Những kỷ lục nhiệt độ nào bị nắng nóng khủng khiếp tháng 4 xô đổ?

Dù mới đang tháng 4, chưa phải chính hè nhưng nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ trong đợt nắng nóng đang diễn ra ở miền Bắc và miền Trung.

Những kỷ lục nhiệt độ nào bị nắng nóng khủng khiếp tháng 4 xô đổ? - 1

Nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ trong đợt nắng nóng tháng 4/2019 ở miền Bắc và miền Trung. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), từ ngày 19/4 đến nay (25/4) ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36-39 độ C, ở các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ C.

Một số nơi có nhiệt độ trên 41 độ C như: Mường La (Sơn La) 42 độ C, Con Cuông (Nghệ An) 42,0 độ C độ, Hòa Bình 41,1 độ C (cao hơn mức kỷ lục cũ 40,5 độ C năm 2016), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ C (cao hơn mức kỷ lục cũ 41,4 độ C năm 2007)…

Nhiệt độ trung bình từ đầu tháng 4/2019 đến nay ở hầu khắp Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2-3 độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 ở Bắc Bộ khoảng 23-24 độ C); các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn TBNN từ 3-4 độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 ở Trung Bộ 24-25 độ C); Nam Bộ và Tây Nguyên có nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN từ 0,5-1,5  độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 ở Tây Nguyên 24,5-25,5 độ C, Nam Bộ 29,5-30,5 độ C).

Như vậy có thể thấy, nền nhiệt trên các khu vực trong tháng 4 đều có cao hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là ở Trung Bộ.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu phân tích tiếp, trong đợt nắng nóng đang diễn ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung, rất nhiều trạm đo được nhiệt độ cao nhất vượt mức đã từng quan trắc được trong tháng 4.

Kỷ lục nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 4 là 42,7 độ C ở trạm Quỳ Hợp (Nghệ An) ghi nhận tháng 5/2015. Thế nhưng, kỷ lục này đã bị phá vỡ ngày 20/4 vừa qua bởi, nhiệt độ tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận lên tới 43,4 độ C.

“Đây là mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nhiệt độ đo được ở Việt Nam từ trước đến nay”, ông Hưởng nói.

Ngoài ra, còn rất nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong tháng 4 phá vỡ các kỷ lục cũ như tại Phù Yên (Sơn La) ghi nhận 41,7 độ C - vượt mức kỷ lục 41 độ C vào tháng 4/1984; Yên Châu (Sơn La) 41,4 độ C - vượt mức kỷ lục 40,4 độ C vào tháng 4/1984.

Nguyên nhân chính của đợt nắng nóng lần này, ông Hưởng thông tin là do kết hợp tác động của hiện tượng El Nino (nóng), xu thế nóng lên toàn cầu trong đó có Việt Nam, nền nhiệt độ cao vào tháng 4/2019, kết hợp với hiệu ứng đô thị và thay đổi mặt đệm của khu vực trạm quan trắc.

Ông dự báo, đợt nắng nóng này còn kéo dài đến khoảng ngày 26/4 ở Bắc Bộ và đến khoảng ngày 28/4 ở Trung Bộ, Nam Bộ. Khu Tây Bắc, vùng núi Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Nhận định về tình hình nắng nóng trong thời gian tới, ông Hưởng cho biết thêm, năm 2018-2019 được dự báo hiện tượng El Nino (nóng) sẽ quay trở lại nhưng có cường độ yếu và không kéo dài. Chính vì vậy, nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.

Với nền nhiệt độ được dự báo cao hơn TBNN thì nhiệt độ trong các đợt nắng nóng cũng nhiều khả năng đạt mức cao (phổ biến 39-41 độ C) và không ngoại trừ sẽ xuất hiện thêm các kỷ lục mới ở các trạm, tuy nhiên, nhiệt độ 43 độ C khó có thể lặp lại.

Các đợt nắng nóng còn lại tập trung nhiều trong tháng 5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Dòng phương tiện “chôn chân” cả ngày cửa ngõ Sài Gòn giữa trời nắng như đổ lửa

Trong khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C thì dòng người và xe phải “giậm chân tại chỗ” trên Xa lộ Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Nắng nóng kỷ lục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN