Những sự cố “không thể hiểu nổi” của hàng không Việt Nam

Sự kiện: Tin nóng

Không chỉ hạ cánh nhầm, phi công còn ấn nhầm code… khủng bố. Trong khi hàng loạt sự cố nghiêm trọng đã xảy ra tại sân bay, trạm kiểm soát không lưu.

Máy bay VNA hạ cánh nhầm vào đường băng chưa khai thác

Ngày 29/4 vừa qua, hàng không Việt Nam đã gặp phải một sự cố hy hữu khi chiếc máy bay của Vietnam Airlines chở 203 hành khách hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại sân bay Cam Ranh. Đây là sự cố nghiêm trọng nhóm B, chỉ sau mức độ tai nạn (nhóm A). Vụ việc đã được báo cáo lên Thủ tướng.

Những sự cố “không thể hiểu nổi” của hàng không Việt Nam - 1

Máy bay VN7344 nằm trên đường băng đang xây dựng

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy lỗi thuộc về tổ bay do xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định. Người trực tiếp điều khiển chuyến bay này là lái phụ người Việt Nam, còn cơ trưởng người Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan sát và cảnh báo.

Được biết đường băng đang xây dựng ở sân bay Cam Ranh chỉ sơn số 20 mà không có dấu hiệu nào khác. Đường băng này khá mới nên bêtông trắng sáng khiến hai phi công nhìn nhầm.

Ngay sau sự cố, cơ trưởng chuyến bay đã chủ động báo cáo, tường trình và cam kết tuân thủ mọi yêu cầu phục vụ công tác điều tra. Hãng hàng không cũng đã xin lỗi hành khách về sự cố đáng tiếc nói trên.

Máy bay mất liên lạc do kiểm soát viên không lưu… ngủ quên

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 9/3/2017, tổ lái 2 chuyến bay của Vietjet Air thực hiện hàng chục cuộc gọi nhưng không thể liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Vì vậy, hai máy bay này phải bay vòng khoảng 30 phút trên trời.

Nguyên nhân của việc này được xác định là do nữ kiểm soát viên không lưu trực chính ngủ quên trong khoảng thời gian đó.

Không có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nhưng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc nhân viên không lưu không trả lời liên lạc của tổ bay là một sự cố an toàn nghiêm trọng. Hai kiểm soát viên đã bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép kiểm soát viên không lưu trong 2 tháng.

Máy bay suýt đụng nhau trên không

Trước đó chưa đầy 1 tháng, vào ngày 20/2/2017, một máy bay dân dụng tại sân bay Cam Ranh nhận lệnh cất cánh đi Nội Bài.

Nhưng chỉ 2 phút sau, hệ thống chống va chạm trên không phát đi báo động có máy bay bay thấp hơn 500ft (152m) phía dưới. Chiếc máy bay này và một máy bay quân sự đang huấn luyện vi phạm phân cách tối thiểu.

Nguyên nhân dẫn tới sự cố uy hiếp an toàn bay này được xác định là do phối hợp điều hành bay chưa chính xác.

Hacker tấn công

Chiều 29/7/2016, một số khu vực quầy làm thủ tục hàng không tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc đột ngột bị tin tặc tấn công.

Các màn hình của sân bay đã bị chèn những hình ảnh và nội dung xuyên tạc. Hệ thống phát thanh của sân bay cũng phát đi những thông điệp tương tự. Đồng thời, một lượng lớn dữ liệu khách hàng của Vietnam Airlines bị hacker thu thập và phát tán.

Đây được đánh giá là cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào hệ thống thông tin hàng không của Việt Nam.

Những sự cố “không thể hiểu nổi” của hàng không Việt Nam - 2

Các thông tin chỉ dẫn trên màn hình ở sân bay Nội Bài đều bị tắt trong sự cố năm 2016

Theo Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav, việc tấn công vào hệ thống âm thanh, màn hình thông báo tại nhà ga cho thấy hacker đã xâm nhập được sâu vào hệ thống. Khả năng lớn là máy quản trị viên đã bị kiểm soát, theo dõi bởi phần mềm gián điệp (spyware).

Trung tâm kiểm soát không lưu mất điện hơn 1 giờ đồng hồ

Năm 2014, sự cố mất điện nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm điều hành không lưu TP.HCM (ACC HCM). Đây là sự cố hy hữu, đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trên thế giới.

Vào thời điểm đó, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đang có 54 máy bay hoạt động, 8 chiếc chuẩn bị hạ cánh. Sự cố kéo dài 35 phút, trong thời gian đó đã có thêm 92 máy bay bay vào vùng trời. Trong khi, Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp nhận máy bay.

Khi xảy ra sự cố, ACC HCM đã thực hiện phương án ứng phó không lưu, thiết lập cấp điện trực tiếp từ nguồn máy nổ để khôi phục nguồn điện, dùng tín hiệu radar của Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất để điều hành 8 chuyến bay hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quá trình xử lý đã không xảy ra uy hiếp an toàn bay.

Theo đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nguyên nhân sự cố mất điện Trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật.

Ấn nhầm code… khủng bố

Sau đó 1 tháng, vào tối 16/12/2014, một sự cố bi hài khác cũng đã xảy ra tại sân bay Nội Bài khi máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp trong tình trạng báo động.

Thông tin ban đầu cho hay máy bay bị khủng bố.

Những sự cố “không thể hiểu nổi” của hàng không Việt Nam - 3

Người nhà hành khách đứng chờ người thân tại sảnh đến nội địa sân bay Nội Bài lúc 22 giờ ngày 16/12/2014

Tuy nhiên, ông Lê Trường Giang – người phát ngôn của Vietnam Airlines đã bác bỏ thông tin này. Theo ông Giang, cơ trưởng người Séc đã thao tác nhấn sai mã thông báo tình trạng máy bay với mặt đất.

Cụ thể thay vì phải nhấn code khẩn nguy thì cơ trưởng đã ấn nhầm code… khủng bố. Khi nhận được thông báo “khủng bố”, các bộ phận liên quan ở sân bay quốc tế Nội Bài đã ngay lập tức triển khai kế hoạch theo tình huống đó.

Sau đó vài phút, cơ phó đã phát hiện sai lầm này và sửa lại.

Đã xác định nguyên nhân máy bay đáp nhầm đường băng

Cục Hàng không VN vừa thông tin liên quan đến vụ máy bay đáp nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại sân bay Cam Ranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN