Nơi an nghỉ của những vị tướng

Sự kiện: Thời sự

Không chỉ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, mà cách đây hơn 500 năm trước, từng có hai vị tướng phò tá Lê Lợi đánh tan quân Minh cũng đã chọn Vũng Chùa-Ðảo Yến làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Vì sao những vị tướng tài ba này lại chọn Vũng Chùa - Ðảo Yến làm nơi trở về mà không chọn nơi chôn rau cắt rốn của mình?

Nơi an nghỉ của những vị tướng - 1

Vũng Chùa - Ðảo Yến nơi có 3 vị tướng yên nghỉ

Tự hào vùng đất rồng cuộn, hổ phục

Đối với người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), suốt quá trình lịch sử lập làng, trong tâm thức của họ, Vũng Chùa – Đảo Yến luôn là chốn linh thiêng, chở che cho dân làng qua bao biến cố của thiên tai, địch họa.

Những bậc cao niên trong vùng cho rằng: Mũi Rồng, Mũi Ông, Đảo Yến… cả ba thực thể này hợp lại thành thế rồng cuộn, hổ phục, tạo nên vịnh Vũng Chùa. Hằng năm bão gió tơi bời đánh thẳng vào miền miệt biển này, nhưng thật lạ, Vũng Chùa luôn sóng yên biển lặng.

Theo lời cụ Lê Thanh Khành, cụ Nguyễn Văn Toại: Lịch sử ngót 700 năm lập làng, dân Quảng Đông luôn ý thức về sự tôn nghiêm của vùng đất Vũng Chùa - Đảo Yến. Đặc biệt ở khu vực núi Rồng, được xem là nơi hội tụ linh khí trời đất.Trên đỉnh núi, người xưa lập đàn đá để hàng năm tế lễ. Ngoài đàn tế này, ngay giữa lưng chừng núi Rồng còn có hai lạch nước, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông không lúc nào kiệt. Người dân nơi đây xem đó là long mạch của Vũng Chùa.

“Dân chúng tôi từ xưa đến nay, chưa một ai dám chôn cất người quá cố, làm nhà ở hay chuồng trại chăn nuôi ở khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến. Ai cũng biết vùng đất đó không phải dành cho những người tầm thường nên không dám mạo phạm. Người dân Quảng Đông thay nhau gìn giữ sự thanh sạch của Vũng Chùa – Đảo Yến, thăm thẳm đợi chờ một cơ duyên huyền diệu nào đó đến với vùng đất này” – Cụ Khành nói.

Nơi an nghỉ của những vị tướng - 2

Nơi an nghỉ của những vị tướng - 3

Ðền thờ các vị tướng còn đó và người dân Quảng Ðông mãi trân trọng bảo tồn, lưu giữ.

Cơ duyên của 500 năm trước

Cụ Toại cho rằng, mình không phải nhà phong thủy, hay thầy địa lí mà chỉ nghe cha ông truyền miệng lại rằng: Vùng đất Vũng Chùa – Đảo Yến có thế rồng cuộn, hổ phục, vững chãi như kiềng ba chân. Nơi đây nếu không sinh ra những bậc đế vương thì cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của những bậc anh tài kiệt xuất.

Theo cuốn Quảng Bình - Nhân vật chí do nhà Dư địa chí Nguyễn Tú biên soạn: Trần Đạt và Trần Khai là hai anh em ruột, đều làm tướng thời hậu Trần. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế ngôi vua Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ. Khanh tướng nhà Trần dấy binh phản ứng nhưng bị Hồ Quý Ly dập tắt. Tướng Trần Đạt và Trần Khai chạy về phương Nam, vượt Hoành Sơn, dừng chân bên bờ Bắc sông Gianh, khai canh ra làng An Bài, ngày nay là làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tiếp tục nuôi chí “phò Trần diệt Hồ”.

“Ở đây không có chuyện cạnh tranh, chèo kéo mô chú. Mình bán hoa cho bà con viếng mộ bác Giáp, đến đây ai cũng lòng thành, nên không thể làm chuyện khó coi được”. 

Cụ Nguyễn Thị Vân

Sau khi nhà Hồ bị quân Minh phế bỏ, hai tướng Trần Đạt và và Trần Khai lần nữa dấy binh, ra Bắc theo Giản Định Đế, rồi Trùng Quang Đế nhưng đều bị quân Minh đánh bại. Khi nghe Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, hai anh em Trần Đạt, Trần Khai đã đưa quân theo Lê Lợi đánh giặc.

Sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn ghi nhận, Bình Định Vương Lê Lợi đã phong đến chức Thừa tướng và Đại Tướng cho hai anh em nhà Trần Đạt và Trần Khai. Sau 10 năm kháng chiến, tướng Trần Đạt còn được phong Thái Tể Đường Quốc Công.

Hiển hách là vậy, nhưng khi lâm chung cả hai anh em tướng Trần Đạt và Trần Khai lại xin triều đình nhà Lê được về an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, cách làng Thuận Bài chừng 30 km. Theo đó, Tướng Trần Đạt được táng ở Đảo Yến, còn người em Trần Khai thì táng ở lưng chừng núi Rồng.

Gia phả họ Trần ở Thuận Bài còn chép, sau cụ Trần Đạt và Trần Khai, con cháu các cụ 6 đời kế tiếp đều làm tôi nhà Lê với 6 vị quận công, một vị quốc công, 7 vị tước hầu, 1 hoàng phi và 1 Hoàng Thái Hậu. Ghi nhận công lao của anh em tướng Trần Đạt, Trần Khai, triều đình và nhân dân đã xây chùa trên Đảo Yến, để hương hồn các cụ bình yên nơi cửa Phật.Bài vị của hai vị danh tướng Trần Đạt và Trần Khai vẫn được con cháu, dòng tộc thờ phụng trong nhà thờ họ Trần ở làng Thuận Bài, bên bờ Bắc sông Gianh.

Nơi an nghỉ của những vị tướng - 4

Mỗi ngày có hàng ngàn người về với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người về mang đến niềm vui

Đã 4 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa-Đảo Yến, hàng triệu đồng bào trong cả nước đổ về đây đã làm thay đổi một vùng quê nghèo khó dưới chân Đèo Ngang. Người dân hai bên mái Đèo Ngang bỗng chốc đổi đời nhờ vào những dịch vụ phục vụ du khách thập phương.

Đèo Ngang vẫn cỏ cây chen đá, lá chen hoa nhưng không còn bóng dáng của những tiều phu lầm lũi bên những mé rừng như bà Huyện Thanh Quan đưa vào thi ca thuở trước. Thay vào đó, những cô, những dì, những cháu nhỏ ăn mặc tươm tất đứng hai bên đường, với những gánh hoa vàng óng hòa trong dòng người bất tận đổ về viếng hương hồn Đại tướng.

Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở Minh Sơn nói: “Từ ngày bác Giáp về, tui không đi hái củi nữa mà mở quầy bán hoa cho bà con viếng mộ bác. Ngày xưa đi hái củi trên núi cả ngày, vất vả, lấm lem nhưng không đủ tiền mua gạo. Từ ngày Đại tướng về, thu nhập gia đình ổn định, đủ cơm nước hàng ngày còn có tiền cho con ăn học. Bác Giáp về đây giúp cho nhiều phận nghèo đổi đời chú ạ” - Chị Lan tâm sự và không giấu thu nhập của mình, tiền lãi có khi lên đến nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ bán hoa và vật lưu niệm.

Con đường dẫn từ quốc lộ 1A vào Vũng Chùa dài, nhiều cây số. Hai bên đường vàng óng hoa tươi. Hàng trăm người dân nghèo xã Quảng Đông tham gia bán hoa tươi, nhưng họ không chen lấn, chèo kéo như ở nhiều khu du lịch khác. Cụ bà Nguyễn Thị Vân nâng bó hoa tươi trao cho du khách, cầm về 30.000 đồng nói: “Ở đây không có chuyện cạnh tranh, chèo kéo mô chú. Mình bán hoa cho bà con viếng mộ bác Giáp, đến đây ai cũng lòng thành, nên không thể làm chuyện khó coi được. Bác Giáp về đây là để giúp dân nghèo chúng tôi, mình phải biết lễ nghĩa chú ạ”.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết: Từ khi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp về Vũng Chùa - Đảo Yến đã có hơn 5 triệu lượt du khách thập phương về viếng mộ Đại tướng. Xã Quảng Đông, vùng đất nghèo dưới chân Đào Ngang đang đổi thay từng ngày nhờ vào ân uy của Đại tướng. “Người nghèo, người già, trẻ con thì bán hoa; người có ít vốn, có sức khỏe thì mở nhà hàng, khách sạn… Ai cũng ăn nên làm ra. Từ khi Đại tướng về đây, cùng với hai vị tướng nhà Trần, vùng đất này được tiếp thêm linh khí, trĩu nặng ân tình”.

Mũi Rồng, Mũi Ông, Đảo Yến… cả ba thực thể này hợp lại thành thế rồng cuộn, hổ phục, tạo nên vịnh Vũng Chùa.Hằng năm bão gió tơi bời đánh thẳng vào miền miệt biển này, nhưng thật lạ, Vũng Chùa luôn sóng yên biển lặng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN