Nơi cô dâu không được mặc váy ngày cưới
Trước khi đi đăng ký kết hôn, phải “đặt cọc” với chính quyền xã hai triệu đồng và còn nhiều chuyện phi lý khác nữa tưởng chừng không còn tồn tại nhưng lại đang diễn ra tại một miền quê đất Kinh Bắc.
Đám cưới là ngày trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Bất cứ cô dâu nào cũng muốn mình thật lộng lẫy trong chiếc váy trắng tinh khôi để bước lên xe hoa. Tuy nhiên, không ít người ngạc nhiên trước câu chuyện một xã lại có quy định cấm cô dâu mặc váy cưới. Được biết, nếu vi phạm “lệ” này, gia đình họ sẽ bị phạt tiền và mất danh dự với làng xóm. Điều đáng nói đó là chuyện tưởng phi lý đó đã và đang tồn tại ở một miền quê vùng Kinh Bắc.
Muốn cưới phải đặt cọc hai triệu
Một chiều chủ nhật, cậu bạn tên Trung, học cùng trung học phổ thông “alo” tôi ra quán cà phê để đưa thiếp cưới. Ra đến nơi, Trung và vợ sắp cưới đã có mặt từ trước. Sau khi nói chuyện rất vui vẻ, tôi buột miệng khen: “Bạn gái cậu dáng đẹp như thế này chắc mặc váy cưới thì hết chê rồi”. Tôi vừa nói dứt lời, hai vợ chồng Trung nhìn nhau cười đầy ẩn ý. Trung nhăn mặt bảo tôi: “Tiếc là đám cưới vợ tớ không được mặc váy”. Cậu bạn nghiêm nghị cho biết, đó là quy định của xã. Nếu ai vi phạm thì coi như mất tiền và danh dự với cả làng. Tò mò, tôi quyết định theo đôi vợ chồng trẻ về quê để tìm hiểu “lệ” làng này.
Quê Trung là làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng với nghề gốm truyền thống đã nổi tiếng trên cả nước. Từ lâu, chúng tôi đã biết về gốm Phù Lãng và cũng từng đến vùng đất này. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, chúng tôi mới biết có một nét “văn hóa” có một không hai: Cô dâu không được mặc váy cưới.
Một đám cưới đúng cam kết không kẹo bánh, không thuốc lá, không mặc váy
Trung dẫn chúng tôi về nhà chơi như đã hẹn. Sau bữa cơm trưa ấm cúng cùng gia đình, ông Minh, bố đẻ Trung cầm cuốn sổ khoe với PV về những đồ lễ mà ông đã sắm sửa, chuẩn bị lo đám cưới cho cậu con trai lớn. Bỗng dưng Trung hỏi: “Bố đã chuẩn bị tiền đặt cọc để tuần sau con đi đăng ký kết hôn chưa ạ”. Thấy chúng tôi khó hiểu, Trung phân trần: “Mình chỉ đặt cọc hai triệu đồng vậy thôi chứ cưới xong lại được lấy về. Nếu gia đình nào mà không thực hiện theo nếp “văn hóa” mới sẽ bị phạt số tiền đó. Nhà mình cũng không có ý định vi phạm nhưng nó là quy định rồi. Lâu nay ai tổ chức đám cưới cũng làm vậy, nên mình cũng phải làm theo”. Tôi nghĩ bụng, chẳng lẽ việc đăng ký kết hôn lại như kiểu cầm đồ trên phố?.
Được biết, xã Phù Lãng có năm thôn. Người dân trong xã từ trẻ đến già đều thuộc như lòng bàn tay cái quy định về đám cưới văn hóa mới. Trong đám cưới, gia đình không được bày thuốc lá, không được bày bánh kẹo. Đặc biệt nhất, cô dâu không được mặc váy mà thay bằng chiếc áo dài truyền thống. Thanh niên trong xã bây giờ hay gọi đùa đó là chiến dịch “ba không” cho văn hóa. Trẻ con lên năm lên bảy có khi đọc vanh vách quy định như bảng cửu chương. Cái quy định ấy đã thành “lệ” ở vùng đất này. “Lệ” được hiện thực bằng cách “đánh” trên kinh tế và danh dự của mỗi gia đình nên ai cũng phải tuân theo. Được biết, mức phạt ai không chấp hành là hai triệu đồng. Số tiền ấy bắt buộc phải nộp khi đôi uyên ương tới xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Bác Minh cho biết: “Việc làm này chẳng khác nào mấy ông xã nắm dao nắm đằng chuôi. Gia đình nào vi phạm quy định của xã thì không thể lấy lại số tiền đã đặt cọc. Và đương nhiên, gia đình đó cũng phải chịu cảnh lời ra tiếng vào. Còn những người nào sau đám cưới được đến lấy lại tiền cũng coi như lấy lại danh dự cho cả gia đình, dòng họ”.
Cô dâu chú rể hạnh phúc trong chiếc áo dài truyền thống ngày cưới
Mặc váy cưới là “bôi bẩn” uy danh dòng họ?
PV tiếp tục tìm đến nhà vợ chồng Trần Văn Tuấn (SN 1989) và Phạm Thị Phương Hiền (SN 1988). Đôi bạn trẻ này đang tất bật chuẩn bị cho đám cưới. Trên chiếc phông treo trước rạp, chúng tôi thấy ảnh cưới của đôi vợ chồng trẻ có cảnh cô dâu mặc váy. Chưa kịp thắc mắc thì Tuấn đã nhanh miệng nói luôn: “Chị định hỏi về cái váy cưới phải không? “Lệ” xã không cho mặc váy vào ngày cưới nhưng chụp ảnh thì thoải mái”. Tôi quay sang Tuấn cười, hỏi đùa: “Nhìn vợ em mặc váy cưới xinh vậy mà không dám mất hai triệu đồng diện váy cưới à?”, Tuấn gãi đầu bảo, thực ra số tiền đó so với một đám cưới không đáng gì cả. Kể cả mất 5 - 10 triệu đồng cậu cũng không “ngại” nhưng nhà có mấy bác đều làm trên ủy ban xã. Tuấn sợ làm trái quy định gây khó cho người thân. Hơn nữa, việc vi phạm quy định gây mất danh tiếng cho dòng họ, gia đình. Suốt ngày phải chịu sự xì xào của thiên hạ. Họ sẽ nói rằng, bố mẹ không biết dạy con.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở xã Phù Lãng đã bắt đầu có một “cuộc cách mạng ngầm” của những cô dâu mang tính cách nổi loạn. Họ là những cô gái lấy chồng “thiên hạ” (những người lấy chồng không ở trong xã Phù Lãng - PV). Những cô gái này dám mặc váy cưới vì họ lấy chồng xã khác, đăng ký kết hôn ở quê chồng. Ở đó, chính quyền chưa “cập nhật” được những quy định “oái oăm” này. Nguyễn Thu Hường (SN 1991 Thôn Đồng Sài, Phú Lãng) là một điển hình. Cô lấy chồng bằng tuổi ở xã bên cạnh. Vì là cháu gái cả trong gia đình, lại cưới đầu tiên nên ông bà nội của Hường muốn cô mặc áo dài truyền thống theo quy định ở xã. Việc làm này sẽ làm gương cho các em sau này.
Tuy nhiên, khi nghe những lời góp ý của ông bà, cả Hường và chồng đều không chịu. Vợ chồng này vẫn quyết tâm mặc váy trong ngày cưới. Ngày cưới đã định trước, không thể hủy hôn nên ông bà nội Hường đã dàn xếp với gia đình thông gia không cho xe hoa đến đón dâu. Họ làm như vậy chỉ với mục đích dọa cô cháu ương ngạnh. Tưởng rằng sẽ ngăn cản được ý định phá lệ làng của đôi trẻ, nhưng trong lễ rước dâu, Hường vẫn mặc váy cưới, ngồi trên xe máy hồn nhiên tươi cười về nhà chồng. Hỏi Hường về quy định “ba không”, cô cười thỏ thẻ: “Các chị khác lấy chồng ở xã này thì phải chịu thôi. Bọn em bây giờ lấy chồng nơi khác đều bảo nhau mặc váy. Dần dần muốn các cụ thay đổi quan niệm đi. Đời con gái chỉ có một lần mặc váy lên xe hoa, nếu cấm thì còn gì là cảm giác cưới nữa. Hơn nữa, mặc áo dài cảm thấy mình không được lộng lẫy như người ta”.
Hầu hết những người thuộc thế hệ ông bà của Hiền, Tuấn và Hường đều cho rằng, mặc váy không “vừa mắt” bằng mặc áo dài. Chiếc áo dài vừa kín đáo, vừa gọn gàng, lại thể hiện được truyền thống của người Việt Nam. Hường kể, ông nội cô mắng: “Chiếc váy cưới dưới thì lòa xòa, trên thì hở hết cả thịt da. Mày mặc vào trông người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm mà cũng đua đòi”. Tuy nhiên, những thế hệ như bố mẹ cô thì lại thấy được sự thiệt thòi của con cái khi ngày cưới không được mặc váy. Nhưng, một chút tôn trọng người già, một chút e ngại đã khiến họ tặc lưỡi chiều theo ý của những con người đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Không có ông bà sao có bố mẹ, có các con.
Mặc váy cưới chẳng khác nào dùng chổi quét đường? Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Lên, phó chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết: “Quy định trên không phải do chúng tôi tự đặt ra mà do người dân đề nghị, lấy ý kiến đa số người dân. Từ đó, thông qua hội đồng nhân dân để đưa nó thành quy chế của địa phương. Việc làm này thực hiện nếp sống văn hóa mới”. Theo ông Liên, người dân ở đây nói với UBND rằng, do địa hình của địa phương, đường đất bẩn và bụi, mặc váy phủ xuống đường sẽ chẳng khác nào cái chổi sể quét đường. Thứ hai, do phương tiện đi lại trước đây hầu như chỉ có xe máy, mặc váy cưới mà ngồi xe máy thì vừa không thẩm mỹ lại mất an toàn. Thứ ba, người dân quê nhìn cái váy sẽ thấy lạc lõng với cuộc sống nghèo khó. Hơn nữa, hầu hết người dân cho rằng, áo dài truyền thống mặc vừa đẹp, vừa gọn gàng phù hợp với điều kiện của địa phương. Nếu bây giờ đại đa số họ bảo hủy quy định cấm mặc váy cưới thì chính quyền địa phương sẽ làm ngay. UBND xã không tự đặt ra quy định và cũng sẽ không tự phá bỏ quy định. |