Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan

Chỗ tá túc của 3 bà cháu em Lại Thị Thẩm (nữ sinh bị nghi oan lấy trộm tiền ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TPHCM) chỉ là một túp lều tuềnh toàng, mái tranh, nền đất.

Sáng 26/12, em Lại Thị Thẩm (học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM) bị cô giáo nghi oan lấy cắp 1 triệu đồng. Sau đó, cô giáo và thầy Tổng phụ trách Đội đã giao em Thẩm cho cơ quan công an xã Trung Lập Thượng thẩm vấn.

Thấy em gái chỉ đi có một mình, anh trai của Thẩm mới học lớp 5 đã đi theo em đến công an xã. Mãi đến 13 giờ cùng ngày, khi cô giáo báo tin tiền vẫn còn trong túi xách của cô, hai anh em Thẩm mới được cho về nhà.

Khi sự việc đau lòng xảy ra, bà ngoại cũng là người thân duy nhất sống cũng hai em đang đi mua trúc để đan liếp lấy tiền sinh sống, nên không biết chuyện.

Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan - 1

Cuộc sống của cả ba bà cháu chỉ dựa vào số tiền đan liếp của bà Tặng


Sáng 27/12, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến thăm gia đình em Thẩm. Chỗ tá túc của ba bà cháu là căn phòng tuềnh toàng với mái tranh tre, nền đất, được chống đỡ bằng mấy cột gỗ đã bị mọt mối ăn loang lổ.

Trong nhà không hề có một vật dụng gì giá trị. Chiếc võng đã rách, vài chiếc bát và nồi niêu cũng bị sứt mẻ. Nước sinh hoạt phải đi kéo tạm nhà người con trai sát vách.

Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan - 2

Ba bà cháu em Thẩm trong căn lều cất tạm bợ


Bà Lê Thị Phương Hồ, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng, cho biết gia đình bà Tặng thuộc hộ nghèo trong xã. Ba mẹ li dị, đã có gia đình riêng nên ngay từ khi còn rất nhỏ, hai anh em Thẩm đã về sống với bà ngoại đang ở nhà người cậu làm phụ hồ.

Không muốn gia đình người con trai thêm vất vả, bà Tặng dắt hai cháu ra dựng tạm túp lều bên cạnh để ở. Cuộc sống hàng ngày chỉ biết trông chờ vào vài chục ngàn đồng kiếm được bằng nghề đan liếp của bà cụ đã 70 tuổi.

Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan - 3

Nỗi đau của bà ngoại nữ sinh bị nghi oan - 4

Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá


“Mỗi ngày, khỏe thì đan được hai tấm, mà mệt thì một thôi cô ơi. Mỗi tấm liếp, trừ tiền mua nguyên liệu, tui lời được mấy ngàn đồng”. Nói rồi, bà Tặng chìa đôi bàn tay nứt nẻ với những vết trầy xước, sưng đỏ do vết sắc của cạnh những thanh liếp cứa vào cho chúng tôi xem.

Bà Tặng cho biết, cả ba và mẹ em Thẩm đều nghèo nên không hỗ trợ được gì cho các con. Biết chuyện xảy ra với con mình nhưng cả ba mẹ Thẩm cũng không có điều kiện đến thăm. Bà nội Thẩm bị cụt hết tay chân, thỉnh thoảng ông nội chở đi bán vé số. Có lần gặp ở trường, bà nội cho cháu 10.000 đồng rồi thôi.

“Tui già rồi, nhà cũng không có gì nhưng chúng nó không thể bỏ học, bởi không học rồi mai này biết làm nghề gì mà sống, chẳng lẽ lại chỉ biết làm mỗi nghề đan liếp như tui...” - bà Tặng buồn buồn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Trinh - Q.Thắng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN