Những phận người không Tết

Tết với nhiều người là dịp để sum vầy, đoàn tụ, nhưng có không ít người vì nhiều lý do mà không được hưởng không khí đó. Đối với họ, quà Tết là nụ cười của con nhỏ. Có người chỉ cần một tấm vé về quê với mẹ...

Chạy bệnh thay chạy Tết

Chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) ngày cận Tết tấp nập xe cộ vào ra. Từ đây, hoa quả theo các chuyến xe tới mâm cỗ Tết của từng gia đình.

Nằm sâu trong chợ, phía sau sự tấp nập, xa hoa đó là khu nhà cấp bốn mà những người lao động nghèo thuê. Con đường nhỏ dẫn vào khu trọ đọng nước đen ngòm, đặc mùi tanh, không một bóng người qua lại. Cuối con đường là nơi ở của ông Dương Đức Hùng, 70 tuổi (quê Khoái Châu, Hưng Yên), làm nghề quét chợ Long Biên được 8 năm.

Những phận người không Tết - 1

 Ông Dương Đức Hùng (70 tuổi, Hưng Yên) sống trong túp lều tạm bợ phía sau chợ Long Biên, làm nhiều việc kiếm sống qua ngày.

Ông Hùng sống trong căn lều rộng khoảng 6m2, cao chưa tới 2m, chất đủ loại đồ cũ lượm nhặt về. Ôm cái đài nhỏ trong tay, ông bảo: “Đây là đồ dùng giá trị nhất của vợ chồng tôi, cũng phải mất tới 150.000 đồng mới mua được. Tôi già rồi, có đài, nhà có thêm tiếng, đỡ lạnh lẽo”, ông nói.

Đơn sơ, tạm bợ vậy, nhưng vợ chồng ông Hùng phải bỏ 200.000 đồng mỗi tháng tiền thuê “mặt bằng”.

“Bị bệnh này thì làm gì có Tết. Xóm toàn những người nghèo với nhau, các nhà hảo tâm ủng hộ gì mình ăn thứ đấy thôi, có khi mì tôm, sữa, bánh mì… cũng là Tết”, bà Mai Thị Hạnh (71 tuổi, Tiên Lữ, Hưng Yên) chia sẻ.

Cầm tấm hình của vợ trên tay, ông cười: “Tôi gặp bà ấy hồi mới lên Hà Nội, khi đó bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Tôi chỉ nói bà về ở với tôi nhé!, thế rồi bà ấy về ở thật. Từ đó tới nay cũng đã 8 năm sống với nhau”.

Đối với những con người lao động ở đây như ông Hùng, Tết vẫn còn xa vì họ phải lao động cận lực, không có thưởng tết, sắm tết như bao người khác.

Trong khi đó, không còn nỗi lo “chạy Tết”, thay vào đó sự tất bật của những bệnh nhân từng ngày lo tiền chữa bệnh. Khu trọ của những bệnh nhân chạy thận (hay xóm chạy thận) nằm sâu trong con ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trong cái lạnh se sắt của mùa đông, mấy dãy phòng cấp 4 liền kề nhau lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng. Sự xuất hiện của cành đào nơi cuối xóm dường như mang không khí xuân sớm tới xóm trọ nghèo.

“Cành đào giả đó do mấy thanh niên trong xóm làm, mong mang chút xuân cho những người phải ở lại trị bệnh, không về quê dịp này được”, bà Mai Thị Hạnh (71 tuổi, Tiên Lữ, Hưng Yên) nói. Bà Hạnh có thâm niên 10 năm ở xóm này, cũng chừng ấy cái tết xa quê.

Bà Hạnh cười bảo: “Những người đông con cháu về hết, chỉ có người neo đơn như tớ là ở hay không cũng được”. Chồng hy sinh năm 1971, bà ở vậy nuôi con gái khôn lớn. Con đã lấy chồng nên bà về quê cũng chỉ một mình.

Chăm sóc chồng mổ tại Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Quán Sứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Liên (54 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, do vết mổ của chồng bị tràn dịch nên phải ở lại bệnh viện theo dõi.

“Tết này vợ chồng tôi sẽ không được về ăn Tết với con cái rồi”, bà buồn nói.

Những phận người không Tết - 2

Bà Mai Thị Hạnh (71 tuổi, Hưng Yên) thêm một năm đón tết ở xóm chạy thận.

Còn tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội), dù tết đã cận kề, nhưng người ra, kẻ vào vẫn chẳng bớt hơn.

Bé Lữ Mai Ân (27 tháng tuổi, quê Ninh Bình) bụ bẫm, bi bô hát trong khi người mẹ buồn thiu trước căn bệnh bạch cầu cấp của bé.

“Ba tháng trước, Ân nổi hạch, Bệnh viện Nhi chẩn đoán bị hạch viêm, nhưng uống thuốc mãi không khỏi. Thậm chí, chân phù nề, bụng chướng, mắt đọng máu, chân răng chảy máu… Gia đình đưa bé quay lại khám mới phát hiện và chuyển sang Viện Huyết học chữa trị. Bác sĩ chỉ định, tết này phải ở lại viện điều trị. Mất tết cũng được, chỉ mong con sớm khỏe thôi”, chị Nguyễn Thị Nhàn (mẹ bé Ân) kể.

Nghe nhắc tới Tết, Ân luôn miệng đòi về nhà, về với ông nội, với em Gấu (em họ). 

Mong ước sum họp

Nhớ về những cái tết ở Hà Nội, ông Dương Đức Hùng kể, đêm giao thừa đang quét rác thì nghe tiếng pháo hoa nổ, ngước mặt nhìn về phía hồ Gươm thấy pháo hoa sáng cả góc trời mới sực nhớ là đã sang năm mới.

“Xem pháo hoa mà lòng cứ nao nao, nhớ quê, thương mẹ già lại năm nữa không có con về”, ông Hùng nhớ lại.

Hết pháo hoa, mỗi người đi qua đều chúc ông năm mới sức khỏe, phát tài, nhặt được nhiều đồng nát… Ông cảm ơn, chúc đáp rồi lại lặng lẽ cúi mặt xuống đường và quét.

Ông vào nhà lục lọi đống đồ rồi khoe, năm nay, ông được Ban quản lý chợ Long Biên hỗ trợ vé xe về quê đón tết. Ông còn khoe thêm 2 phiếu đổi quà tết cho người nghèo của một đơn vị tặng.

“Chỉ được cho 1 vé xe, tôi đành về một mình, vợ vẫn phải ở lại đây. Năm nay mẹ tôi tròn 90, tôi phải về mừng thọ mẹ!”, ông móm mém cười, khoe cả hàm lợi không còn một chiếc răng.

Với bệnh nhân ở xóm chạy thận, hỏi về việc đón tết, bà Mai Thị Hạnh khẽ gạt đi: “Bị bệnh này làm gì có tết. Xóm toàn những người nghèo với nhau, các nhà hảo tâm ủng hộ gì mình ăn thứ đó, có khi mì tôm, sữa, bánh mì… cũng là Tết”.

Khác với người già, những đứa trẻ phải trị bệnh qua Tết lại có những niềm ao ước giản đơn.

“Tết con được lì xì đỏ, được cho em Tũn (tên con heo đất) ăn, được ăn nhiều kẹo, còn được đi chơi nữa”, bé Bùi Hải Chi (4 tuổi, quê Hải Phòng) – đang điều trị bạch cầu tủy tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lý nhí nói, rồi bé nhoẻn miệng cười tinh nghịch, vẫn chưa hay mình sẽ phải ở lại viện đón Tết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiêu Giang - Giang Thanh (Tiền Phong)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN