Nữ tiều phu trên chuyến tàu "sinh tử"

Công việc của những nữ tiều phu mệt nhọc và đầy hiểm nguy khi phải liều mạng trên các chuyến tàu "sinh tử".

Khi mọi người vẫn đang chìm say trong giấc ngủ thì nơi xóm nhỏ cạnh nhà ga Kim Liên, (xóm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã le lói ánh đèn. Một vài chuyến tàu chạy qua rộn tiếng còi và ánh đèn sáng trưng. Ngày ngày, cứ 4 giờ sáng là những phụ nữ nơi đây lại lục đục thức dậy để chuẩn bị “cơm đùm cơm nắm” cho cuộc hành trình mưu sinh của một ngày mới. Hành trang mà họ mang theo không thể thiếu là một cây rựa, người bạn lao động thân thiết của những phận nữ tiều phu.

Đúng 5h sáng,  các nữ tiều phu đã có mặt tại nhà ga Kim Liên. Khi những chuyến tàu hàng đầu tiên chầm chậm đáp sân ga rồi dừng lại chốc lát, họ vội vã nhảy lên bám níu vào những toa tàu để đi ké.

Họ ngồi trên các toa tàu hàng, bóng tối không nhìn rõ mặt, tiếng ngáp ngủ tranh thủ xen đôi câu trò chuyện bị lấn đi bởi tiếng động cơ tàu. Những câu chuyện vui buồn một đời bám trụ với rừng được giãi bày.

Khoảng cách từ nhà ga Kim Liên qua ga Hải Vân Bắc dài 30km, phải vượt qua 6 hầm, 18 cầu, đường có độ dốc cao và phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi tàu vừa băng qua những khúc cua nguy hiểm của đường đèo Hải Vân cũng đúng lúc mặt trời hé những tia nắng ban mai.

Nữ tiều phu trên chuyến tàu "sinh tử" - 1

Các tiều phu ngồi vắt vẻo trên nóc tàu trong hành trình vào rừng mưu sinh

Tàu vào ga Hải Vân Bắc bắt đầu hãm phanh, tốc độ giảm xuống 10km/h, không đợi tàu dừng lại hẳn, các nữ tiều phu lập tức nhảy xuống lề đường rất sành sỏi. Họ tiếp đất nhẹ nhàng bằng cả hai chân, trong khi trên tay vẫn  cầm cây rựa, cuộn dây để bó củi và một ba lô sau lưng.

“Họ nhảy tàu như rứa quen rồi. Đến đây là họ tranh thủ nhảy để khi tàu dừng hẳn khỏi phải đi bộ một quãng mỏi chân. Nhảy xuống đây là họ chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là có đường đi thẳng vào rừng” -  chị Hồng, một người bán hàng rong trên tàu cho biết. 

Để vào được chỗ đốn củi, các nữ tiều phu phải đi bộ thêm khoảng 5km đường rừng chằng chịt cây cối, bụi bờ rậm rạp. Leo được một đoạn là mồ hôi đã ướt nhễ nhại, chân mỏi nhừ, miệng thở hổn hển không ra hơi nhưng muốn kiếm được củi tốt, họ phải lặn lội vào sâu trong rừng.

Nữ tiều phu trên chuyến tàu "sinh tử" - 2

Các tiều phu men theo con đường nhỏ vào rừng đốn củi.

Tới nơi, người lượm, người chặt, người leo lên cây cao chót vót để chặt những cành củi khô lôi xuống, thậm chí củi trong các bụi gai sắc nhọn cũng phải rúc đầu, thò tay vào để lấy ra. Đến giờ trưa, không ai bảo ai, mọi người lấy cặp bánh chưng đem theo khi sáng ra ăn. Phần ăn trưa mang theo còn có đùm cơm được vắt tròn cuộn trong mảnh vải sạch sẽ, khi ăn phải lấy dao xẻ ra thành từng miếng chấm với muối vừng. Bữa cơm đạm bạc giữa rừng nhưng ai nấy ăn rất ngon miệng sau giờ lao động vất vả.

Chị Nguyễn Thị Hoa Hoa (45 tuổi, trú tổ 6, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Vào rừng nếu lỡ gặp mưa thì người ướt lạnh, rít ráy khó chịu lắm. Muỗi vằn, vắt, bọ bu bám… gây sốt rét trong rừng là chuyện bình thường”.

Nữ tiều phu trên chuyến tàu "sinh tử" - 3

 Muốn kiếm được củi nhiều và tốt, các nữ tiều phu phải vào sâu trong rừng.

Ăn xong, không kịp nghỉ ngơi, các nữ tiều phu lại tiếp tục bắt tay vào công việc. Với những thao tác nhanh thoăn thoắt, củi được chặt ra từng khúc dài tầm 1m, xếp thành từng ôm và bó gọn lại, mỗi bó nặng chứng 30kg. Quãng 3 giờ chiều, họ lần lượt cất củi lên vai và vác ra tập kết ở hai bên đường ray gần ga Hải Vân Bắc. Lúc này, cơ thể họ đã thấm mệt, thêm bó củi nặng đè trên vai giữa nắng nóng khiến các khuôn mặt đỏ bừng, nhăn nhó.

Đợi đến 6 giờ tối, đoàn tàu hàng chầm chậm vào ga, lúc tàu chuẩn bị dừng, các tiều phu bốc vội bốc vàng củi lên toa tàu trống. Sau rồi họ lại bám theo chuyến tàu để mang củi về nhà.

Bà Thanh đã ngoài 60 tuổi (ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) ướt đầm mồ hôi nói: “Mệt lắm nhưng người làm nghề này ai cũng phải khỏe cả, có khỏe mới vác nổi những bó củi chứ”.


 Nữ tiều phu trên chuyến tàu "sinh tử" - 4

 Mỗi ngày các nữ tiều phu mang về vài ba bó củi thế này.

Mỗi ngày kiếm được 3 bó củi, giá mỗi bó không đến 20.000 đồng. Trừ những ngày mưa gió, ốm đau, thu nhập của những tiều phu nơi đây chỉ còn lại khoảng dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập ấy chẳng bù đắp nổi mồ hôi, công sức mà họ đổ ra. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, hơn 20 hộ gia đình ở các xóm nhỏ dọc đường ray xe lửa gần ga Kim Liên vẫn bám trụ với cái nghề vất vả, nặng nhọc này.

Trong số những người gắn bó với nghề tiều phu, ông Trần Văn Khánh (60 tuổi, trú ở tổ 6, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là người cao tuổi nhất. Đi rừng từ năm 15 tuổi, đến nay ông đã có 45 năm trong nghề nhưng sức vẫn còn dẻo dai, đôi chân vẫn còn khỏe lắm.

Nhìn những chị em vất vả với nghề, ông Khánh tâm sự: “Nghề đi rừng đốn củi ở đây đã có từ bao đời, khoảng hơn chục năm trở về trước cả khu vực đều làm nghề này. Thậm chí người ở tít dưới tận các phường Hòa Minh, phường Hòa Khánh cũng lên đây để đi rừng. Riêng tui, từ thời ba mẹ tui đã đi rừng, lớn choai choai tui cũng phải xách rựa vào rừng đốn củi. Nhà nghèo, học hành ít nên đành phải vào rừng mà kiếm sống thôi”.

Vẫn biết cái nghề này là cực, là khổ nhưng nhiều chị em chấp nhận “lỡ bám níu rồi phải theo thôi, chứ biết làm nghề chi bây chừ”. Đang ngồi nhờ con gái út bóp chân cho đỡ nhức mỏi, chị Giang (trú tổ 9, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) than thở: “Mọi người thấy đấy, đứng tuổi, từng trải và chân khỏe như tui còn không chịu nổi”. Vừa nói chị Giang vừa chỉ những vết sẹo ở tay, ở chân mà khi đi rừng chị bị trượt ngã hay bị lưỡi rựa sắc liếm phải. Các vết sẹo chi chít cả cũ lẫn mới làm cho chân tay của chị sù sì như vỏ cây thông.

Tuy chấp nhận an phận với nghề nhưng không bao giờ các nữ tiều phu ở đây để con cái của mình phải vào rừng đốn củi. Dường như trong thâm tâm, họ đã nhận ra cần có sự thay đổi về công việc cho con em mình chứ không thể cha truyền con nối mãi cái nghề này. Vì thế, họ cố gắng tạo điều kiện để con cái được học chữ, học nghề mong có được tương lai tươi sáng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Kiều - Đăng Khoa (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN