mà luôn phải tỏ vẻ khiêm nhường, cung kính, đặc biệt là trước nam giới. Bà nói: “Học võ thuật giúp các ni cô có thể tự bảo vệ mình trước những kẻ chòng ghẹo, và cũng có thể bảo vệ được những người khác, bởi thế, họ xứng đáng là những nữ anh hùng võ thuật”.

Nức tiếng võ Việt trên dãy Himalaya (Kỳ 3) - 3
Võ sư Hai chụp ảnh cùng các ni cô Nepal

 

Hết 5 tháng huấn luyện cơ bản, võ sư Hai trở về nước, trong khi 4 ni cô Việt Nam tiếp tục ở lại tự viện Amitabha để hướng dẫn cho các võ sinh duy trì luyện tập. Đến năm 2011, ông Hai lại tiếp tục trở lại tự viện Amitabha một lần nữa để luyện tập bài múa rồng cho các ni cô, và rất hài lòng khi chứng kiến thành tựu của những học trò Nepal đầu tiên mà mình đã đào tạo.

Mới đây, khi nghe tin Nepal phải hứng chịu trận động đất kinh hoàng, võ sư Hai rất đau lòng khi chứng kiến những thiệt hại về người và của mà nước này phải gánh chịu. Nhưng ông cũng rất mừng vì những học trò của ông ở tự viện Amitabha vẫn bình an vô sự, và ông càng vui mừng hơn nữa khi họ đã biết áp dụng những kỹ năng võ thuật mà ông truyền thụ để bình tĩnh thoát khỏi trận động đất và giúp đỡ những người khác khắc phục hậu quả thảm họa.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Võ sư Việt dạy võ giúp ni cô Nepal thoát động đất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN