Cụ bà hơn 30 năm trông mộ Vua trên đỉnh Mã Yên Sơn

Đã hơn 30 năm trôi qua, cụ bà ngoài 90 tuổi vẫn âm thầm ngày đêm quét dọn, trông coi phần mộ Vua Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh núi Mã Yên, xem đó như một niềm vui, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

Hơn 30 năm gắn mình trên đỉnh Mã Yên

Trong cái nắng chói chang của những ngày đầu hè, chúng tôi có dịp được về Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) tham quan, thưởng ngoạn. Trong chuyến đi lần này, vô tình tôi bắt gặp một hình ảnh đậm chất nhân văn cao cả, đó là hình ảnh một cụ bà dáng lom khom tay đang cầm chiếc chổi tre quét từng bậc cầu thang nơi khu di tích phần mộ Vua Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh núi Mã Yên.

Hỏi ra mới biết cụ là Dương Thị Sửu (sinh năm 1925), quê ở thôn Tam Kỳ Tam, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Cụ Sửu chính là  người đã hơn 30 năm qua nguyện gắn mình với công việc quét dọn, thắp nhang và trông coi khu di tích mộ Vua Đinh Tiên Hoàng.

Những ngày này, lượng khách tìm về đất Cố đô Hoa Lư trở nên đông đúc. Công việc của bà cũng bận rộn hơn bao giờ hết. Từ dưới chân núi Mã Yên lên đến khu mộ Vua Đinh Tiên Hoàng có tổng thể 265 bậc thang. Siết chặt chiếc ba lô trên vai, tôi bắt đầu theo chân cụ Sửu đi từng bậc cầu thang dẫn lối lên khu mộ vua.

Cụ bà hơn 30 năm trông mộ Vua trên đỉnh Mã Yên Sơn - 1

Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ Sửu vẫn ngày ngày leo 265 bậc thang lên núi quét dọn mộ Vua Đinh Tiên Hoàng.

Thời tiết hôm nay oi bức, ngột ngạt, mới chỉ leo được nửa chặng đường, tôi đã bắt đầu thấm mệt. Ấy thế mà, tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ Sửu vẫn rất khỏe khoắn. Với những bước chân chắc chắn, cụ sải bước qua từng bậc cầu thang, vừa đi cụ vừa cười bảo tôi: “Hôm nay Chủ nhật nên có rất đông khách, sáng sớm nay tôi đã đi xuống quét dọn một lần, giờ thấy lại có rác nên xuống quét dọn thêm lần nữa, tiện thể đi bộ luôn cho khuây khỏa đầu óc”.

Cầm nén nhang trên tay, cụ Sửu kể tiếp: “Đây cũng là cái duyên, từ nhỏ tôi đã nghe cha mẹ kể rất nhiều về Vua Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân.  Khi lớn lên, trong một lần lên đỉnh Mã Yên, tôi có dịp được tham quan khu mộ Vua Đinh Tiên Hoàng. Mãi đến năm 1982, khi biết tin Ban quản lý khu di tích phần mộ Vua Đinh Tiên Hoàng đang rất cần người trông coi, quét dọn, không chút đắn đo, tôi đã tìm đến Ban quản lý xin được làm công việc này”.

Kể từ đó cho tới nay, thấm thoắt cũng đã hơn 30 năm, ngày nào cũng thế, cứ mỗi sớm mai thức giấc, cụ lại chống gậy lom khom leo 265 bậc thang lên khu mộ Vua Đinh Tiên Hoàng để thắp nhang, quét dọn, hướng dẫn du khách đến tham quan. Hầu hết các du khách đến đây đều biết đến cụ.

Nhà có 3 người đi trông mộ

Ngồi nghỉ ngơi bên thềm đá, cụ kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ và câu chuyện gia đình cụ có đến 3 người nguyện gắn mình với việc trông coi mộ. Căn nhà nhỏ nằm sát dưới chân núi chính là nơi ở của gia đình cụ. Ngay từ khi còn nhỏ, bé Sửu đã gắn liền với cửa Phật. Năm lên 8 tuổi, bé Sửu được đưa vào chùa Nhất Trụ ở, đến năm 13 tuổi thì đi theo Phủ Mẫu. Khi đến tuổi 17, cô gái này quyết định xin về (xin kêu Khất) để tính chuyện lập gia đình.

Mãi đến năm 23 tuổi, Sửu có quen và thương yêu chàng trai Nguyễn Văn Quẩn người cùng thôn, hai người bắt đầu tiến đến hôn nhân, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Họ cùng nhau chung sống hạnh phúc và sinh được 10 người con (5 trai, 5 gái).

Thời gian thấm thoắt trôi qua, những người con của họ cũng dần lớn khôn, trưởng thành. Lúc này, sức khỏe của cụ ngày một yếu dần, thấy khu mộ Vua Đinh Tiên Hoàng không có ai trông coi nên cụ đã mạnh dạn xin ban quản lý được phép ngày đêm lên mộ vua để quét dọn và trông coi, nhang khói.

Ông Quẩn cũng rất tán thành với công việc cụ bà đã làm, sau này ông cũng xin được thực hiện công việc trông coi phủ Bà Chúa. Những hành động cao cả ấy khiến các con của họ hết sức ủng hộ. Thấy mẹ già, tuổi đã cao nhưng vẫn ngày đêm leo núi để quét dọn, thắp nhang trên mộ Vua Đinh Tiên Hoàng, anh Nguyễn Đình Năm nói với mẹ là muốn được cùng phụ giúp mẹ thực hiện công việc trông coi khu mộ vua.

“Tuổi thơ của Năm cũng gắn với biết bao kỉ niệm trên núi Mẫu Yên này. Từ nhỏ nó đã thường xuyên leo lên núi cắt cỏ, vui đùa với đám bạn. Trước kia, khu núi này đang còn hoang sơ, cây cối rậm rạp lắm. Ấy thế mà, cứ mỗi lần giận  bố mẹ là nó lại leo lên núi nằm ngủ trên tảng đá, đến chiều mới chịu về ăn cơm. Thấy con có tình cảm, có duyên với ngọn núi này nên tôi cũng đồng ý. Hai mẹ con cùng sớm ngày lên núi quét dọn, trông coi khu mộ vua”, bà Sửu tâm sự.

Cụ bà hơn 30 năm trông mộ Vua trên đỉnh Mã Yên Sơn - 2

Cụ Sửu quét dọn và thắp nhang trong khu di tích phần mộ Vua Đinh Tiên Hoàng.

Đi trông mộ gặp được thầy thuốc giỏi

Theo lời cụ kể, những năm tháng cùng nhau trông mộ có rất nhiều kỉ niệm. Đáng nhớ nhất vẫn là cái ngày mưa bão năm 1997. Hôm đó, cụ Sửu bị ốm nên đã nghỉ ở nhà, giao mọi công việc trông coi mộ cho anh Năm quản lý. Mặc cho trời mưa bão, anh Năm vẫn dậy từ rất sớm để leo núi lên mộ vua quét dọn, thắp nhang như thường lệ. Khi leo gần lên đến đỉnh núi, đột nhiên có một cơn gió rất to kèm theo mưa lớn, nền đá bậc thang lại trơn vì nước mưa nên anh  đã trượt chân ngã lăn xuống núi, rất may có gốc cây bên vách núi chắn nên anh chỉ bị thương ở chân.

Tưởng chừng sau cú ngã hôm đó anh chỉ bị trượt khớp chân, ngờ đâu sau hôm đó, anh Năm không thể đi lại được. Đôi chân tê liệt, anh chỉ biết nằm một chỗ nên đành gác lại công việc leo núi trông mộ. Thế nhưng, cứ ngày ngày anh lại nhờ vợ dìu lên đỉnh núi để được cùng mẹ trông coi mộ Vua Đinh Tiên Hoàng.

Một hôm, bằng nghị lực vượt lên số phận, anh đã quyết định một mình tự cố gắng len lỏi từng bậc cầu thang để vừa tập luyện cho đôi chân, vừa được lên mộ cùng mẹ trông coi mộ Vua. Và rồi dần cũng thành quen, anh đã làm được, tuy hơi vất vả với đôi chân khập khiễng nhưng cuối cùng anh cũng đã tự mình đứng lên đi được. “Thấy con tự đứng lên đi được, tôi cũng cảm thấy rất vui mừng. Kể từ đó hai mẹ con lại cùng nhau tiếp tục công việc này”, cụ Sửu chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu di tích, cụ kể tiếp: “Trước kia, khi chưa lên đây làm, tôi thường bị chứng bệnh rất kì lạ, lúc nào tay chân cũng cứ run lên bần bật, không làm được việc gì cả. Khi lên trông mộ, tôi may mắn gặp được hai vị khách là bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền trên Hà Nội. Thấy tôi bị bệnh, họ đã bắt mạch và kê đơn lá thuốc cho tôi. Theo đơn thuốc mà hai vị bác sĩ để lại, tôi thấy các vị thuốc trên núi Mẫu Yên này có rất nhiều nên đã bảo con trai lên lấy về sắc lấy nước uống. Sau khi uống thuốc như lời bác sĩ dặn, tôi hoàn toàn khỏi bệnh. Kể từ đó cho đến nay, tôi rất khỏe mạnh, chân tay không còn run nữa, ngày đêm vẫn leo núi lên mộ quét dọn, thắp nhang cho vua chu đáo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN