Những phận đời mưu sinh để... chạy thận

Mang căn bệnh hiểm nghèo, chấp nhận sống chung thân với bệnh tật từ số phận, cuộc sống trăm bề khó khăn nhưng họ không đầu hàng hoàn cảnh. Vừa đấu tranh chống lại nỗi đớn đau của thân xác, vừa cặm cụi lao động mưu sinh bằng chút sức tàn còn lại, với những người bệnh này, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh, trở thành ngôi nhà nương náu qua ngày.

Đoạn trần ai của một cựu nhà giáo và tấm bằng đại học cho con

Câu chuyện tình cờ của nữ điều dưỡng Ngọc Mai tại khu chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh về người bệnh, cựu nhà giáo Dương Tận 14 năm chạy thận, bán vé số mưu sinh vẫn nuôi con ăn học nên người thôi thúc chúng tôi trở lại khu vực đặc biệt dành cho những người vướng căn bệnh nan y này.

Vừa cất lời hỏi về người bệnh từng là nhà giáo đang bán vé số ở đây, nữ bệnh nhân Dương Thị Thu Hương đang ngồi chờ đến lượt chạy thận ngoài hành lang đã nhanh nhảu: ông ấy vừa ở trong (vừa chạy thận – PV) ra, hình như đang đi lấy thuốc giúp người ta. Nói rồi chị vội kêu người quen, cũng là người nhà người bệnh chạy đi kiếm giúp. Vài mươi phút sau, một người đàn ông gày gò, luống tuổi mới tất tả chạy về, vừa thở vừa hổn hển vừa nói như thanh minh rằng ông phải xếp hàng đợi lấy thuốc xong mới về được. Người ta nhờ mình không thể bỏ ngang...

Về chuyện bán vé số nuôi con học đại học, ông cười ngượng nghịu bảo: Đừng nói to tát thế! Tôi chỉ lo kinh phí chữa trị, nuôi thân cũng đã mệt. Chủ yếu là làm điểm tựa tinh thần cho con, đôi khi nhún nhít sinh hoạt được vài ba trăm giúp con lúc kẹt tiền đóng học thôi.

Quê ông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. 15 năm trước, ông còn là thầy giáo dạy văn của các học trò Trường PTTH Lộc Thanh. Đến khi bệnh nặng, sức yếu, thời gian chạy chữa nhiều, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng, ông buộc phải xin nghỉ mất sức. Bệnh nặng, phải về TP HCM chữa trị, đồng lương hưu “nghỉ non” không đủ, khó khăn chất chồng, đã có lúc ông chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Chỉ đến khi phát hiện người con thứ chán gia cảnh, bỏ nhà đi bụi, ông như chợt bừng tỉnh, tự nhủ mình phải sống bởi không sống cho mình cũng phải sống vì con.

Bệnh viện ở xa, chạy thận liên tục, không thể đi về mãi, ông thuê trọ, vận dụng hết sức lực còn lại đi kiếm việc làm thêm vừa cố gắng kèm cặp, động viên người con cả học hành. Mấy năm gần đây, bệnh nặng, sức khỏe yếu, không thể lao động nữa, ông lân la ở lại hẳn bệnh viện, nửa tháng hoặc một tháng mới về thăm nhà. Lấy hành lang làm chỗ ngả lưng nên mỗi ngày của ông đều bắt đầu từ 5h sáng đến 10h đêm.

Những phận đời mưu sinh để... chạy thận - 1

Cựu nhà giáo Dương Tận tranh thủ bán vé số kiếm thêm thu nhập sau giờ chạy thận

Ngoài 3 buổi chạy thận mỗi tuần, thời gian nhàn rỗi, ông lấy vé số về bán, làm mấy việc lặt vặt bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhờ. Với ông, 5.000 đồng, 10.000 đồng tiền công đều rất quý, nhưng nếu chỉ có lời cảm ơn, ông vẫn vui vẻ giúp.

Cựu nhà giáo năm nào chia sẻ rằng, 13 năm đấu tranh với bệnh tật, hàng ngày chứng kiến không ít những người bệnh còn rất trẻ đã phải chịu đựng nỗi đau thân xác, ông thấy mình vẫn còn may mắn hơn. Lòng tự trọng của một người thầy không cho phép ông sống dựa vào lòng thương hại của người đời. Cố gắng sống lạc quan, nỗi niềm riêng ông chôn chặt trong lòng. Chỉ những đêm bị bệnh hành, mệt không ngủ được, trằn trọc cô đơn ngoài hành lang bệnh viện, cái tủi tràn về, nghĩ mình cũng có nhà, có vợ, có con đàng hoàng mà sao trơ trọi quá... Rất may, những đêm dài như thế không quá nhiều.

Những “Tầm gửi” không khuất phục số phận

Thực tế, ông Dương Tận không phải là trường hợp duy nhất người bệnh lấy bệnh viện là nhà và nơi mưu sinh mà chúng tôi gặp. Dương Thị Thu Hương, nữ bệnh nhân mau mắn chúng tôi đề cập ở trên cũng từng là một trong những người bệnh sống kiếp tầm gửi nhờ Bệnh viện 115. Chị Hương cho biết chị quê gốc ở một tỉnh miền Tây.

Hai mẹ con thuê trọ ở quận 6. Trước còn khỏe chút ít, chị Hương bán vé số kiếm thêm thu nhập. Nay sức yếu, mọi sinh hoạt thuốc men đều trông chờ vào sạp giày dép của bà mẹ 75 tuổi ở chợ Trần Nhân Tông, nhưng là “chợ chạy” (chợ vỉa hè, vừa bán vừa trông chừng trật tự đô thị thu hồi)...

Người bạn đồng hành không thể không kể đến của ông Dương Tận, chị Thu Hương nhiều năm nay là anh Huỳnh Văn Nhơ ở Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng là bệnh nhân lâu năm, Huỳnh Văn Nhơ vừa chạy thận vừa chạy việc vặt, bán vé số kiếm tiền chữa trị, sinh sống, ăn nhờ ở đậu bệnh viện nhiều năm trở lại đây...

Mỗi người mỗi quê, mỗi cảnh nhưng những người bệnh đặc biệt quen mặt này ở Bệnh viện Nhân dân 115 đều tự hào rằng họ vẫn cố gắng sống lạc quan, lương thiện dẫu biết rằng sẽ bị bệnh tật đeo đuổi đến cuối cuộc đời. Bởi với họ, cuộc đời này không có con đường cùng...

Chia tay những người bệnh ở khu chạy thận Bệnh viện Nhân dân 115, chúng tôi cứ nhớ mãi lời chia sẻ chân thành của cựu nhà giáo Dương Tận rằng: Mỗi người, dù trong hoàn cảnh nào biết chủ động trong cuộc sống, biết sống chân thành, trân trọng và có trách nhiệm với bản thân, với những người thân yêu quanh mình thì không lo không có chỗ đứng của riêng mình trong xã hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Nguyễn (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN